Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: An cư nhưng chưa lạc nghiệp

07:05, 24/05/2023

Chuyển đến sinh sống tại các khu tái định cư (TĐC), người dân bước đầu đã an tâm với nơi ở mới. Tuy nhiên, trong những ngôi nhà mới khang trang giữa những khu TĐC hiện đại, câu hỏi "làm gì để sống?" vẫn đang là nỗi trăn trở của nhiều hộ dân.

[links()]Chuyển đến sinh sống tại các khu tái định cư (TĐC), người dân bước đầu đã an tâm với nơi ở mới. Tuy nhiên, trong những ngôi nhà mới khang trang giữa những khu TĐC hiện đại, câu hỏi “làm gì để sống?” vẫn đang là nỗi trăn trở của nhiều hộ dân.

Bà Trần Thị Mùi (bên trái) lo lắng khi quán tạp hóa, kế sinh nhai duy nhất của gia đình tại nơi ở mới khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn ế ẩm. Ảnh: P.TÙNG
Bà Trần Thị Mùi (bên trái) lo lắng khi quán tạp hóa, kế sinh nhai duy nhất của gia đình tại nơi ở mới khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn ế ẩm. Ảnh: P.TÙNG

Sau khi nhường đất để triển khai các dự án, phần lớn các hộ dân chuyển đến sinh sống tại các khu TĐC trên địa bàn tỉnh vẫn mang nỗi lo sinh kế khi trong tay họ đã không còn những “bờ xôi ruộng mật” như trước.

* Nỗi lo sinh kế

Cuối năm 2022, gia đình ông Nguyễn Hòa (ngụ xã Nhân Nghĩa, H.Cẩm Mỹ) chính thức chuyển đến sinh sống tại khu TĐC Nhân Nghĩa. Gia đình ông Hòa là một trong những hộ dân đầu tiên trong vùng dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trên địa bàn H.Cẩm Mỹ hoàn thành xây dựng nhà cửa và chuyển đến sinh sống tại khu TĐC này. Thế nhưng, trong niềm vui có được ngôi nhà mới khang trang, một nỗi lo thường trực đang hiện hữu với gia đình ông Hòa: nỗi lo sinh kế.

Trước đây, tại nơi ở cũ, với khu vườn 0,3ha, vợ chồng ông Hòa có thể tự lo cho cuộc sống của mình nhờ nghề làm nông. Chuyển đến nơi ở mới tại khu TĐC chỉ có 250m2 đất, gia đình ông Hòa không thể tiếp tục duy trì nghề làm nông. “Không xin được việc làm mới trong khi đất để làm nông lại không đủ. Tình cảnh của gia đình tôi hiện giờ có thể nói là “an cư nhưng chưa lạc nghiệp” - ông Hòa chia sẻ.

Tại khu TĐC Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành), nơi bố trí TĐC cho các hộ dân dự án Sân bay Long Thành, sinh kế cho người dân cũng đang là “bài toán” chưa có lời giải.

Hơn nửa năm trước, gia đình bà Trần Thị Mùi chuyển đến sinh sống tại ngôi nhà mới ở khu TĐC Lộc An - Bình Sơn. Để duy trì cuộc sống, phần trước ngôi nhà được bà Mùi sử dụng để mở một quán bán tạp hóa. Tuy nhiên, việc buôn bán lại không diễn ra suôn sẻ như những gì bà Mùi dự tính. “Phần lớn các hộ dân ở đây đều mở quán tạp hóa để buôn bán. Quán nhiều trong khi người mua ít nên việc buôn bán cũng trở nên ế ẩm” - bà Mùi cho hay.

Buôn bán ế ẩm nên cuộc sống của gia đình bà Mùi cũng trở nên bấp bênh, bởi quán tạp hóa là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình bà hiện nay. Theo bà Mùi, khi chuyển đến sinh sống tại khu TĐC, dù có nhà cửa khang trang nhưng cuộc sống lại khó khăn do không có việc làm. “Trước đây, có vườn thì có cái ăn, không sợ đói. Giờ ra đây, việc làm thì không có, nhưng sáng mở mắt ra đã phải lo đủ thứ, từ tiền ăn đến tiền rác, tiền nước…” - bà Mùi chia sẻ.

Tại các khu TĐC trên địa bàn tỉnh, sau khi rời mảnh đất nhiều năm sinh sống để nhường đất thực hiện các dự án, nhiều người dân chân lấm tay bùn đã có điều kiện để xây dựng nhà cửa khang trang. Tuy nhiên, cuộc sống của phần lớn người dân khi chuyển từ những vùng quê, cách xa phố thị đến những khu đô thị hiện đại vẫn đang hết sức bấp bênh khi chưa tìm được kế sinh nhai phù hợp.

* “Lạc nhịp” đào tạo nghề

Sân bay Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia. Chính vì vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định, dự án này còn có riêng một đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống (đề án chuyển đổi nghề) cho người dân trong vùng dự án có đất bị thu hồi. Được triển khai từ năm 2018, cùng thời điểm thu hồi đất của dự án, nhưng qua hơn 4 năm thực hiện, đề án chuyển đổi nghề dành cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành gần như đứng im.

Để xây dựng sân bay Long Thành, có hơn 15,5 ngàn nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi quá trình thu hồi đất. Trong số này, có hơn 9,7 ngàn người ở độ tuổi lao động từ 15-60.

Thế nhưng, theo Sở LĐ-TBXH, tính đến năm 2022, đề án chuyển đổi nghề cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành chỉ có 121 người dân đăng ký học nghề lái xe (bằng B2). Trong số những người đã đăng ký, đến nay không có ai tham gia các khóa học. “Học phí một khóa học từ 11-15 triệu đồng/người, song trong đề án quy định chỉ hỗ trợ 3 triệu đồng/người, thủ tục để được nhận hỗ trợ cũng phức tạp nên người dân không mặn mà tham gia” - anh Nguyễn Khánh Phương, một người dân sinh sống tại khu TĐC Lộc An - Bình Sơn cho hay.

Bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH cho hay, đề án chuyển đổi nghề cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành còn gặp khó khăn khi quá trình thực hiện mất rất nhiều thời gian để rà soát các đối tượng thụ hưởng. Bởi, cơ quan kiểm toán nhà nước cũng lưu ý việc thực hiện đề án này không được thực hiện trùng với chính sách hỗ trợ 2 lần trong gói đền bù giá đất cho người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Với 31 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, người dân trong độ tuổi lao động có thể dễ dàng tìm được công việc mới tại các nhà máy. Tuy nhiên, với những người dân ngoài độ tuổi lao động, việc tìm kiếm việc làm mới là không đơn giản. Thế nhưng, hiện nay hầu hết các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân TĐC lại không đến được với những người dân ngoài độ tuổi lao động, những người vốn có ít cơ hội tìm việc làm mới.

Sự “lệch pha” trong chính sách chuyển đổi nghề, cộng với sự phối hợp chưa tốt của các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai đã dẫn đến tình trạng phần lớn người dân TĐC vẫn đang phải loay hoay trong tìm việc làm.

Theo Giám đốc Sở TN-MT ĐẶNG MINH ĐỨC, thời gian qua, để triển khai các dự án, trên địa bàn tỉnh thu hồi một diện tích lớn đất nông nghiệp nhưng lại không có quỹ đất để bồi thường lại bằng đất cho người dân, mà chỉ bồi thường bằng tiền. Bồi thường bằng tiền nên phải tính toán đến công tác chuyển đổi nghề, đào tạo, bố trí việc làm. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng các chính sách chuyển đổi nghề, đào tạo, bố trí việc làm chưa đạt hiệu quả.

Phạm Tùng

Bài cuối: Để người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn

Tin xem nhiều