Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thảo luận về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

07:06, 03/06/2022

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 3-6 ,Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 3-6, dưới sự điều hành của thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu tranh luận tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu tranh luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Phát biểu tranh luận về nội dung liên quan đến trả tiền công cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai, cho biết cách tiếp cận của các đại biểu về vấn đề này đang có nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết đã quy định rõ: Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Trong Báo cáo giải trình của Chính phủ cũng nêu rõ về quy định kết quả lao động học nghề phạm nhân ngoài trại giam được sử dụng như đối với kết quả lao động học nghề của phạm nhân trong trại giam. Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu Trịnh Xuân An, cần thiết thống nhất việc chi trả công lao động cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam, nhưng cần xem xét trả ở mức độ nào? Quy định trả một phần như dự thảo nghị quyết đã hợp lý hay chưa và việc chi trả một phần này được hiểu như thế nào cũng cần phải làm rõ.

Trao đổi về áp dụng quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân theo Nghị quyết của LHQ năm 1955, đại biểu Nguyễn Công Long, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện nay các thành viên LHQ đang áp dụng công ước là Nghị quyết 45/111 ngày 14-12-1990 của Đại hội đồng LHQ về những nguyên tắc cơ bản đối xử với tù nhân. Theo điều 8 của Công ước này thì Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để tù nhân có thể thực hiện công việc hữu ích và có thu nhập giúp đỡ cho gia đình chứ không đặt vấn đề phải trả như thế nào. Trong dự thảo nghị quyết cũng quy định sẽ trả một phần công lao động, xuất phát từ tính chất lao động trong trại giam. Lao động của phạm nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Thi hành án hình sự thì đây là quan hệ tội phạm và hình phạt chứ không phải quan hệ lao động bình thường, là phạm trù hoàn toàn khác. Pháp luật của chúng ta thể hiện sự nhân đạo bởi chúng ta áp dụng rất nhiều quy chuẩn của pháp luật lao động vào trong lao động phạm nhân. Nhưng điều này không có nghĩa là quan hệ pháp luật lao động phạm nhân là quan hệ pháp luật thông thường và không thể áp dụng tiêu chuẩn trả công phạm nhân như pháp luật lao động được, điều này cũng được phân tích rất kỹ trong xây dựng Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Lao động trong trại giam không cấu thành hết các yếu tố của lao động nên không thể tính đúng, tính đủ hết lao động của phạm nhân, hơn nữa tính chất lao động như báo cáo nêu rất khó khăn. Đại biểu cho rằng, dự thảo nghị quyết nêu chỉ trả một phần công lao động đối với phạm nhân lao động ngoài trại giam là rất phù hợp và hoàn toàn thống nhất với quy định tại Điều 34 Luật Thi hành án hình sự hiện nay, tạo ra mặt bằng và đúng tính chất lao động phạm nhân.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận không khí thảo luận sôi nổi. Các ý kiến phát biểu tập trung, khách quan, thẳng thắn, nhiều thông tin, có căn cứ rõ ràng, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc thể hiện sự quan tâm nghiên cứu và trách nhiệm cao của các ĐBQH đối với các vấn đề trong nghị quyết. Các ĐBQH cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhất trí với phạm vi và nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết; đồng thời, cho ý kiến về cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý của việc ban hành nghị quyết thí điểm, sự tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đề nghị Chính phủ có đánh giá bổ sung hiệu quả tổ chức lao động, dạy nghề, hướng nghiệp ngoài trại giam thời gian qua, đánh giá tác động rõ hơn tình hình vận dụng Nghị quyết 132 tháo gỡ vướng mắc đất quốc phòng, an ninh thuộc phạm vi quản lý trại giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quỹ đất, xây dựng mới, về thu hút nhà đầu tư, về quan hệ lao động…

Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến của ĐBQH là cơ sở để các cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện nghị quyết.

Đại biểu Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
Đại biểu Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến liên quan đến các dự án luật

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai, gồm: đại biểu Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đại biểu Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội; đại biểu Trịnh Xuân An và đại biểu Lê Hoàng Hải đã tham gia ý kiến liên quan đến các dự án luật.

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều