Ngày 15/11, lãnh đạo Đức và Pháp đã cam kết hạn chế sử dụng than đá ở trong nước đồng thời hối thúc thế giới cần hành động ngay lập tức để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Đáng chú ý, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất châu Âu thay thế Mỹ trong vai trò đầu tàu của cuộc chiến này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Phát biểu tại phiên họp toàn thể hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, còn gọi là COP23, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Hiệp định Paris chỉ là sự khởi đầu và thế giới cần làm nhiều hơn nữa để đối phó tình trạng ấm lên toàn cầu. Bà cũng thừa nhận rằng đây là vấn đề gây tranh cãi, thậm chí ngay tại Đức, song hối thúc tất cả các nước cần hành động ngay trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp Macron cho biết Pháp đã đặt mục tiêu sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện vào năm 2021, đồng thời tuyên bố, châu Âu sẽ thay thế Mỹ thực hiện các cam kết tài chính với Hiệp định Paris.
Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng lần đầu trong 3 năm qua đã làm gia tăng tính cấp thiết của việc thực thi Hiệp định Paris, đồng thời cho hay các mục tiêu của thỏa thuận này vẫn là không đủ để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Thủ tướng Fiji đồng thời là Chủ tịch COP23, Frank Bainimarama cũng đã hoan nghênh kết quả đạt được tại COP23 lần này. Ông cũng cho biết hội nghị đã đạt được nhất trí về một quyết định liên quan đến việc thực thi và mục tiêu thực hiện trước năm 2020.
Diễn ra tại thành phố Bonn của Đức từ ngày 6-17/11, hội nghị COP23 đã thu hút lãnh đạo và quan chức của gần 200 quốc gia tham dự để tìm cách thúc đẩy thế giới hành động, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Washington khỏi Hiệp định Paris đồng thời khuyến khích sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở trong nước./.