En

Câu hò bên bờ Hiền Lương

10:04, 22/04/2005

Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Hiệp, có lẽ nhiều người sẽ hình dung ngay được một giai điệu hoặc một bài hát nào đó của ông. Chẳng hạn như bài: Cô gái vót chông, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Lá đỏ, Ngọn đèn đứng gác, Đất quê ta mênh mông, Gửi Sài Gòn... và đặc biệt là bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương" - tuyệt phẩm một thời gắn liền với giọng hát của nhiều tên tuổi như Tân Nhân, Thanh Huyền, Thu Hiền...

Cầu Hiền Lương (phía bờ Bắc) trong những năm tháng đất nước bị chia cắt.

Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Hiệp, có lẽ nhiều người sẽ hình dung ngay được một giai điệu hoặc một bài hát nào đó của ông. Chẳng hạn như bài: Cô gái vót chông, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Lá đỏ, Ngọn đèn đứng gác, Đất quê ta mênh mông, Gửi Sài Gòn... và đặc biệt là bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương" - tuyệt phẩm một thời gắn liền với giọng hát của nhiều tên tuổi như Tân Nhân, Thanh Huyền, Thu Hiền... Trong thời gian ông tập kết ra Bắc vào những ngày đất nước còn bị chia cắt, chính nỗi nhớ khôn nguôi về miền Nam ruột thịt đã tạo cho ông những xúc cảm để viết bài hát này.

"Ơi câu hò chiều nay, sao mang nặng tình ai. Hay là em bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi. Gửi lời em theo gió qua mấy câu thiết tha hò ơi!...". Nhiều người đã bật khóc khi nghe những tâm tình thổn thức của người em gái dồn nén nỗi nhớ thương mong chờ trong một câu hò. Câu hò chất chứa biết bao khát vọng, biết bao điều muốn nói! Câu hò như một thông điệp tình yêu, một sự diệu kỳ mà người nghe đã cảm nhận và chia sẻ được nỗi niềm trong câu hò ấy.

Bài hát vang lên đã từng làm nhói lòng những người con đất Việt khi ấy về nỗi đau đất nước bị chia cắt. Cùng là người Việt Nam, cùng sống trên đất nước mình, cùng đoàn kết yêu thương nhau tha thiết vậy, mà phải cách biệt đôi bờ bởi một con sông - sông Bến Hải hiền hòa, ngọt mát, gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước. Dòng Bến Hải, cầu Hiền Lương giờ đây đã là một chứng tích để nhắc nhở thế hệ mai sau về một thời đau thương của dân tộc và để cho ai đó biết rằng không một ai, không một thế lực nào có thể chia cắt được một nước Việt thống nhất từ ngàn đời nay.

Chỉ có con sông mà ngăn cách không thể đến với nhau được. Nhìn qua sông ngóng trông mà nghe lòng quặn đau, tìm hình bóng người thân trong hình bóng đàn chim, đoàn thuyền... Câu hò như một điệp khúc được nhắc lại nhiều lần trong bài hát: "Ơi câu hò chiều nay, hò ơi" chính là linh hồn của cả ca khúc này. Nó chứa đựng bao nỗi nhớ nhung trào sôi, nó là thông điệp về tình yêu, là tình cảm sâu thẳm trong tâm hồn của những người em, người mẹ đang phải xa cách anh mình, con mình. Lấp lánh trong câu hò ấy là cả một niềm tin, một sự thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam. "Nhắn ai luôn nhớ câu nguyền, trong cơn bão tố vững bền lòng son". Lời nhắn gửi ấy cũng chính là lời tự nhắn nhủ mình phải bền chí, vượt qua đau thương để đấu tranh cho ngày đất nước được thống nhất. "Tình này ta xây đắp nên thủy chung không bao giờ phai". Câu hát cuối đầy lạc quan này như một lời khẳng định sắt đá về niềm tin mãnh liệt vào cái ngày đất nước thống nhất không chỉ của riêng tác giả mà còn của đồng bào cả nước. Với ca từ mượt mà, giản dị và đầy tình cảm được hát lên bằng một giai điệu trầm bổng, khi hùng tráng, lúc bi thiết, bài hát đã chứng tỏ được sức sống bền bỉ, vượt thời gian của mình.

Quỳnh Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích