Báo Đồng Nai điện tử
En

Nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm đi cùng Những đứa trẻ trong sương

02:01, 18/01/2023

Theo chân Di - một bé gái 12 tuổi người Mông sống tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hơn 3 năm, nữ đạo diễn trẻ HÀ LỆ DIỄM đã có những trải nghiệm và hành trình vô cùng thú vị để cho ra đời bộ phim tài liệu dài đầu tay Những đứa trẻ trong sương (Children Of The Mist). Chính hành trình kỳ diệu đó đã đưa cô gái người Tày trở thành đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (Hà Lan) năm 2021

Theo chân Di - một bé gái 12 tuổi người Mông sống tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hơn 3 năm, nữ đạo diễn trẻ HÀ LỆ DIỄM đã có những trải nghiệm và hành trình vô cùng thú vị để cho ra đời bộ phim tài liệu dài đầu tay Những đứa trẻ trong sương (Children Of The Mist). Chính hành trình kỳ diệu đó đã đưa cô gái người Tày trở thành đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (Hà Lan) năm 2021

Poster phim Những đứa trẻ trong sương
Poster phim Những đứa trẻ trong sương

Những đứa trẻ trong sương là một hành trình kỳ diệu được duy trì bởi những trái tim rộng mở”- đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ về bộ phim tài liệu Việt Nam đầu tiên góp mặt trong danh sách rút gọn 15 đề cử của hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023. Bộ phim cũng đã cán mốc công chiếu tại 100 liên hoan phim trên khắp thế giới.

* Tuổi thơ và sự biến mất

Thành công của Những đứa trẻ trong sương quả thật là tin vui với điện ảnh Việt và là “trái ngọt” đối với một người làm phim trẻ như Diễm. Nữ đạo diễn kể về hành trình làm phim của mình thật nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng đằng sau đó là những quãng đường dài thăm thẳm, những ngày dầm mình trong sương với cái rét cóng của vùng rẻo cao Tây Bắc, là những trăn trở không ngừng về nhân vật, cuộc sống...

Đạo diễn Hà Lệ Diễm sinh năm 1991 tại Bắc Kạn, là người dân tộc Tày, tốt nghiệp Khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội. Hà Lệ Diễm theo đuổi dòng phim tài liệu trực tiếp, ưu tiên sự thật, tối giản lời bình, hầu như không có bàn tay can thiệp của đạo diễn. Cô cũng có mặt trong danh sách Forbes Việt Nam Under 30 năm 2022 (Những gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi).

Tốt nghiệp ngành báo chí, Hà Lệ Diễm không gắn bó với nghề báo bởi cái nhịp nhanh nhạy, gấp gáp của nó không hợp với cô. Diễm thích thong dong góp nhặt những chất liệu cuộc sống, thích khám phá những vùng đất, con người và không có cách nào hợp lý hơn là hòa mình vào vùng đất đó. Những đứa trẻ trong sương cũng ra đời trong một chuyến “góp nhặt” như thế. “Trong một lần cùng Di và đám bạn của em lên lên đồi chơi, mình chứng kiến sự hồn nhiên, vui tươi những đứa trẻ vùng cao và chợt nhớ rằng mình cũng từng có tuổi thơ như thế. Trong thoáng chốc mình nảy ra ý định làm phim về tuổi thơ của Di và sự biến mất của nó. Quả thực nó khá mơ hồ và mình chưa định hình được kịch bản, sẽ quay gì, cốt truyện ra sao. Mình vừa đi, vừa quay, vừa tìm hình hài cho nó”- nữ đạo diễn 9X chia sẻ.

Những đứa trẻ trong sương kể về cuộc sống của Di, một bé gái 12 tuổi người Mông sống tại Sa Pa. Từ nhân vật Di cùng gia đình, bạn bè và những mối quan hệ xung quanh em, Hà Lệ Diễm là người cầm máy trong cả quá trình quay phim, cô đã cùng đi với những đứa trẻ qua những màn sương của vùng núi cao. Nơi mà các em đang từng ngày lớn lên với sự đan xen giữa những phong tục văn hóa truyền thống và cuộc sống hiện đại. Di muốn đến trường nhưng cô lại sinh ra nơi có phong tục cổ truyền: kéo vợ. Những đứa trẻ trong sương là quá trình đổ vỡ của thế giới tuổi thơ và hành trình trưởng thành của cô gái trẻ. Ở đó không chỉ có phong cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, nên thơ, có tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo của những bé gái người Mông mà còn là những xung đột, va chạm khi đối diện với tục kéo vợ của dân tộc mình.

* Dạo chơi cùng phim

Từ ý tưởng ban đầu có phần mơ hồ, Hà Lệ Diễm đã quyết định ở lại cùng gia đình Di và sống như một người Mông thực thụ, cô cùng ăn, cùng ngủ, theo bước chân Di đi học, đi chơi. Trong suốt hơn 3 năm làm phim, người ta vẫn thấy cô lỉnh kỉnh ba lô, máy quay, đạo cụ một mình từ Hà Nội ngược lên Sa Pa vào bản gặp Di và lắng nghe những câu chuyện xung quanh cô gái nhỏ này. Người thân và bạn bè khâm phục cô gái trẻ bởi đam mê, quyết tâm băng qua những cung đường dài, kiên trì làm phim với những thách thức, thiếu thốn vây quanh.

Một cảnh trong phim Những đứa trẻ trong sương
Một cảnh trong phim Những đứa trẻ trong sương

Vốn xuất thân từ gia đình làm nông, Hà Lệ Diễm không quá xa lạ với cuộc sống vùng cao, ngược lại cô hòa mình vào nhịp sống của Di một cách tự nhiên nhất. Cô cũng từng là đứa trẻ phải vượt qua nỗi sợ hãi khi đi qua màn sương dày đặc để đến trường mỗi sáng trong tiết trời giá lạnh, quen thuộc và yêu tha thiết những thửa ruộng, cây cỏ, đồi núi miền rẻo cao. Bởi vậy làm phim tuy vất vả, cực nhọc nhưng với Diễm lại như một cuộc dạo chơi. “Mình đi chơi còn nhiều hơn quay phim, cùng Di đi chơi nhà bạn bè, các nhà trong bản, cùng Di đến trường, lên đồi, xuống suối. Cha mẹ của Di cũng dẫn mình đi khắp nơi, nào đám ma, đám cưới, đám tiệc trong bản hay những lúc rảnh mình vẫn phụ mọi người cấy lúa, chăn trâu…Đôi khi mọi người cũng gợi ý cho mình quay cảnh này, cảnh kia”- nữ đạo diễn vui vẻ chia sẻ.

Ngày 22-12, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) công bố danh sách rút gọn một số hạng mục Oscar 2023. Trong đó, bộ phim Những đứa trẻ trong sương có mặt trong danh sách rút gọn 15 đề cử của hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc.

Không lên án hay phê phán tục kéo vợ của người Mông, Hà Lệ Diễm tôn trọng những phong tục và văn hóa khác nhau. Cô có góc nhìn tinh tế về  cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, do đó bộ phim được giới chuyên môn đánh giá chân thực, đa chiều và đầy cảm xúc. Đó còn là bản lĩnh trong những cảnh quay mà cô không mong muốn, những trăn trở, lo lắng cho nhân vật của mình bởi nạn tảo hôn, buôn bán phụ nữ và trẻ em tại vùng dân tộc thiểu số vẫn đang diễn ra.

Nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam
Nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam

Nữ đạo diễn cho biết, sau khi bộ phim hoàn thành, Di cũng đã sớm lập gia đình như mẹ, các chị, các bạn của mình và sẽ quay lại trường học khi có thể. Và dư vị của bộ phim sẽ tùy vào cảm nhận của mỗi người nhưng chắc hẳn nó sẽ rất đời, rất người bởi nó sinh ra từ chính những “lát cắt” của cuộc sống.


Phim tài liệu: Thách thức và thú vị

* Tốt nghiệp ngành báo chí, cơ duyên nào đưa bạn đến với phim tài liệu?

- Thực ra mình đã học làm phim từ khi còn là sinh viên, có cơ hội tham gia khóa học làm phim tại Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD năm 2012 và Trại sáng tác phim tài liệu Varan Vietnam 2016. Mình bắt đầu tìm hiểu, học và hấp dẫn bởi phim tài liệu. Sau đó mình quyết định đi theo con đường này dù biết không dễ dàng.

Sau thành công tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam, Những đứa trẻ trong sương đã gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá và được công chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Đây cũng là bộ phim tài liệu hiếm hoi của Việt Nam có nhà phát hành quốc tế. Đến nay bộ phim đã được chiếu ở gần 100 liên hoan phim tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Hà Lan, Đức,  Anh, Pháp, Singapore…

* Vậy đâu là nét hấp dẫn của phim tài liệu đối với Diễm?

- Trước đây, khi nhắc đến phim tài liệu người ta thường nghĩ nó rất khô khan, đơn điệu, kén người xem nhưng thực tế không phải vậy. Phim tài liệu mang lại nhiều cung bậc cảm xúc chân thật, sống động và thu hút bởi nó đi ra từ đời sống. Có những bộ phim tài liệu mang đến nhiều tiếng cười, dí dỏm, có những phim lại mang đến sự trăn trở, day dứt...và mỗi người lại có những cảm nhận khác nhau. Mình tìm thấy sự hấp dẫn riêng biệt ở phim tài liệu mà đôi khi không thể thấy ở các bộ phim truyện.

Mình thích ghi lại những lát cắt, hơi thở cuộc sống đang diễn ra mỗi ngày, những thứ đôi khi rất khó xuất hiện trên truyền hình hay mặt báo. Đó là những ngày được lắng nghe nhiều hơn, được hòa cùng cuộc sống của nhân vật, được chứng kiến những đổi thay trong cuộc sống, cảm xúc của họ. Phim tài liệu cũng khá phù hợp với mình so với các thể loại khác khi nó không đòi hỏi quá nhiều kinh phí, ê-kíp, mình có thể tự quay, tự thu thanh và trải nghiệm quá trình làm phim độc lập. Được đi đây đi đó khiến mình hứng thú với cuộc sống xung quanh hơn là những công việc văn phòng, nó thôi thúc mình đi và đi thôi.

* Giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (Hà Lan) năm 2021 đã thay đổi cuộc sống của bạn ra sao?

- Đó là một niềm hạnh phúc, bất ngờ với mình khi được tham dự một một trong những liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới. Bộ phim  là một hành trình kỳ diệu được duy trì bởi những trái tim rộng mở. Nó cũng đã đưa mình đến với những đất nước xa xôi mà mình từng mơ ước như: Ý, Úc, Hàn Quốc, Canada, Hà Lan, Ấn Độ… để tham gia những khóa học và dự án phim quốc tế. Ở đó mình có những cuộc gặp gỡ thú vị với nhiều nhà làm phim nổi tiếng và cả những đạo diễn trẻ đang từng bước dấn thân làm phim tài liệu như mình. Một bầu trời rộng lớn mở ra trước mắt và mình vẫn đang nỗ lực học hỏi mỗi ngày.

* Xin cảm ơn và chúc bạn ngày càng thành công!


Nhật Hạ

Tin xem nhiều