Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài học từ thời mở đất mở cõi

08:01, 17/01/2023

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cách đây 325 năm là vùng rừng thiêng nước độc, nhiều chướng khí. Để trở thành một "Đồng Nai gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về", ông cha ta đã vượt qua biết bao trở lực. Việc này chỉ có thể làm được với ý chí kiên cường và sức mạnh của sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cách đây 325 năm là vùng rừng thiêng nước độc, nhiều chướng khí. Để trở thành một “Đồng Nai gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”, ông cha ta đã vượt qua biết bao trở lực. Việc này chỉ có thể làm được với ý chí kiên cường và sức mạnh của sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Cổng chính Hiển Lâm Sơn tự. Ảnh: L.VIÊN
Cổng chính Hiển Lâm Sơn tự. Ảnh: L.VIÊN

Trong kho tàng truyện kể dân gian của Đồng Nai có nhiều câu chuyện kể lại quá trình này. Tất nhiên, truyện kể dân gian không phải là sử liệu, nhưng những bài học, ý nghĩa rút ra từ câu chuyện vẫn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc. Một trong những truyện kể tiêu biểu lý giải địa danh, phản ánh khá sâu sắc quá trình chinh phục thiên nhiên từ thuở sơ khai của người xưa trên vùng đất này là Sự tích chùa Hóc Ông Che.

* Chùa Hóc Ông Che và câu chuyện về vùng đất Hóa An xưa

Nằm không xa trung tâm TP.Biên Hòa, cách chợ Hóa An chỉ chừng 1km, “Hóc Ông Che” - Hiển Lâm Sơn tự - còn gọi là chùa Hóc thuộc KP.An Hòa (P.Hóa An) suốt hàng trăm năm qua vẫn là địa danh quen thuộc, được nhiều người nhắc đến.

Hóc Ông Che vào thuở sơ khai vốn là rừng sâu chướng khí, thú dữ hoành hành, dân cư sinh sống thưa thớt. Trong vùng có một con cọp dữ tợn, tinh ranh, say máu người bất kể đêm ngày. Người dân trong làng dùng mọi cách: làm rào cao hào sâu, đánh bẫy săn lùng nhưng vẫn không diệt được.

Để có được cuộc sống yên bình ngày nay, ngoài những bậc thầy tài giỏi ra sức giúp đời còn có vai trò của người dân. Các thế hệ tiền nhân khai phá đã phải chịu nhiều tổn thất và chỉ có sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hợp lực của cộng đồng dân cư mới có thể vượt qua những khó khăn, thử thách.

Trong tác phẩm Văn hóa Đồng Nai - góp nhặt cát bụi, NXB Đồng Nai ấn hành năm 2019, tác giả Huỳnh Văn Tới khi kể về Sự tích chùa Hóc Ông Che có nêu: “Thuở ấy, vùng Tân Khánh nổi tiếng là làng võ có nhiều võ sư giỏi nhất tỉnh Biên Hòa, trong đó có thầy Năm Minh vang danh với đám môn sinh giỏi côn quyền, kiếm thuật. Ở miệt Dĩ An cũng có một ông thầy võ từ miền Tây lên sinh sống, và đem tài cứu giúp dân lành. Nghe tiếng cọp dữ Hóa An, thầy võ Tân Khánh và thầy võ Dĩ An dẫn môn sinh đi diệt cọp trừ họa. Ngày lành tháng tốt, dân làng Hóa An mở tiệc khao thưởng những ai gia nhập tráng binh dưới trướng 2 thầy võ Tân Khánh, Dĩ An. Thanh niên trong vùng ứng nghĩa rất đông...”.

Thanh niên được 2 thầy võ truyền dạy võ công, chế tạo vũ khí diệt cọp rồi dưới sự chỉ huy của 2 thầy đi tìm cọp để diệt. Cuộc đấu với cọp dữ được miêu tả như một trận đánh lớn, khí thế sôi sục kéo dài 1 ngày 1 đêm nhưng dân làng phần vì bị thương, phần vì khiếp đảm bỏ chạy nên chỉ còn 2 thầy đương đầu. Mấy ngày sau, lần theo dấu vết, dân làng phát hiện cọp dữ bị diệt nhưng 2 thầy cũng dũng cảm hy sinh khi sức cùng lực kiệt trong niềm kính phục của dân làng. Với những bài học do 2 thầy truyền dạy, người dân trong làng lần lượt diệt những đàn cọp khác quấy nhiễu.

Ngày nay, tại chùa Hóc - Hiển Lâm Sơn tự - có miễu Chư vị Cậu Hai Quan Tướng (còn gọi là am Chư vị). Trong công trình Hỏi đáp về Biên Hòa - Đồng Nai, 2 tác giả Phan Đình Dũng - Nguyễn Thanh Lợi có ghi: “Am Chư vị thờ các âm binh âm tướng tương truyền là lực lượng đã từng trợ giúp 2 thầy võ địa phương đánh cọp dữ cứu dân làng thời khai khẩn”.

Tháp Tổ sư Huệ Lâm thiền sư trong khuôn viên chùa
Tháp Tổ sư Huệ Lâm thiền sư trong khuôn viên chùa

Theo quan sát, bên ngoài miễu Chư vị Cậu Hai Quan Tướng có 2 tượng ngựa một màu đỏ và một màu trắng đứng gác 2 bên cửa miễu. Phía bên trong miễu, có 2 tượng cọp ngồi chầu, bức tường phía sau miễu được vẽ cảnh tượng thu phục cọp dữ, chướng khí vất vưởng trong một vùng cây cối rậm rạp, u tối...

* Lý giải về địa danh “Hóc Ông Che”

Khi kể về Sự tích chùa Hóc Ông Che trong tác phẩm Văn hóa Đồng Nai - Góp nhặt cát bụi, tác giả Huỳnh Văn Tới còn nêu: “Dứt họa cọp dữ, dân làng lại lo âu, khổ sở vì các oan hồn quấy nhiễu. Đó là những oan hồn hoặc chết do cọp bắt hoặc chết do sơn lam chướng khí còn vất vưởng trong vùng”.

Lúc này, thiền sư Huệ Lâm đã chọn rừng sâu ở khu vực này để làm nơi tu hành, khai mở thiền lâm, tụng kinh siêu độ, bốc thuốc chữa bệnh, rao giảng Phật pháp. Trong hóc nơi rừng sâu, thiền sư che một cái chòi nhỏ trú mưa trú nắng, ngày ngày đắp gò để từng bước dựng chùa nên người dân gọi là “hóc có ông che chòi”. Khi chùa được dựng lên, người dân vẫn quen miệng gọi là chùa Hóc Ông Che.

Còn có giả thuyết, “Có người cho rằng, do đêm đêm người ta nghe tiếng rừng thiêng lảnh lót như tiếng che ép múa nên gọi đó là Hóc Ông Che” - tác giả Huỳnh Văn Tới viết.

Bên trong miễu Chư vị Cậu Hai Quan Tướng
Bên trong miễu Chư vị Cậu Hai Quan Tướng

Từ ngôi chùa nhỏ ban đầu, vào các năm 1930, 1975, Hiển Lâm Sơn tự được trùng tu, mở rộng nhiều hạng mục. Ngày nay, đường vào Hiển Lâm Sơn tự khá thuận lợi. Chùa có khuôn viên thanh tịnh, nghiêm trang, thoáng đãng với nhiều cây xanh. Kết cấu của chùa dạng nhà tứ trụ với những cột gỗ cao, treo câu đối, bao lam, hoành phi được chạm trổ tinh tế.

Đến vãng cảnh Hiển Lâm Sơn tự ngày nay, ngoài chánh điện thờ Phật, trong khuôn viên chùa còn có các hạng mục khác như: nhà Tổ thờ Đức tổ Huệ Lâm thiền sư và gian thờ Tam Thế Phật, nhà giảng, tháp Tổ sư, miễu chư vị Cậu Hai Quan Tướng, còn gò đất cao phía sau chùa là đảnh thờ các Bà: Linh Sơn Thánh Mẫu, Ngũ Hành, Nữ Oa... Trong đó, đáng chú ý là trên tháp Tổ sư có bia ảnh Huệ Lâm thiền sư cùng nội dung: “Pháp hiệu HUỆ LÂM thiền sư - Sáng tạo chùa HIỂN LÂM SƠN TỰ - Sanh năm Đinh Hợi 1887 - Tịch năm Ất Dậu 1945”.

***

Sự tích Hóc Ông Che được truyền miệng qua nhiều thế hệ, là nguồn tư liệu quý giá trong việc lý giải địa danh, đồng thời phản ánh sinh động sự cuộc đấu tranh cam go của con người nơi vùng đất mới rừng thiêng nước độc.

Lâm Viên

Tin xem nhiều