Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy nữ giới tham gia khối ngành STEM

07:12, 24/12/2022

Các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) có đóng góp đáng kể cho sự đổi mới và phát triển toàn cầu, đặc biệt là trong xã hội tri thức. Cùng với cuộc cách mạng 4.0, nhu cầu lao động trong lĩnh vực STEM ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay lao động trong khối ngành này vẫn còn thiếu, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực STEM còn rất thấp.

Các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) có đóng góp đáng kể cho sự đổi mới và phát triển toàn cầu, đặc biệt là trong xã hội tri thức. Cùng với cuộc cách mạng 4.0, nhu cầu lao động trong lĩnh vực STEM ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay lao động trong khối ngành này vẫn còn thiếu, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực STEM còn rất thấp.

Tăng cường công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, thúc đẩy nữ sinh  tham gia học tập và làm việc trong khối ngành STEM. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng trong giờ thực hành. Ảnh: H.Yến
Tăng cường công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, thúc đẩy nữ sinh tham gia học tập và làm việc trong khối ngành STEM. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng trong giờ thực hành. Ảnh: H.Yến

Để gia tăng tỷ lệ nữ giới trong khối ngành STEM (bao gồm cả trong lĩnh vực GD-ĐT và thị trường lao động), cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, có chính sách hỗ trợ nữ giới tham gia học tập và làm việc trong các ngành nghề STEM…

* Tỷ lệ nữ giới tham gia khối ngành STEM còn thấp

Dẫn nhiều số liệu trong các nghiên cứu khoa học cả trong nước lẫn quốc tế, TS Đỗ Thị Lan Đài, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Lạc Hồng cho biết, hiện nay tỷ lệ nữ giới tham gia học tập và làm việc trong các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực STEM còn rất ít. Chẳng hạn, tại Liên minh châu Âu (EU), phụ nữ chỉ chiếm 32,8% số người được tuyển dụng trong các ngành sản xuất công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao sử dụng nhiều tri thức (số liệu năm 2021); tại Hoa Kỳ và Canada, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 34% trong số những người được tuyển dụng trong các ngành nghề STEM (số liệu năm 2019); năm học 2020-2021, phụ nữ ở Anh chỉ chiếm 18,6% sinh viên theo học ngành kỹ thuật, công nghệ và chỉ 17,7% sinh viên theo học ngành điện toán…

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam có khả năng tạo thêm 6 triệu việc làm, chiếm khoảng 10% số việc làm tăng thêm vào năm 2025 của toàn ASEAN. Nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang nền kinh tế tri thức với sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot và trí tuệ nhân tạo. Điều đó cho thấy vẫn còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cho STEM. Đây là thời điểm tốt nhất để phụ nữ mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực STEM đầy tiềm năng này.

Nguyên nhân khiến lao động nữ trong khối ngành STEM còn hạn chế là do phụ nữ thường gặp nhiều rào cản và định kiến khi lựa chọn theo đuổi lĩnh vực STEM. Theo đó, định kiến giới và định kiến chung của xã hội đều cho rằng nữ giới phù hợp với các công việc nhẹ nhàng, phù hợp với khối ngành dịch vụ, xã hội nhân văn, còn nam giới phù hợp với công việc kỹ thuật và các ngành thuộc khối tự nhiên, STEM.

“Quan niệm của xã hội và thị trường lao động về nghề nào thực sự phù hợp với nam hay nữ đã ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ và lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ. Những định kiến này khiến nhiều phụ nữ ngần ngại khi quyết định có nên theo đuổi STEM hay không và cũng khiến họ tự giới hạn khả năng của mình theo các chuẩn mực xã hội” - TS Đỗ Thị Lan Đài cho hay.

* Tự tin lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực bản thân

Phụ nữ luôn gặp phải tình huống khó khăn khi phải đứng trước sự lựa chọn giữa việc thành công trong công việc, sự nghiệp hay tự thỏa mãn về bản thân. Thực tế, để lựa chọn công việc, nhiều phụ nữ phải đánh đổi bằng hạnh phúc cá nhân. Trong công việc, phụ nữ thường khiêm tốn và tự đánh giá thấp chính mình. Điều này chính là những rào cản khiến phụ nữ khó có thể phát huy được hết khả năng, năng lực của bản thân trong công việc.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không có biện pháp thúc đẩy, khuyến khích học sinh nữ tiếp cận và theo đuổi giáo dục STEM, khoảng cách giới sẽ ngày càng thể hiện rõ và ảnh hưởng lớn đến sự mất cân đối về lực lượng lao động cho các ngành sản xuất của nền kinh tế.

Để nữ sinh mạnh dạn theo đuổi ngành học STEM, từ đó tạo ra nguồn lao động nữ trong khối ngành này đòi hỏi sự chủ động của các trường cao đẳng, đại học trong công tác tuyển sinh; công tác tư vấn hướng nghiệp ở trường phổ thông. Tăng cường công tác truyền thông để thay đổi định kiến về giới và định kiến của xã hội liên quan đến ngành nghề STEM.

Trong đó, cần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng về vị trí, vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực STEM. Tăng cường tuyên truyền về những tấm gương nữ thành công trong lĩnh vực STEM để khuyến khích học sinh nữ sớm tìm hiểu về khoa học, kỹ thuật và toán học, khơi dậy niềm đam mê theo đuổi sự nghiệp trong các ngành STEM của học sinh nữ; khuyến khích phụ nữ lựa chọn và theo đuổi các lĩnh vực STEM.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quỹ học bổng khuyến học cho nữ sinh học ngành STEM tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học; tăng cường các chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước, dành riêng cho nữ sinh tốt nghiệp khối ngành STEM. Ngoài ra, nên tổ chức các cuộc thi trong lĩnh vực STEM dành cho nữ giới…


TS BÙI THỊ NGÂN, Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Hà Nội: Giới thiệu hình mẫu nữ sinh thành đạt để tác động đến sự lựa chọn ngành nghề STEM

Để học sinh biết và hiểu về STEM, bên cạnh hình thức tư vấn tuyển sinh thông thường, nhà trường đã tổ chức các buổi live stream trên các nền tảng mạng xã hội của nhà trường dành cho từng ngành học với sự tham gia của trưởng khoa và của doanh nghiệp có sử dụng lao động phù hợp với lĩnh vực đào tạo để tham gia tư vấn. Nhà trường giới thiệu hình mẫu là các nữ sinh thành đạt nhằm tạo tác động tốt hơn đến sự lựa chọn ngành nghề STEM của nữ sinh THPT.

Nhà trường thành lập các CLB, các nhóm cộng đồng để nữ sinh tham gia nhằm hỗ trợ họ trong học tập và cả trong cuộc sống. Các mô hình CLB khoa học, mô hình sinh viên nữ thành đạt được lan tỏa trong khối ngành STEM.

PGS-TS BÙI HOÀI THẮNG, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa TP.HCM: Nhiều giải pháp nhằm thu hút nữ sinh học khối ngành STEM

Các ngành đào tạo của Trường đại học Bách khoa TP.HCM đều thuộc khối ngành STEM. Trung bình, nhà trường có khoảng 18% sinh viên là nữ. Riêng năm 2022, có 22% nữ sinh trúng tuyển vào trường. Tôi cho rằng, con số này tăng một phần nhờ nhà trường đã có thay đổi trong công tác tư vấn tuyển sinh. Chúng tôi tổ chức chương trình live stream để tư vấn tuyển sinh dành riêng cho nữ sinh. Chương trình này cũng có sự xuất hiện của trưởng ngành học để giải đáp các thắc mắc của nữ sinh và phụ huynh học sinh. Không chỉ trong tư vấn tuyển sinh mà trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chúng tôi luôn khuyến khích giảng viên nữ tham gia. Trên thực tế, nhiều dự án hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học luôn yêu cầu phải có giảng viên nữ là thành viên chủ chốt của dự án. Về mặt truyền thông, chúng tôi đưa hình ảnh nam sinh và nữ sinh các ngành học xuất hiện đều nhau trên các nền tảng website, mạng xã hội của trường. Một điều đáng mừng là trong những năm gần đây, khi đi tư vấn tuyển sinh thì chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều nữ sinh quan tâm và mạnh dạn hỏi về các ngành học STEM.

PGS-TS ĐÀM SAO MAI, Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP.HCM: Tăng cường trang bị thêm kỹ năng mềm cho các sinh viên nữ

Tính trung bình trường chúng tôi có số lượng nữ sinh khá đông. Tuy nhiên, ở khối ngành kỹ thuật như: ô tô, động lực, cơ khí… có rất ít sinh viên nữ. Trên thực tế, các bạn nữ sinh của ngành này đều rất giỏi; thậm chí giỏi hơn cả các bạn sinh viên nam nhờ khả năng quan sát, tỉ mỉ, cẩn thận. Tuy nhiên, nữ giới sẽ phải cố gắng hơn nhiều để cạnh tranh với các bạn nam trong quá trình tuyển dụng vì đứng trước 2 ứng viên có năng lực tương đương nhau, doanh nghiệp thường có xu hướng ưu tiên chọn nam giới hơn là nữ giới.

Do đó, các bạn nữ cần cho nhà tuyển dụng thấy được những ưu điểm, mặt mạnh của mình để có cơ hội cạnh tranh tốt hơn. Muốn làm được điều này, các trường đại học cần tăng cường trang bị thêm kỹ năng mềm cho các sinh viên nữ; giúp các bạn thêm tự tin trong quá trình học tập cũng như trong công việc sau này.

Tường Vi (ghi)


Hải Yến

Tin xem nhiều