Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai: 60 năm phát triển, 60 năm tự hào…

08:01, 17/01/2023

Tiền thân từ Đoàn Văn công Khu ủy miền Đông Nam bộ, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã trải qua 60 năm trưởng thành và phát triển với rất nhiều dấu ấn, khẳng định vị trí là một trong những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp "danh tiếng" trong toàn quốc.

Tiền thân từ Đoàn Văn công Khu ủy miền Đông Nam bộ, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã trải qua 60 năm trưởng thành và phát triển với rất nhiều dấu ấn, khẳng định vị trí là một trong những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp “danh tiếng” trong toàn quốc.

Nghệ sĩ Hoài Minh (vai Yên Sơn) đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc năm 2021 diễn ra vào tháng 11-2022. Ảnh: L.Na
Nghệ sĩ Hoài Minh (vai Yên Sơn) đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc năm 2021 diễn ra vào tháng 11-2022. Ảnh: L.Na

Hơn nửa thế kỷ trôi qua với biết bao thăng trầm nhưng ngọn lửa đam mê nghệ thuật, sân khấu cải lương và những giá trị văn hóa truyền thống luôn rực cháy trong trái tim các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên.

* Từ dấu ấn vàng son…

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (Nhà hát) được thành lập trên cơ sở sáp nhập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai và Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai vào tháng 3-1019. Nhà hát có tiền thân là Đoàn Văn công giải phóng Khu ủy miền Đông Nam bộ, được thành lập năm 1962 tại chiến trường miền Đông. Trong kháng chiến, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công với bầu nhiệt huyết đã không quản gian khổ, hiểm nguy đem lời ca, tiếng hát biểu diễn, phục vụ và cổ vũ quân - dân ta, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có gần 40 năm công tác tại Nhà hát, nghệ sĩ Trường Khải bồi hồi nhớ lại những năm tháng không bao giờ quên: “Tôi về Nhà hát từ năm 1986, lúc bấy giờ có tên Đoàn Cải lương Võ Thị Sáu. Qua nhiều lần thay đổi tên gọi, đến nay có tên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời điểm năm 2001, Nhà hát vinh dự được ra Hà Nội biểu diễn, phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc với kịch bản Dòng sông đỏ. Mặc dù phải đi diễn cả tháng trời rất vất vả song khi nghĩ lại vẫn còn vui cho tới bây giờ. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình đứng trong hàng ngũ nghệ sĩ, diễn viên, đóng góp công sức vào sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Nhà hát”.

NSND GIANG MẠNH HÀ, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai: Phát huy sức trẻ ở Nhà hát 60 năm tuổi

Đồng Nai hiện có 2 NSND và 4 NSƯT. Sắp tới đây, sẽ có nhiều nghệ sĩ trẻ tiếp tục nhận được các danh hiệu này. Điều đó đã khẳng định vị trí, giá trị, thương hiệu và chất lượng nghệ thuật, khẳng định sức sáng tạo mạnh mẽ của các thế hệ nghệ sĩ trong tỉnh. Chúng tôi tin rằng, với việc phát huy sức trẻ, phát huy truyền thống 60 năm hình thành và phát triển, Nhà hát ngày càng lớn mạnh, cả về nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, các vở diễn…, góp phần lan tỏa và quảng bá sân khấu, nghệ thuật Đồng Nai đến cộng đồng trong nước và quốc tế.

NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát cho biết, 60 năm với sứ mệnh bảo tồn và phát triển nghệ thuật của dân tộc, Nhà hát đã dàn dựng thành công rất nhiều vở diễn, trích đoạn cải lương công phu, hoành tráng, sáng tạo độc đáo và có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao. Tiêu biểu như: Người con gái đất đỏ, Uy quyền và tội ác, Dòng sông đỏ, Những ngôi sao biển, Dời đô, Vượt qua tâm bão, Ánh đèn khuya, Tình sử hai Vương triều, Hồi sinh, Bão táp Vương triều, Niềm khát, Huyết bào, Cuộc chiến, Khơi nguồn, Sứ mệnh…

Bên cạnh đó, Nhà hát còn dàn dựng các chương trình ca múa nhạc, múa rối cạn, rối nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

“Cùng với các giải thưởng, Nhà hát đã vinh dự được Bộ VH-TTDL và Ban tổ chức đại hội Đảng toàn quốc chọn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, lần thứ X và Đại lễ 1 ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiều vở diễn được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP.HCM, Đài PT-TH Đồng Nai và các tỉnh lân cận... ghi hình, phát sóng rộng rãi. Hiện nay, Nhà hát đã và đang mở rộng quy mô hoạt động với nhiều loại hình nghệ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào luyện tập, biểu diễn trực tuyến để phục vụ khán giả trong và ngoài nước” - NSƯT Quế Anh chia sẻ.

Vừa biểu diễn trực tuyến, thời gian gần đây Nhà hát vừa thường xuyên tổ chức cho người trẻ là đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đến tìm hiểu nghệ thuật truyền thống và thưởng thức cải lương. Điều này không chỉ tạo động lực cho Nhà hát tiếp tục triển khai những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao mà còn “gieo” vào giới trẻ những giá trị văn hóa tinh thần, những câu chuyện đẹp, những bài học hay trong cuộc sống. Từ đó, nỗ lực phấn đấu, lao động và học tập để trở thành những công dân có ích, cống hiến cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Theo dõi sự phát triển của Nhà hát, PGS-TS Huỳnh Văn Tới, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Đồng Nai cho rằng, sân khấu của Đồng Nai đã được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để duy trì và phát triển. Cùng với đó, Nhà hát đã tích cực bồi dưỡng, phát hiện và tìm kiếm đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ; đồng thời, dàn dựng được nhiều vở diễn mới tham gia các cuộc thi lớn, đoạt nhiều giải thưởng cao. Đặc biệt, việc đổi mới sân khấu từ hình thức đến nội dung, nhất là đổi mới cải lương đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung.

* Phát huy sức trẻ, nâng tầm vị thế

Gắn bó với Nhà hát mới hơn 5 năm song nghệ sĩ trẻ Hoài Minh luôn coi Nhà hát như là ngôi nhà thứ 2 của mình, hoạt động tích cực, không ngừng vun đắp để cùng nhau tỏa sáng. Sau nhiều nỗ lực, tháng 11-2022, anh vinh dự đoạt huy chương vàng đầu tiên trong liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc.

Năm 2022, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai có 2 nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 gồm: NSƯT Đồng Thị Quế Anh, được đề nghị xét tặng NSND và nghệ sĩ Huỳnh Văn Vinh (nghệ danh Thành Vinh), được đề nghị xét tặng NSƯT. Đặc biệt, đây cũng là năm Nhà hát thắng lớn với 11 huy chương các loại tại Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc năm 2021. Kết quả này góp phần ghi thêm dấu ấn đậm nét trong lịch sử 60 năm hình thành và phát triển của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai.

Nghệ sĩ Hoài Minh bộc bạch: “Song song với việc được xướng tên Hoài Minh trong lễ trao giải thì “thương hiệu” Nhà hát cũng được vang lên. Điều này khẳng định giá trị và nâng tầm vị thế của Nhà hát trên “đấu trường” sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Từ đó, Hoài Minh cảm thấy như được truyền nguồn năng lượng tích cực để thêm nỗ lực cống hiến, tỏa sáng”.

Mặc dù sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ Đồng Nai chưa bao giờ mất niềm tin, chưa bao giờ ngừng cống hiến. Nghệ sĩ Hoàng Việt Trang trải lòng: “Không chỉ Nhà hát đổi mới mà ngay cả các nghệ sĩ cũng rất có ý thức trong tu dưỡng đạo đức, rèn kỹ năng trong làm nghề. Những năm qua, Hoàng Việt Trang cố gắng đưa hình ảnh của bản thân và của Nhà hát đến khán giả trẻ nhiều hơn thông qua ứng dụng công nghệ số. Nhiều tác phẩm về công nhân, người lao động sau khi công chiếu, phát hành được đón nhận tích cực. Đây chính là động lực để tiếp lửa cho nghệ sĩ, theo đuổi con đường nghệ thuật đã chọn”.

Theo NSƯT Quế Anh, điều mà chị trăn trở nhất hiện nay là đội ngũ kế cận cho nghệ thuật truyền thống, bởi còn rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng do ràng buộc các quy định. Ngoài tuyển dụng và giữ chân diễn viên trẻ, còn đội ngũ kỹ thuật, hậu đài, âm thanh, ánh sáng… là lực lượng luôn âm thầm phía sau giúp nghệ sĩ tỏa sáng. “Nhìn lại chặng đường 60 năm qua của Nhà hát, bài học lớn nhất của lớp tiền bối để lại là sự đam mê, cống hiến hết mình trong sáng tạo nghệ thuật. Ngọn lửa trong trái tim lớp lớp nghệ sĩ đã truyền tới công chúng qua các kịch bản và vở diễn, khẳng định giá trị tới hôm nay” - NSƯT Quế Anh nhấn mạnh.

Ly Na

Tin xem nhiều