Hôm nay 15-10 là "hạn chót" mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra để Anh quốc và Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận thương mại song phương "hậu Brexit".
Hôm nay 15-10 là “hạn chót” mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra để Anh quốc và Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận thương mại song phương “hậu Brexit”. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn bế tắc do hai bên còn bất đồng về vấn đề cạnh tranh công bằng và quyền đánh bắt cá. Cả Anh và EU đều kêu gọi sự nhượng bộ lẫn nhau bởi một cuộc “chia tay” không thỏa thuận sẽ không có lợi cho cả hai.
Kịch bản về một sự chia tay không thỏa thuận đang bao trùm cả London, Brussels. Ảnh: Financial Times |
Thừa nhận sức ép đang gia tăng khi thời gian không còn nhiều, nhưng EU cho hay sẽ không cố gắng đạt được thỏa thuận bằng mọi giá và đề nghị phía Anh cần phải thay đổi lập trường. Trưởng đoàn đàm phán EU, Michel Barnier hối thúc Anh có hành động thiết thực nhằm tháo gỡ những bế tắc về vấn đề đánh bắt cá, cơ chế giải quyết mâu thuẫn và các quy định trợ cấp nhà nước.
Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán của Anh, David Frost tuyên bố sẽ nỗ lực để có một thỏa thuận thương mại “hậu Brexit”, nhưng London cũng sẵn sàng thúc đẩy theo hướng không có thỏa thuận thương mại tự do. Chính phủ của Thủ tướng Johnson luôn phản đối một thỏa thuận quan hệ thương mại song phương chịu sự chi phối của luật pháp châu Âu và khẳng định London phải có quyền quyết định về vùng đánh bắt cá của nước này như một cách khẳng định chủ quyền.
Nếu không đạt được thỏa thuận, kể từ ngày 1-1-2021, trao đổi thương mại song phương sẽ dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khi đó, cả hai đều phải chịu những thiệt hại về kinh tế. EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, Anh là bạn hàng lớn thứ ba của khối, chiếm 13% lượng giao dịch hàng hóa.
Quốc Trung