Trung Quốc đang khai thác thành công nhu cầu kết nối ở các nước đang phát triển. Đây là khẳng định của ông Jonathan Hillman, Giám đốc dự án Tái kết nối châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington DC.
Trung Quốc đang khai thác thành công nhu cầu kết nối ở các nước đang phát triển. Đây là khẳng định của ông Jonathan Hillman, Giám đốc dự án Tái kết nối châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington DC. Ông cũng là tác giả của cuốn Con đường tơ lụa kỹ thuật số: Nhiệm vụ của Trung Quốc để dẫn dắt thế giới và giành chiến thắng trong tương lai. Theo ông Jonathan, câu chuyện sau đây về việc Pakistan phụ thuộc vào kỹ thuật số của Trung Quốc là một ví dụ.
Tổng thống Pakistan Arif Alvi gần đây tuyên bố: “Tương lai là dữ liệu. Mọi thứ sẽ trở thành kỹ thuật số, từ thương mại điện tử, nông nghiệp điện tử, tài chính điện tử, sức khỏe điện tử”. Những năm gần đây, Pakistan chuyển đổi mạnh mẽ sang kỹ thuật số và đa phần dính líu đến Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc.
Tại Pakistan, trang thiết bị kỹ thuật số của Trung Quốc được bày bán la liệt, cáp ngầm đến camera giám sát. Bộ trưởng Kế hoạch Pakistan gần đây nói với Nikkei Asia rằng, hành lang kinh tế hàng đầu của Trung Quốc với Pakistan đang được nâng cấp, tập trung vào công nghệ và viễn thông. Năm 2018, Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc đã hoàn thành kết nối cáp quang trực tiếp đầu tiên giữa Trung Quốc và Pakistan. Giai đoạn 2 của dự án cáp quang dự định chạy gần 8 ngàn km đến Karachi và Gwadar, mang các dịch vụ y tế, giáo dục và kinh doanh đến các khu vực hiện đang bị ngắt kết nối. Một công ty Trung Quốc khác là Tập đoàn Hengtong cũng đang xây dựng tuyến cáp PEACE, sẽ kết nối Pakistan với Djibouti và các điểm khác ở Đông Phi cũng như Pháp.
Thiết bị giám sát của Trung Quốc có mặt ở khắp các thành phố lớn của Pakistan. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, không có quốc gia nào ký nhiều thỏa thuận “Thành phố an toàn” với Huawei hơn Pakistan. Đến nay, một số dự án gặp khó khăn, với camera không hoạt động và video bị rò rỉ. Cũng có những tuyên bố rằng các phần cứng và phần mềm bị cài nghe lén. Huawei đã phủ nhận những cáo buộc và các dự án vẫn tiếp tục. Hệ thống định vị vệ tinh Beidou của Trung Quốc, một giải pháp thay thế cho GPS, cung cấp cả năng lực dân sự và quân sự cho Pakistan. Pakistan là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc được biết có quyền sử dụng các dịch vụ quân sự của Beidou.
Khả năng giám sát và can thiệp vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Pakistan có thể cung cấp cho Trung Quốc thông tin tình báo và đòn bẩy để sử dụng trong tương lai. Liệu các quan chức chính phủ Pakistan có đủ khả năng để tránh tai mắt của Trung Quốc? Nếu họ quyết định thực hiện một lập trường mâu thuẫn với Bắc Kinh, liệu thông tin cá nhân của họ có bị lộ hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng có bị gián đoạn hoặc vô hiệu hóa không? Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc cắt quyền truy cập vào các dịch vụ Beidou?
Sáng kiến Vành đai và con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chú trọng nhiều hơn vào công nghệ vì nền kinh tế của nhiều đối tác đang gặp khó khăn và thiếu nguồn tài chính cho các dự án năng lượng và giao thông lớn. Đây cũng là một phần trong chiến lược tìm kiếm thị trường mới của các công ty công nghệ Trung Quốc vốn đang bị hạn chế hoạt động ở các nền kinh tế tiên tiến. Quan trọng nhất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được nhiều người coi là nền tảng cho các nền kinh tế ngày mai. Đặc biệt là đại dịch Covid-19 khiến các quốc gia đang cố gắng kết nối và mở rộng quyền truy cập của người dân vào các dịch vụ trực tuyến thiết yếu, từ chăm sóc sức khỏe, thuế đến bầu cử.
Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc đang đòi hỏi Mỹ và các đồng minh phải đưa ra các giải pháp thay thế hợp lý. Công nghệ của Trung Quốc đang bắt kịp trong việc phát triển mạng không dây thế hệ thứ năm (5G), nhưng trong các lĩnh vực quan trọng khác, bao gồm cáp ngầm, thành phố thông minh, điện toán đám mây và băng thông rộng, các công ty Mỹ đang dẫn đầu. Thành công sẽ đòi hỏi phải đóng gói cơ sở hạ tầng cứng với các dịch vụ, tài chính và đào tạo cũng như thiết lập các tiêu chuẩn và biện pháp bảo vệ để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ có trách nhiệm.
Chi phí điều phối còn lớn, nhưng một số nỗ lực của các đồng minh đang đạt được kết quả. Dự án Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn của các nước thuộc nhóm G7 và Sáng kiến Cổng toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU) đều tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Australia, Nhật Bản và Mỹ đang cùng rót tiền vào tuyến cáp quang biển đến Palau, và các quốc gia này cùng với Ấn Độ cũng đang hợp tác về công nghệ và cơ sở hạ tầng. Ủy ban Công nghệ và thương mại Mỹ - EU đang bàn việc tìm cách mở rộng tài chính cho các dự án kỹ thuật số ở các nước đang phát triển.
Pakistan có thể bị vướng quá sâu vào Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc để quay đầu và vạch ra lộ trình của riêng mình. Sự phụ thuộc ngày càng tăng này là một câu chuyện cảnh báo cho các nước đang phát triển. Nhưng với một nửa thế giới vẫn chưa được truy cập vào nguồn internet đáng tin cậy, cuộc đua kết nối toàn cầu chỉ mới bắt đầu.
Nguyễn Đình