Tàu lặn Giao Long hôm 9/6 rời cảng Giang Âm, tỉnh Giang Tô, để thực hiện chuyến thử nghiệm, trong đó có cả việc khảo sát tại Biển Đông.
Tàu lặn Giao Long hôm 9/6 rời cảng Giang Âm, tỉnh Giang Tô, để thực hiện chuyến thử nghiệm, trong đó có cả việc khảo sát tại Biển Đông.
Tàu lặn Giao Long. Ảnh: Chinanews. |
Trong suốt hành trình kéo dài 103 ngày, tàu lặn Giao Long sẽ tiến hành nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, đông bắc Thái Bình Dương và tây Thái Bình Dương.
Hồi tháng 6/2012, tàu Giao Long đã lập kỷ lục lặn ở độ sâu 7.062 mét tại rãnh Mariana, Thái Bình Dương, cho thấy khả năng của Trung Quốc trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học dưới biển sâu và thăm dò nguồn tài nguyên tại gần như toàn bộ các đại dương trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA), tàu lặn này vẫn chưa sẵn sàng cho hoạt động thường xuyên. Nhiệm vụ lần này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn kéo dài 5 năm trước khi Giao Long đi vào hoạt động thường xuyên.
Hoạt động nghiên cứu tập trung vào các loại tài nguyên và một cuộc khảo sát môi trường dưới biển sâu.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có mặt trên cuộc thử nghiệm tàu lặn. Tổng cộng 14 nhà khoa học đã đủ điều kiện tham gia chuyến lặn nghiên cứu khoa học này. Mỗi đợt lặn sẽ có hai thủy thủ và một nhà khoa học trên tàu.
Trong giai đoạn đầu của nhiệm vụ lần này, tàu Giao Long sẽ tiến hành các thử nghiệm trên hệ thống định vị của nó, cũng như các khảo sát địa chất và sinh thái học biển sâu tại Biển Đông. Sau đóm nó sẽ quay về thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiên, duyên hải miền đông Trung Quốc.
Ở giai đoạn thứ hai, tàu Giao Long sẽ tiến hành một loạt nhiệm vụ, trong đó có khảo sát sinh vật học, lấy mẫu địa chất và chụp ảnh ở độ sâu lớn tại đông bắc Thái Bình Dương.
Trong giai đoạn thứ ba, tàu lặn của Trung Quốc sẽ tiến hành nghiên cứu ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương.
Theo VnExpress