Báo Đồng Nai điện tử
En

"Xanh hóa" trong sản xuất công nghiệp

08:12, 09/12/2021

Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, vấn đề giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu trong sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai đã từng bước định hình.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, vấn đề giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu trong sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai đã từng bước định hình.

Sản xuất may mặc theo tiêu chí bền vững tại Công ty TNHH Saitex (Khu công nghiệp Amata) Ảnh minh họa: Công ty cung cấp
Sản xuất may mặc theo tiêu chí bền vững tại Công ty TNHH Saitex (Khu công nghiệp Amata) Ảnh minh họa: Công ty cung cấp

Tại hội thảo Tăng cường năng lực quản lý môi trường và chuyển đổi xanh tại các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đồng Nai do Ban Quản lý các KCN Đồng Nai phối hợp với Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, các DN, nhà đầu tư đặt ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

* Từng bước được định hình

Sau 16 năm đầu tư vào Đồng Nai, Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (sản xuất hàng may mặc) đã xây dựng được 6 nhà máy sản xuất tại KCN Amata và KCN Nhơn Trạch 6. DN này đang áp dụng nhiều giải pháp hướng đến sản xuất xanh.

Bà Nguyễn Ngọc Kim Oanh, Trưởng phòng An toàn vệ sinh lao động và phát triển bền vững của công ty cho biết, 10 năm trước, công ty đã định hình quy trình sản xuất khép kín và từ năm 2019 thực hiện thêm nhiều sự thay đổi theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Ngoài những hoạt động nâng cao năng lực về sản xuất và quản lý, kết hợp với các đối tác và khách hàng chú trọng đến yếu tố bền vững, công ty còn thực hiện: theo dõi và kiểm soát về nước thải, đo lượng phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nước và điện; kiểm soát chất lượng không khí trong nhà máy… Mục đích của các hoạt động này giúp DN tính toán được nguyên, nhiên vật liệu đầu vào; nước thải, chất thải rắn, khí thải phát ra. Từ đó, tìm ra giải pháp tối ưu hơn để tiết kiệm chi phí, đảm bảo sức khỏe người công nhân và cộng đồng.

Hiện nay, công ty đã áp dụng tái sử dụng nước thải cho hoạt động sản xuất. Tới đây, DN đầu tư thêm hệ thống năng lượng mặt trời để sử dụng nội bộ cho sản xuất và chiếu sáng.

Bà Nguyễn Thị Thu, đại diện Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TVC VINA (KCN Gò Dầu) cho biết, “Zero Emission” - không phát thải là mục tiêu và chiến lược phát triển của DN. Để thực hiện mục tiêu này, công ty đã giảm sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đến mức thấp nhất. Trong sản xuất, công ty luôn cân nhắc việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý để giảm lượng khí thải và chất thải, tái sử dụng nguồn tài nguyên. Ngoài ra, công ty còn thực hiện xanh hóa môi trường sản xuất bằng cách bổ sung mảng xanh trong khuôn viên nhà máy nhiều hơn so với tiêu chuẩn quy định. Nhờ việc thực hiện chính sách này, công ty tiết kiệm đáng kể chi phí xử lý chất thải, chi phí nguyên vật liệu, sản phẩm được nhiều đối tác đánh giá cao.

Ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng phòng Môi trường KCN Long Khánh cho biết, với lợi thế về quỹ đất, môi trường tự nhiên, lao động và đặc biệt là vị trí địa lý, KCN Long Khánh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. Hiện tỷ lệ lấp đầy của KCN đã đạt trên 97% diện tích cho thuê, đơn vị đang thúc đẩy việc mở rộng thêm 500ha. Mặc dù lợi ích kinh tế là rất quan trọng, nhưng KCN không “gật đầu” đối với các dự án không có kế hoạch, chiến lược bảo vệ môi trường hiệu quả theo tiêu chí của Bộ TN-MT, UBND tỉnh và KCN. Với các dự án được chấp thuận, đơn vị luôn theo sát, trợ giúp nhà đầu tư thực hiện tốt việc xử lý nước thải, khí thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất. KCN đang hướng đến xây dựng mô hình KCN xanh.

* Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

Mặc dù đã từng bước được định hình, nhưng xanh hóa trong phát triển công nghiệp vẫn còn nhiều điểm nghẽn, bởi quy định của pháp luật về vấn đề này chưa rõ ràng và chồng chéo, đại bộ phận các nhà đầu tư chưa quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững.

Ông Cao Việt Chương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ KCN Nhơn Trạch 6 cho rằng, có rất nhiều thông tư, nghị định khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn và xây dựng mạng lưới cộng sinh trong các KCN. KCN Nhơn Trạch 6 cũng đã có một số bước chuẩn bị và sẽ thực hiện, nhưng có rất nhiều rào cản về thủ tục lẫn quy định pháp luật, chưa có cơ chế hỗ trợ và tháo gỡ cho vướng mắc của DN.

Ông Chương dẫn chứng, KCN Nhơn Trạch 6 muốn sử dụng chất thải của một công ty trong KCN để làm chất keo tụ trong Nhà máy Xử lý nước thải cho toàn KCN. Tuy nhiên, chất thải này nằm trong nhóm chất thải nguy hại, công ty không thể chuyển giao lại cho DN mà phải hợp đồng một đơn vị xử lý chất thải được Bộ TN-MT cấp phép. Chất thải đó đáng lẽ trở lại thành nguồn nguyên liệu thì bị trở về chất thải bỏ.

Đại diện Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam cho rằng, với hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn theo quy định hiện hành, DN rất muốn tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới cây, phòng cháy, chữa cháy vì như vậy sẽ tiết kiệm nước. Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định có thể tái sử dụng nước thải vào các mục đích như trên nhưng pháp luật chưa có quy định cho việc tái sử dụng nước tưới cây và phòng cháy, chữa cháy.

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI TP.HCM cho rằng, hiện nay DN quan tâm hơn đến vấn đề phát triển bền vững nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh và tạo dựng uy tín với đối tác, người tiêu dùng. Tuy nhiên, những khó khăn mà các DN, kể cả đơn vị kinh doanh hạ tầng lẫn sản xuất gặp phải trong quá trình chuyển đổi đó là chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Các thông tư, nghị định và chính sách của địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, hỗ trợ bề ngoài.

Bà Hoàng Thị Thanh Nga, Điều phối viên dự án Quản lý chương trình xanh hóa dệt may Việt Nam cho rằng, các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, pháp luật đặt ra nhiều thách thức đối với sản xuất bền vững. Chẳng hạn trong ngành dệt may, các DN phải sử dụng rất nhiều nước cho hoạt động sản xuất, nhưng do quỹ đất hẹp và chuyên môn không có nên DN bỏ qua việc xử lý nước để tái sử dụng. Điều đó gây lãng phí nguồn nước, tốn kém chi phí xử lý và không tạo ra được lợi thế cạnh tranh khi đối tác đề cao tiêu chí môi trường. Tương tự, với chất thải rắn cũng vậy, đại đa số DN giao phó lại cho đơn vị có chức năng xử lý.

Ban Mai

Tin xem nhiều