Euro 2012 một lần nữa chứng kiến sự lên ngôi của yếu tố chiến thuật và vai trò của HLV ở một mức độ cao hơn, với dấu ấn rõ ràng hơn.
Euro 2012 một lần nữa chứng kiến sự lên ngôi của yếu tố chiến thuật và vai trò của HLV ở một mức độ cao hơn, với dấu ấn rõ ràng hơn. Chất lượng con người hẳn nhiên vẫn là yếu tố quan trọng, nhưng trong bóng đá (BĐ) hiện đại, khi có rất ít không gian cho những cá nhân thể hiện sáng tạo, thì vấn đề chiến thuật và lối chơi thích ứng trước từng đối thủ mang tính quyết định.
Nhà vô địch Tây Ban Nha (TBN) là điển hình rõ nhất. Khi tiqui taca đã được cả thế giới nhận diện và lại không có một tài năng xuất chúng như Messi ở Barca để tạo nên đột biến, HLV Del Bosque buộc phải có những điều chỉnh chiến thuật, đối sách liên tục trong từng trận đấu, trước những đối thủ khác nhau; thậm chí là trong từng hiệp đấu trước cùng một đối thủ.
Tiqui-taca của tuyển TBN hiện nay hiệu quả và thực dụng hơn trước kia. Ảnh: T.L |
Mở đầu trước Italia, TBN gây ngỡ ngàng tất cả bằng sơ đồ 4-6-0 với Fabregas đóng vai tiền đạo ảo; tiếp đó, trước Ireland và Croatia, Torres xuất phát ngay từ đầu; đến tứ kết gặp Pháp trở lại với đội hình không tiền đạo. Trận bán kết với Bồ Đào Nha, “ngài râu kẽm” lại gây bất ngờ khi không dùng cả Fabregas lẫn Torres mà sử dụng tiền đạo trước đó chỉ mới thi đấu… 1 phút: Negredo; sang hiệp II cùng với Fabregas 2 tiền đạo cánh Navas và Pedro lần lượt được tung vào sân nhằm mở rộng biên độ tấn công theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Phải đến trận chung kết, họ mới thể hiện tất cả sức mạnh và lối chơi sở trường bằng cách đẩy nhanh tốc độ triển khai bóng ở mức cao nhất.
Quyết định táo bạo thay đổi đến 3 vị trí của HLV Loew trong trận tứ kết Đức gặp Ireland hay sự luân chuyển giữa đội hình 3-5-2 và 4-1-3-2 của ông Prandelli với Italia cũng là ví dụ cho sự áp dụng linh hoạt chiến thuật của các nhà cầm quân chứ không cứng nhắc một lối chơi suốt giải khiến đối phương có điều kiện “bắt bài”, khắc chế như trước đây.
Tất nhiên để làm được điều này, các cầu thủ phải có tư duy và trình độ kỹ thuật - chiến thuật cao để có thể thích ứng lập tức với những yêu cầu thay đổi chiến thuật mà HLV đòi hỏi. Đáng lưu ý là, hầu hết các đội tuyển dự VCK Euro vừa qua đều chỉ có khoảng hơn 10 ngày chính thức tập trung đầy đủ sau một mùa giải vắt kiệt cùng CLB. Do vậy quá trình chuẩn bị và những phương án phải được thử nghiệm, tích lũy rải đều trong cả năm (ở châu Âu trước các loạt trận giao hữu hay đá vòng loại, các đội tuyển cũng chỉ có đôi ba ngày chuẩn bị).
Đây là bài học đáng suy nghĩ cho BĐ Việt Nam trong việc chuẩn bị cho AFF Cup vào cuối năm nay, khi quỹ thời gian 2 tháng tập trung vẫn có ý kiến e… không đủ(!).
Minh Chung