Mặc dù Hội đồng Tiền lương đã thông qua phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng 6% cho người lao động (NLĐ) từ ngày 1-7, song đến nay, nhiều cán bộ Công đoàn, công nhân rất lo lắng vì chưa có quyết định chính thức của Chính phủ để đàm phán với doanh nghiệp (DN) sớm tăng lương cho NLĐ.
Mặc dù Hội đồng Tiền lương đã thông qua phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng 6% cho người lao động (NLĐ) từ ngày 1-7, song đến nay, nhiều cán bộ Công đoàn, công nhân rất lo lắng vì chưa có quyết định chính thức của Chính phủ để đàm phán với doanh nghiệp (DN) sớm tăng lương cho NLĐ.
Công nhân Công ty TNHH Sản phẩm bao bì Golden Kaitat Việt Nam (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: L.MAI |
Nhiều cán bộ Công đoàn mong muốn Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng với mức tăng xứng đáng để đáp ứng được nhu cầu sống tối thiều của NLĐ.
* Tăng lương để đảm bảo cuộc sống NLĐ
Chị Mai Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Eclat (H.Nhơn Trạch) bộc bạch, thời điểm này đã là đầu tháng 6, tức chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến ngày tăng lương tối thiểu vùng theo kế hoạch của Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt phương án từ giữa tháng 4. Tuy nhiên, hiện Chính phủ vẫn chưa thông qua chính sách tăng lương tối thiểu vùng, nên các DN vẫn chưa triển khai được đến NLĐ. Điều này khiến nhiều DN đang rất phân vân, vì còn phải có thời gian để điều chỉnh kịp thời các kế hoạch của DN.
Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, sau 2 tuần triển khai tổng hợp kiến nghị của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được gần 10 ngàn ý kiến của NLĐ cả nước gửi đến. Trong đó, vấn đề NLĐ quan tâm nhất Chính phỉ sớm tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7. Việc tăng lương sẽ tạo động lực để NLĐ làm việc với năng suất cao, giúp DN giữ chân NLĐ để đảm bảo sản xuất trong quá trình phục hồi và phát triển. |
“Hiện đời sống công nhân rất khó khăn do vật giá leo thang, họ đều trông chờ được tăng lương kịp thời vào tháng 7 tới để cải thiện phần nào đời sống. Với vai trò bảo vệ NLĐ, chúng tôi đã họp, thảo luận với công ty và lãnh đạo DN đã sẵn sàng tăng lương khi có quyết định của Chính phủ. Do đó, công ty muốn biết kế hoạch tăng lương của Nhà nước để có phương án điều chỉnh sớm cho NLĐ” - chị Hương chia sẻ.
Tại Công ty TNHH Đồ mộc Chien Việt Nam
(TP.Biên Hòa), bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Giám đốc nhân sự công ty cho biết, mặc dù phương án tăng lương 6% chưa phải là lý tưởng để bảo đảm được các nhu cầu tối thiểu của NLĐ, nhưng được cho là hợp lý vào giai đoạn này nhằm vừa hỗ trợ phần nào cho NLĐ, vừa san sẻ khó khăn với DN. Công ty và các DN khác tại Đồng Nai đã chuẩn bị để sẵn sàng cho lộ trình này. Hiện một số DN đã chủ động tăng thu nhập để giữ chân NLĐ. Như tại công ty của chị, từ đầu tháng 3, đã tăng lương cho 1.200 lao động để góp phần ổn định đời sống. Cụ thể, điều chỉnh tăng đồng loạt cho NLĐ là 390 ngàn đồng/người và cán bộ là 1,2 triệu đồng/người.
Tương tự, tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa), trên 37 ngàn NLĐ đang làm việc cũng đang trông chờ được tăng lương để đảm bảo cuộc sống. Đại diện DN cho biết, sau khi có thông tin chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng trình Chính phủ, Công đoàn và NLĐ đều phấn khởi. Hiện DN sẵn sàng cho việc chi thêm thu nhập cho NLĐ, bởi việc tăng lương trong thời điểm này là cần thiết để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn. Qua đó, tạo sự yên tâm để gắn bó, cống hiến trong công việc, tăng năng suất lao động, giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.
* NLĐ cần chia sẻ khó khăn kịp thời
Công nhân Lê Văn Tiến, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) cho hay, đối với NLĐ, việc tăng lương trong tháng 7 tới rất quan trọng vì có thêm nguồn thu nhập để đối phó với cơn “bão giá” hiện nay. Trong những tháng qua, do thu nhập không đảm bảo nên nhiều NLĐ buộc phải nghỉ việc và rút bảo hiểm xã hội một lần để có thêm một khoản trang trải cuộc sống trước mắt.
“Chúng tôi biết đóng bảo hiểm xã hội sẽ đảm bảo an sinh sau này nhưng NLĐ cực chẳng đã mới lựa chọn phương án này chứ cũng không ai muốn” - anh Tiến bày tỏ.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, NLĐ đang rất trông chờ vào chính sách tăng lương tối thiểu vùng. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ lao động thiếu việc làm tăng cao, trong khi tiền lương tối thiểu vùng không tăng khiến đời sống của NLĐ gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7 là cần thiết, đúng đắn. Thời gian đầu, DN có thể gặp khó khăn với chính sách tăng lương tối thiểu vùng, nhưng về lâu dài, việc tăng lương không chỉ giúp lao động có thêm thu nhập, mà còn giúp ích cho DN có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để NLĐ ổn định đời sống; giúp giữ chân lao động; động viên tinh thần NLĐ gắn bó, làm việc hăng say, mang lại lợi ích lâu dài DN.
Theo các cán bộ Công đoàn, trong tình hình như hiện nay, NLĐ đang khá chật vật vì vật giá sinh hoạt leo thang với đồng lương còn thấp. Việc tăng lương đã trễ hẹn 2 năm liền vì nhiều nguyên nhân, do vậy, tăng lương là mong muốn của rất nhiều NLĐ, giúp họ có thể tập trung hết sức để tham gia sản xuất và cống hiến cho xã hội. Tổ chức Công đoàn sẽ thương lượng, đối thoại với lãnh đạo DN về điều kiện việc làm, lương, thưởng, phúc lợi… để hỗ trợ phần nào cho NLĐ.
Lan Mai
Ông ĐINH SỸ PHÚC, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa):
DN sẵn sàng lên phương án tăng lương cho NLĐ
Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành quyết định tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo cuộc sống NLĐ, vừa giúp DN thu hút và giữ chân lao động. Hiện Công đoàn công ty đã chủ động đề xuất với DN lên phương án tăng lương và DN cũng đã chuẩn bị sẵn nguồn tài chính.
Tăng lương tối thiểu vùng dù ít hay nhiều thì thu nhập của NLĐ cũng tăng theo, giúp phần nào cải thiện cuộc sống cho họ trong hoàn cảnh khó khăn. Do đó, lúc này không chỉ NLĐ mà cả DN cũng đang mong ngóng thông tin chính thức từ Chính phủ để có sự điều chỉnh tài chính phù hợp.
Bà NGUYỄN THỊ THANH TIN, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Đồ mộc Chien Việt Nam (TP.Biên Hòa):
Chính phủ cần có giải pháp ổn định giá cả
Hiện mức thu nhập NLĐ còn thấp, Vì thế, NLĐ phải làm thêm để tăng thu nhập. Hiện NLĐ đều mong muốn Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng vì đa phần DN xây dựng thang, bảng lương dựa trên mức lương tối vùng do Nhà nước quy định.
Đồng thời, Chính phủ cần có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và NLĐ.
Công nhân LÊ THỊ OANH, làm việc tại Công ty TNHH Four Nine (H.Long Thành):
Chúng tôi đang mong mỏi được tăng lương
Chúng tôi đang mong mỏi được tăng lương trong tháng 7 tới để có thêm thu nhập trang trải cho gia đình khi vật giá đều tăng. Lương tăng thì thu nhập của công nhân cũng tăng, tuy chưa biết được bao nhiêu nhưng cũng sẽ cải thiện bữa cơm cho gia đình và có thêm chi phí trả tiền nhà trọ, nuôi các con ăn học.
Chúng tôi cũng mong, Đồng Nai sẽ có nhiều dự án nhà ở giá rẻ cho NLĐ được triển khai sớm nhằm giúp NLĐ được mua nhà trả góp, yên tâm an cư lạc nghiệp, gắn bó và đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Thảo My (ghi)