Kể từ ngày phục dựng, khánh thành, đi vào hoạt động (năm 1998), đến nay Văn miếu Trấn Biên vừa qua tuổi 20 nhưng đã trở thành biểu tượng văn hóa trong lòng người Biên Hòa - Đồng Nai; không chỉ để "nhang khói" mà còn tích hợp, kết tinh, lưu truyền, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam mang phong cách hào khí phương Nam.
Kể từ ngày phục dựng, khánh thành, đi vào hoạt động (năm 1998), đến nay Văn miếu Trấn Biên vừa qua tuổi 20 nhưng đã trở thành biểu tượng văn hóa trong lòng người Biên Hòa - Đồng Nai; không chỉ để “nhang khói” mà còn tích hợp, kết tinh, lưu truyền, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam mang phong cách hào khí phương Nam.
Sách ảnh Văn miếu Trấn Biên - Hào khí phương Nam |
Bởi vậy, ở Văn miếu Trấn Biên, ngoài hoạt động lễ hội, thăm viếng còn chú trọng các hoạt động giao lưu, kết nối, sáng tạo nhằm làm giàu thêm hàm lượng văn hóa trong xây dựng và phát triển ở Biên Hòa - Đồng Nai.
Khách đến giao lưu với Văn miếu Trấn Biên, nhất là đồng nghiệp đến từ Văn miếu Thăng Long - Hà Nội chú ý đến bộ sách về giá trị văn hóa ở Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay. Bộ sách ảnh này được hình thành bằng tâm huyết của giới nghiên cứu, sáng tạo văn hóa trong và ngoài tỉnh, mong ước vươn đến hàng trăm tập với nhiều chủ đề, bằng phương thức tích góp dần “kiến tha lâu đầy tổ”; đến nay đã được 15 tập. Trong dịp chào mừng kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 320 năm, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên ra mắt Văn miếu Trấn Biên - Hào khí phương Nam, góp phần thêm một tập sách trong hệ thống chuyên đề như mong ước.
Tập sách Văn miếu Trấn Biên - Hào khí phương Nam do Huỳnh Văn Tới - Trần Đăng Ninh đồng chủ biên với sự tham gia biên soạn của: Bùi Hiếu Tâm, Trần Trung Tuyến, Phí Thị Thu Hằng, Hoàng Thị Nga, Phạm Thị Hồng Tươi, Nguyễn Quốc Trọng; do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành tháng 12-2018. Sách gồm 140 trang khổ 30x35 cm, trình bày mỹ thuật giới thiệu hơn 200 ảnh tư liệu và ghi chú rõ ràng, nội dung gồm 5 phần thể hiện các giá trị và hoạt động tiêu biểu của Văn miếu Trấn Biên (Một số Văn miếu ở Việt Nam xưa; Sử sách ghi nhận; Phục dựng; Khoa cử xưa và nay; Kết nối và lan tỏa). Theo đó, người đọc có thể hiểu và cảm nhận tổng quan về Văn miếu Trấn Biên.
Văn miếu Trấn Biên cũng đề cao giá trị của Khổng Tử và Nho học, nhưng theo cách riêng của mình: lấy chữ VĂN làm cốt lõi, lấy sự học làm thước đo giá trị (Bất học bất tri lý), học gắn với hành, để mà hành (Học nhi thời tập chi). Việc thờ phụng ở Bái đường lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm hạt nhân kết nối giá trị văn hóa giáo dục tiêu biểu của dân tộc (5 dòng mạch phương Bắc) và bản sắc ở phương Nam (5 biểu tượng văn hóa Nam bộ). Điều này có ý nghĩa: Văn miếu Trấn Biên kết tinh giá trị văn hóa tinh hoa của truyền thống, của cả nước, của phương Nam thành một chỉnh thể thống nhất, đa dạng và bản sắc.
Hệ thống hoành phi, câu đối và hiện vật bày trí trong bái đường cũng mang ý nghĩa như thế. Tủ đất, nước (18kg đất và 18 lít nước từ Đền Hùng) kết nối với văn hóa đất Tổ Hùng Vương. Trống Cái (đường kính 1,8m, là một trong bộ ba trống hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội) kết nối với văn hóa Thăng Long ngàn năm. Bia đá (2,8 tấn) mang nội dung “hiền tài là nguyên khí quốc gia…” kết nối với Văn miếu Quốc tử giám Thăng Long - Hà Nội.
Văn vật khố bài trí, lưu giữ, tôn vinh giá trị về dạy nghề gắn với nghề truyền thống địa phương và trường nghề đầu tiên ở Nam bộ (Trường bá nghệ Biên Hòa), trong đó có bộ tranh ghép gốm hàng trăm năm tuổi. Thư khố tích hợp, bài trí hệ thống xuất bản phẩm gồm cổ thư và các loại sách về Đồng Nai qua các thời kỳ. Nhà bia ấn tượng bởi một bia đá, 2 mặt khắc bài văn bia do Anh hùng Lao động Giáo sư Vũ Khiêu cẩn đề, khái quát sinh động lịch sử văn hóa Đồng Nai qua 300 năm xây dựng, phát triển.
Văn miếu Trấn Biên có không gian văn hóa rộng mở, xanh, sạch, nghệ thuật. Hệ thống cây xanh là “nhân vật” chính, được bố trí hợp lý, tạo lá phổi xanh trong lành, thanh tịnh. Khu vườn tượng nghệ thuật và vườn tượng danh nhân vừa mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật vừa thể hiện tấm lòng chung tay góp sức của nhiều cá nhân, đơn vị; đặc biệt là từ phong trào Kế hoạch nhỏ của thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh Đồng Nai.
Từ Văn miếu Trấn Biên, 300 cây đa mang linh khí văn miếu đã được thỉnh và trồng nơi trang trọng ở 300 trường học. Các thế hệ thầy trò trưởng thành từ các mái trường này đều có hình bóng của Văn miếu Trấn Biên trong lòng. Văn miếu Trấn Biên không chỉ là công trình hoành tráng, cố định trên đất mà đã trở thành dòng mạch chảy trong nhịp tim của con người.
Từ hơn 10 năm qua, Văn miếu Trấn Biên đã kết nối ngày càng bền chặt với hơn 60 ban quý tế các đình, Miễu trên địa bàn Biên Hòa, hằng năm lấy ngày giỗ Bác Hồ làm hoạt động chung. Nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục đã được phối hợp tổ chức tại đây: tôn vinh các trí thức tiêu biểu; báo công, tuyên dương, khen thưởng các thành tích đạt được cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế; biểu dương các tấm gương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hội thảo khoa học; tổ chức các ngày hội thơ, dâng sách, giới thiệu sách mới; khai mạc, bế mạc các đợt thi đua yêu nước; mở các hoạt động hội xuân hằng năm (đường hoa, bắn pháo hoa, Hội báo xuân…). Nhiều câu lạc bộ đã được khai mở và tổ chức hoạt động hiệu quả tại đây.
Tham quan nhà truyền thống, không nén được cảm xúc khi thấy hình ảnh, hiện vật quý hiếm của Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội trao tặng; bức tranh thêu khổ lớn do nghệ nhân XQ sáng tạo, gắn với sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dường như, ở mỗi hiện vật ở Văn miếu Trấn Biên đều lấp lánh trong đó những tấm lòng, những giá trị văn hóa vô giá, thấm sâu, tỏa sáng trong lòng người. Điều gì đã đi vào lòng người thì trở thành giá trị bền vững, trường tồn.
Với ý nghĩa như thế, tập sách Văn miếu Trấn Biên - Hào khí phương Nam không dày trang, không quá lời, chưa bao quát và chưa thể hiện hết những hoạt động đã có, nhưng phần nào đã phản ánh được bức tranh chung và sắc thái riêng của Văn miếu Trấn Biên trong hệ thống giá trị văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai.
HUỲNH VĂN TỚI