Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện "hồi sinh" rừng ở Rừng Lá

07:02, 19/02/2022

"Các con muốn tôi về thành phố an dưỡng tuổi già. Tôi cũng đã thử về nhưng rồi lại quay lên, vì tôi yêu rừng, quen hít thở không khí trong lành của rừng. Sống giữa rừng, tôi thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi…" - câu chuyện của người cựu chiến binh Hoàng Xuân Thạo chỉ xoay quanh cuộc sống ở rừng.

Ông Hoàng Xuân Thạo và những cây gỗ do ông trồng. Ảnh: Xuân Lượng
Ông Hoàng Xuân Thạo và những cây gỗ do ông trồng. Ảnh: Xuân Lượng

“Các con muốn tôi về thành phố an dưỡng tuổi già. Tôi cũng đã thử về nhưng rồi lại quay lên, vì tôi yêu rừng, quen hít thở không khí trong lành của rừng. Sống giữa rừng, tôi thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi…” - câu chuyện của người cựu chiến binh Hoàng Xuân Thạo chỉ xoay quanh cuộc sống ở rừng.

* Từ đất “chết” hóa rừng xanh

Con đường đất đi vào Phân trường Đầm Voi (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) ngút ngàn màu xanh của rừng. Những ngọn cây rừng cao chót vót, những tán rừng rậm rạp, tầng tầng lớp lớp che bớt cái nắng gay gắt mùa khô. Nếu không được thông tin trước, hẳn sẽ không nhiều người biết đây là khu rừng trồng, được hồi sinh từ vùng rừng nghèo kiệt, từng được ví như một vùng đất “chết”.

Được các cán bộ Phân trường Đầm Voi giới thiệu, chúng tôi ghé thăm ông Hoàng Xuân Thạo, người đã có 28 năm gắn bó với nghiệp trồng rừng.

Đã ngoài tuổi 70, nhưng ông Thạo vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn. Vừa giới thiệu với khách những cây sao, cây dầu… do chính tay ông trồng, chăm sóc từ những ngày đầu, đến nay đã là những cây gỗ lớn, ông Thạo luôn tay chặt những cành nhánh, phát quang những cây bụi, dây leo trên đường đi. Giật mạnh cây sào móc liềm dài, những nhánh cây trên cao cũng được tỉa gọn.

“Những cây này tôi trồng từ khi mới về đây. Hai mươi mấy gần ba chục năm nay mới được như thế này” - ông Thạo tự hào nói về những cây gỗ lớn rắn chắc trong khoảnh rừng của mình.

Với nụ cười hiền, ông Thạo kể, năm 1994, ông rời quân ngũ. Những năm 90 cũng là thời điểm Nhà nước đang đẩy mạnh chính sách giao khoán đất lâm nghiệp cho người dân. Sẵn “chất lính” trong mình, nên dù phải xa gia đình, ông vẫn xung phong về Xuân Lộc nhận khoán gần 4ha đất vừa trồng rừng, vừa làm kinh tế.

* Khởi đầu không mấy dễ dàng

Hồi đó, cả vùng Rừng Lá rộng bạt ngàn kéo dài từ các xã Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hòa (H.Xuân Lộc) cho tới vùng Tánh Linh, Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) hầu như đã không còn rừng. Sau những năm tháng nhiều biến động, rừng tự nhiên đã bị khai thác đến cạn kiệt, chỉ còn trơ lại những dải đất trống khô cằn, nhưng vạt đồi trọc bạc thếch. Nếu còn cây cối thì cũng chỉ là cây bụi, cây tạp không có giá trị. Ở đây, rừng tưởng như đã “chết”.

Nhưng với chính sách khoán đất trồng rừng, có sự hỗ trợ của Nhà nước về cây giống, kinh phí, ông Thạo cùng những người trồng rừng khác, đã bắt tay vào công cuộc “hồi sinh” ở Rừng Lá.

“Hồi đó máy móc khan hiếm, nên trồng rừng chỉ bằng sức người. Phát cỏ, đào hố trồng cây, chúng tôi làm hoàn toàn làm bằng tay, diện tích đất lại lớn nên để trồng cây và giữ cho cây sống là cực kỳ vất vả. Nhưng chúng tôi đã không bỏ cuộc” - ông Thạo nhớ lại.

Bắt đầu từ con số 0 với vô vàn thách thức, nhưng bằng quyết tâm, nỗ lực của những người nhận đất trồng rừng như ông Thạo, rừng dần lớn lên và thành hình. Những loại cây gỗ lớn như muồng đen, những cây sao, cây dầu, những khoảnh rừng keo bạt ngàn đã phủ xanh hàng ngàn ha đất trống, đồi trọc, xóa nhòa hình ảnh về một vùng đất “chết” trơ trọi, vắng bóng cây rừng. Thế là, rừng đã “hồi sinh” ở vùng Rừng Lá.

* Thảnh thơi giữa rừng

Từ Phân trường Đầm Voi, nơi ông Thạo sống, trồng và giữ rừng, muốn ra tới khu dân cư gần nhất phải đi hơn chục cây số đường mòn hiểm trở, vượt qua những gờ đất dốc đứng, những cây cầu vắt qua suối nhỏ tới mức chỉ vừa đủ bánh xe…

Ngoài công việc trồng và chăm sóc rừng, tăng gia kinh tế giúp ông Thạo duy trì cuộc sống. Ảnh: Xuân Lượng
Ngoài công việc trồng và chăm sóc rừng, tăng gia kinh tế giúp ông Thạo duy trì cuộc sống. Ảnh: Xuân Lượng

Sống ở rừng nên dĩ nhiên sẽ không có điện lưới, sóng điện thoại cũng chập chờn. Có những ngày mà cả ngày không có tiếng người, cũng chẳng có tiếng xe chạy qua.

Song tất cả những điều đó không thể khiến người trồng rừng như ông Thạo nản lòng. Thay vào đó, ông ngày càng yêu rừng, yêu cuộc sống giữa rừng hơn.

Khi được hỏi ở rừng có khi nào thấy buồn không, người cựu binh cười: “Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi, các con đã lớn, thành đạt. Sống một mình thì những đêm mưa gió, hay những ngày trái gió trở trời, ít nhiều cũng buồn và mong được đoàn tụ. Nhưng tôi đã gắn bó nửa đời người với rừng, quen sống với rừng rồi giờ không bỏ được. Hơn nữa, ở đây tôi không chỉ có một mình. Tôi có những người hàng xóm cũng là người nhận đất và trồng rừng, có các cán bộ của Phân trường Đầm Voi giúp đỡ nhau những khi tối lửa tắt đèn. Nhà này cách nhà kia có khi hàng cây số nên không phải lúc nào cũng gặp nhau được, nhưng càng khó khăn thì càng gắn bó”.

Là đất rừng thuộc diện giao khoán, nên ngoài việc trồng và chăm sóc các loại cây gỗ lớn theo tỷ lệ quy định, ông Thạo trồng xen nhiều loại cây nông nghiệp khác để tạo nguồn thu kinh tế, ổn định cuộc sống.

Mỗi ngày, ngoài việc cắt cành tỉa nhánh, kiểm tra cây gỗ lớn ở các khoảnh rừng chính thì công việc tăng gia ở vườn cây trồng nông nghiệp, khu chuồng trại chăn nuôi đủ làm ông tất bật và quên đi nỗi cô quạnh giữa rừng.

Vườn cây, ao cá, khu chăn nuôi heo, gà… nằm lọt giữa rừng xanh là minh chứng sống động cho sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Ở đó, có bàn tay con người ra sức tái tạo thiên nhiên, nhưng cũng cần có tấm lòng yêu rừng, mến rừng mới có thể duy trì màu xanh, duy trì sức sống của rừng.

28 năm sống chết với rừng, dù vất vả nhưng với người cựu chiến binh già, rừng đã mang tới cho ông những món quà vô giá mà nếu chỉ nhìn vào sự khổ cực của nghiệp rừng thì khó lòng thấy được.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc được giao quản lý hơn 10 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, nằm trên địa phận H.Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và một phần thuộc địa phận các huyện Tánh Linh, Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Thực hiện chính sách giao khoán đất lâm nghiệp, hiện trong lâm phận có hơn 2.200 hộ dân canh tác đất rừng, hợp đồng trồng rừng và giữ rừng phòng hộ, trong đó có gần 500 hộ sống ổn định tại chỗ.

Xuân Lượng

Tin xem nhiều