Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc phá khám lịch sử

03:12, 02/12/2020

64 năm trước, ngày 2-12-1956, bằng tinh thần đoàn kết, quyết tâm thắng giặc, các tù chính trị đã nổi dậy phá khám Tân Hiệp (Nhà lao Tân Hiệp ngày nay) để trở về với cách mạng, với nhân dân.

64 năm trước, ngày 2-12-1956, bằng tinh thần đoàn kết, quyết tâm thắng giặc, các tù chính trị đã nổi dậy phá khám Tân Hiệp (Nhà lao Tân Hiệp ngày nay) để trở về với cách mạng, với nhân dân.

Các cựu tù Nhà lao Tân Hiệp dâng hương tưởng niệm chiến sĩ cách mạng đã hy sinh. Ảnh: Nguyệt Hà
Các cựu tù Nhà lao Tân Hiệp dâng hương tưởng niệm chiến sĩ cách mạng đã hy sinh. Ảnh: Nguyệt Hà

Sự kiện này đã tạo dư chấn trong lịch sử đấu tranh chống chế độ Mỹ - Ngụy ở miền Nam Việt Nam. Di tích Nhà lao Tân Hiệp ngày nay trở thành biểu tượng, dấu son của khát vọng độc lập tự do và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

* Dấu ấn không phai

Ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nhắc về sự kiện lịch sử này, ông Nguyễn Văn Thông (Hai Thông), nguyên cựu tù tại khám Tân Hiệp vẫn ứa lệ khi kể lại, nhất là khi nhà báo Dương Tử Giang ngã xuống: “Lúc đó vào 17 giờ 30 ngày 2-12-1956, anh Giang cùng hàng trăm tù chính trị nổi dậy phá khám Tân Hiệp. Trong lúc địch và ta bắn nhau ác liệt, anh Giang đã vượt qua cổng ngục, khi tới suối Đồng Tràm thì bị trúng đạn rồi nằm gục bên bờ suối”.

Để đề phòng các chiến sĩ cách mạng trong khám Tân Hiệp nổi dậy, địch luôn canh phòng cẩn mật. Các chiến sĩ cách mạng trong khám liên hệ với nhau chủ yếu bằng ám hiệu để tránh bị địch cài người đóng giả tù nhân. Trong hồi ký của mình, ông Hai Thông viết rõ: “Chúng tôi thường tranh thủ lúc ăn cơm hay sinh hoạt tập thể để liên lạc với nhau. Việc này phải hết sức bí mật, phải dùng ám hiệu và chỉ trao đổi với những đảng viên đã quen biết từ trước”.

Theo ông Nguyễn Trùng Phương, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, kế hoạch vượt ngục tại khám Tân Hiệp thực sự là một kế hoạch táo bạo, thể hiện quyết tâm trở về với các mạng của những cựu tù. Bởi trước thời điểm nổ ra cuộc vượt ngục, khám Tân Hiệp đã được củng cố, xây dựng hoàn chỉnh.

Toàn khu vực khám được bao kín bằng hai lớp kẽm gai và một hệ thống 9 tháp canh lớn. Mỗi tháp canh đủ chỗ cho 3 lính gác. Các tháp canh số 1, 3, 5, 7 được trang bị súng trung liên, một loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ. Cổng trại giam làm bằng thép dày, rộng 4m, cao 2,4m. Cạnh cổng là đồn canh lớn và kho súng. Nơi đây thường xuyên có một tổ lính bảo an canh gác suốt ngày đêm. Vì thế, công tác chuẩn bị cho phá khám Tân Hiệp khá chu đáo, sẵn sàng cho những người cựu tù nổi dậy.

Cựu tù nhà lao Tân Hiệp Nguyễn Văn Trung (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, vào giữa năm 1956, khám Tân Hiệp giam giữ hơn 1 ngàn tù nhân. Trong đó, có khoảng 200 đảng viên cộng sản. Nhà tù chia thành 8 trại giam, phần lớn chiến sĩ cách mạng bị giam ở các trại D, E, G…

Sau khi lên kế hoạch phá khám để những người yêu nước sớm trở về hoạt động cách mạng, Đảng ủy Nhà lao Tân Hiệp đã chỉ đạo các trại giam phải tuyển chọn những đảng viên còn khỏe mạnh, xuất thân từ bộ đội, du kích, có kinh nghiệm chiến đấu, nhất là bản lĩnh chính trị vững vàng để đưa vào lực lượng xung kích làm nòng cốt cho cuộc nổi dậy phá khám.

Cũng theo ông Trung, kế hoạch phá khám Tân Hiệp nổi dậy được ấn định là chiều thứ bảy, ngày 1-12-1956. Tuy nhiên, đúng vào ngày này, một chiếc xe chở nhóm chỉ huy và rất nhiều binh lính của địch bất ngờ đến nhà lao. Những người tù cách mạng nín thở vì tưởng kế hoạch vượt ngục đã bị lộ. Đảng ủy đã mật báo để tất cả trại giam bình tĩnh chờ lệnh. Từng phút, từng giờ trôi qua thật nặng nề. Nếu kế hoạch bị lộ thì địch sẽ tiến hành thủ tiêu những tù nhân chúng nghi có ý định vượt ngục…

“Thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng ủy, vào lúc 17 giờ 50 ngày 2-12-1956, sau tiếng kẻng báo tù nhân vào trại thì tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp nơi. Tổ xung kích do các đồng chí Lê Toàn Thư, Tư Tăng, Cội, Mìn, Nhàn, Sỏi… xông thẳng lên kho vũ khí, bắt trói trưởng toán gác lấy toàn bộ vũ khí… Cuộc vượt ngục chỉ diễn ra trong khoảng 40 phút nhưng đã giúp gần 500 người trở về với cách mạng, với nhân dân, tiếp tục chiến đấu” - ông Trung nhấn mạnh.

* Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống

Bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh cho biết, Nhà lao Tân Hiệp được sử dụng làm một trạm trung chuyển để phân loại tù nhân đi các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc… Người tù cách mạng khi bị địch bắt đưa ra Côn Đảo, Phú Quốc là coi như không có ngày trở về. Vì thế, những người yêu nước bị giam tại Nhà lao Tân Hiệp luôn nung nấu ý chí phải vượt ngục trở về hoạt động cách mạng.

Đài tưởng niệm cuộc nổi dậy tại Nhà lao Tân Hiệp hiện nay. Ảnh: TL
Đài tưởng niệm cuộc nổi dậy tại Nhà lao Tân Hiệp hiện nay. Ảnh: TL

“Sự kiện phá khám Tân Hiệp 64 năm trước thực sự là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai. Thắng lợi này đã thể hiện rõ bản chất chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường của người cộng sản và yêu nước như “ngọc trong đá”. Năm 1994, Nhà lao Tân Hiệp được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây thực sự trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ” - bà Hòa nói.

Cũng theo bà Hòa, vào những năm chẵn, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu tổ chức lễ kỷ niệm ngày phá khám Tân Hiệp. Còn với những năm lẻ, ngày 2-12 các cựu tù còn khỏe ở nhiều nơi sẽ tụ họp về đây dâng hương, tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong sự kiện phá khám Tân Hiệp.

Bà Hòa cho biết thêm, để ghi nhận công lao to lớn của các cựu tù đã vượt qua gian khó, mưu trí, dũng cảm và hy sinh, ngày 15-12-2018, tập thể chiến sĩ cách mạng Nhà lao Tân Hiệp đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cô Vũ Trần Diễm Châu, Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho hay, hằng năm, nhà trường thường tổ chức cho học sinh tham quan, dâng hương tại di tích Nhà lao Tân Hiệp. “Hoạt động này góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước của thế hệ cha ông cho học sinh trong trường. Qua đó, giúp các em tiếp tục nỗ lực, có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, đóng góp tích cực vào xây đắp, vun bồi truyền thống yêu nước, yêu quê hương Đồng Nai” - cô Châu nhấn mạnh.

Em Trần Minh Hùng, học sinh lớp 7/2 Trường THCS Tân Tiến đã đến dâng hương tại Nhà lao Tân Hiệp. Mỗi lần đến đây cậu học sinh này luôn quan sát rất kỹ những kỷ vật, các minh chứng của một thời hào hùng mà cha ông đã để lại. Minh Hùng nói: “Tự hào về quê hương, về truyền thống cách mạng, chúng em nguyện học tập thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh của các bậc cha ông cũng như xứng với truyền thống anh hùng của quê hương Biên Hòa - Đồng Nai”.

Sáng nay 2-12, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh và một số cựu tù chính trị Nhà lao Tân Hiệp đến đặt hoa, dâng hương tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong cuộc phá khám cách đây 64 năm. Bà Trần Thị Hòa cho biết, dịp này, không chỉ cựu tù mà tuổi trẻ TP.Biên Hòa và nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức dâng hương tưởng nhớ những cựu tù đã hy sinh và nghe một số cựu tù kể về cuộc phá khám cách đây 64 năm.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều