Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa (Sovi) được coi là "lão làng" nhất trong ngành bao bì giấy tại Đồng Nai với thâm niên gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Sovi xuất thân từ một nhà máy sản xuất bao bì carton từ trước giải phóng.
Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa (Sovi) được coi là “lão làng” nhất trong ngành bao bì giấy tại Đồng Nai với thâm niên gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Sovi xuất thân từ một nhà máy sản xuất bao bì carton từ trước giải phóng. Sau năm 1975, nhà máy được Nhà nước tiếp quản và chuyển thành doanh nghiệp quốc doanh nhỏ có công suất thiết kế toàn bộ dây chuyền thiết bị là 5.000 tấn/năm, chuyên sản xuất thùng carton 3 lớp, 5 lớp, và sản lượng bình quân chỉ chiếm khoảng 4.000 - 4.500 tấn/năm.
Là một trong những doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp sản phẩm bao bì giấy chất lượng cao cho các ngành hàng như: hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, bia, nước giải khát, giày da, dệt may... từ một dây chuyền sản xuất có công suất 4.000 tấn/năm, đến nay Sovi đã sở hữu dây chuyền công nghệ hiện đại, đồng bộ của các nước tiên tiến trên thế giới, như: Đức, Italia, Thụy Sĩ, Nhật Bản... có công suất 90 ngàn tấn/năm. Ông Lê Quốc Tuyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Sovi, cho biết trong câu chuyện hội nhập, đầu tư cho yếu tố con người luôn là chủ điểm và Sovi xem đó là tiềm lực cạnh tranh quan trọng nhất.
* Cạnh tranh đã rất gần
Ông có cảm nhận gì về những áp lực cạnh tranh sắp tới trong ngành sản xuất bao bì?
- Cạnh tranh trong ngành bao bì giấy đã xuất hiện cách đây nhiều năm và ngày càng khốc liệt khi nhiều công ty nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất quy mô tại Việt nam. Phân khúc bao bì giấy mà Sovi chọn tập trung trong lĩnh vực thực phẩm, nhu yếu phẩm nên độ dao động về nhu cầu trong những lúc kinh tế khó khăn cũng không nhiều lắm. Tuy nhiên, cạnh tranh trên lĩnh vực chất lượng, giá cả, dịch vụ với các công ty lớn của nước ngoài luôn là những bài toán khó.
Ngành bao bì theo cảm nhận chủ quan của tôi là một trong những ngành mà doanh nghiệp FDI nhắm đến đầu tiên khi các hiệp định kinh tế song phương, đa phương, FTA rục rịch ký kết, bởi sự kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến.
Cho đến nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực này đã thấy rõ. Nhiều doanh nghiệp FDI đến từ: Nhật Bản (Ojitex, Tohoku...), Malaysia (Box-Pack), Đài Loan (YFY, Cheng Loong, Việt Long...), Thái lan (Alcamax, Tân Á...)... đã đầu tư và sản xuất tại Đồng Nai, Bình Dương.
Nếu cân nhắc về lợi thế cạnh tranh trong thời hội nhập, theo ông Sovi tự tin nhất và thiếu tự tin nhất ở điểm nào?
- Đầu tiên phải nói nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư sang Việt Nam trong lĩnh vực bao bì vừa có kinh nghiệm sản xuất, vừa có tiềm lực tài chính rất mạnh. Họ có thể bỏ ra hàng chục triệu USD để vừa đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị, đào tạo công nhân và đưa vào sản xuất chỉ trong vòng dưới 1 năm.
Trong khi Sovi đầu tư chúng tôi không đủ vốn để làm ngay một lúc một nhà máy hoàn chỉnh mà phải chia ra nhiều giai đoạn, vừa làm vừa tích lũy rồi mở rộng dần.
Tiềm lực tài chính thì rõ ràng chúng tôi không bằng họ. Còn nếu có gì khiến chúng tôi thấy tự tin thì có lẽ là ở con người, với tâm huyết và kinh nghiệm nhiều năm của họ.
Đã tồn tại gần 50 năm, giai đoạn nào khó khăn nhất mà Sovi đã từng trải qua?
- Là giai đoạn sau cổ phần hóa - năm 2003. Ngày đó, công ty chúng tôi chỉ có mặt bằng hơn 10 ngàn m2, nhà xưởng hơn 4 ngàn m2, và vốn điều lệ hơn 30 tỷ. Quy mô nhỏ quá, đầu tư gì cũng khó nên chúng tôi cũng gặp nhiều trắc trở. Về lĩnh vực bao bì, ngoài kinh nghiệm, kỹ năng, tính chuyên nghiệp... thì quy mô khá quan trọng, khách hàng phải thấy được quy mô đủ lớn thì doanh nghiệp mới được chọn để cung ứng. Nếu chỉ có 1 dây chuyền sản xuất thì rất khó có được hợp đồng lớn.
Ngày nay, sau nhiều nỗ lực, chúng tôi có 2 nhà máy bao bì carton với sản lượng 80 ngàn tấn và một nhà máy bao bì in offset với sản lượng gần 10 ngàn tấn.
* Có con người là có tất cả
Sovi đang là tên tuổi lớn trên lĩnh vực bao bì với khách hàng là những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng. Làm sao để Sovi thuyết phục được họ trở thành khách hàng?
- Đó là một quá trình với nhiều bước chọn lựa và đánh giá: về quy mô nhà xưởng, thiết bị; về hệ thống quản lý sản xuất; về hệ quản lý an toàn, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, về hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội;... thông qua các đơn vị đánh giá độc lập do chính khách hàng chỉ định. Trách nhiệm của doanh nghiệp là làm sao để đạt được các tiêu chuẩn đánh giá đó. Nghĩa là các nhà cung cấp của họ phải đạt chuẩn trên nhiều phương diện để không có một “cơ hội” nào gây ra tai tiếng hoặc rủi ro cho sản phẩm và thương hiệu của họ.
“Cho đến nay, bằng nhiều nỗ lực, Sovi đã có hơn 150 khách hàng là những tập đoàn lớn, những công ty đa quốc gia, như: Uniliver, Coca cola, Pepsi, Nestle, Hyosung, Castrol, LG, Bayer, Sygenta, Bosch, Masan, Bia Sài gòn, Nutifood, Kinh Đô, Bibica…” |
Sau đó mới là việc làm mẫu gửi đến khách hàng để đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật, đánh giá trong quá trình sử dụng..., cuối cùng mới là giá.
Mặc dù vậy, điều hay là những đòi hỏi này khiến chúng tôi phải học hỏi để nâng cấp mình lên, chuẩn hóa chính mình và dễ hơn trong việc đáp ứng những khách hàng lớn khác.
Ông nói con người là tiềm lực mạnh nhất trong cạnh tranh, cụ thể ra sao?
- Rõ ràng về mặt tài chính, Sovi không bằng nhiều doanh nghiệp lớn khác, nhưng Sovi trong suy nghĩ của tôi thì được mấy việc:
Thứ nhất, chúng tôi tương đối lâu năm trong ngành nên có nhiều anh em hiểu về thị trường, về khách hàng cũng như kinh nghiệm trong quá trình sản xuất và cung cấp bao bì giấy đến nhiều khách hàng và ngành hàng có tính chất khác nhau.
Thứ hai, chúng tôi gắn bó nhiều năm và đã cùng nhau đi lên từ những lúc khó khăn nên dễ đồng lòng và tâm huyết với công ty.
Với tôi, con người là yếu tố số 1, dù đầu tư máy móc thiết bị đến đâu, nhưng không có con người phù hợp cũng không làm được. Mục tiêu là phải có con người hài lòng với công việc rồi đào tạo để có được một đội ngũ chuyên nghiệp, đồng lòng và làm việc bằng tâm huyết. Nói thì dễ, nhưng bắt tay vào làm thì cực khó vì không dễ để thay đổi. Thiếu vốn thì có thể vay, thiếu thiết bị có thể đi thuê, nhưng nếu không có đội ngũ giỏi, không nỗ lực và chịu làm thì không thể thành công. |
Một công ty thành công cần sự góp sức của nhiều người, nhiều thế hệ, đó không phải là thành tựu của riêng cá nhân nào. Nếu khơi dậy được khát vọng, lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của từng người ở từng vị trí công việc thì sẽ thành công.
Suy nghĩ của ông về đào tạo và nuôi dưỡng con người?
- Trước tiên, người lao động phải hài lòng về nơi chốn làm việc của mình. Tiền lương, chế độ phúc lợi là yếu tố đầu tiên, song không phải là tất cả. Môi trường và điều kiện làm việc sẽ là nhân tố giữ chân người lao động lâu dài. Cần xây dựng các chuẩn mực về điều kiện làm việc, về quan hệ ứng xử. Đặc biệt trong quan hệ ứng xử người điều hành phải cư xử đúng mực để hạn chế đến mức thấp nhất sự không hài lòng, bất mãn của người lao động ở từng vị trí khác nhau. Cấp trên phải tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe, trao đổi với cấp dưới. Khi có đề xuất, góp ý thì phải có phản hồi... Góp ý đúng phải sửa, góp ý chưa phù hợp thì phải giải thích cho người góp ý hiểu... Những việc tuy đơn giản song phải có chuẩn mực ứng xử.
Ở vị trí người quản trị, ông lo sợ điều gì trong cạnh tranh? Và nếu được, ông muốn cải thiện điều gì nhất trong tính cách người lao động?
- Nói ngắn gọn thì chỉ 3 thứ cốt lõi để cạnh tranh: chất lượng, giá, dịch vụ. Song để duy trì và từng bước cải tiến các chỉ tiêu trên là phải có một hệ thống quản trị nền tảng từ thiết bị, quy trình đến con người. Mọi thứ chuẩn bị cũng chỉ hướng vào những yếu tố đó mà thôi. Về con người, nếu có thể thì tôi chỉ mong muốn một điều: lòng khát vọng, tính tận tụy, sự chuyên nghiệp và khả năng học hỏi. Đây là những yếu tố làm tôi lo lắng nhất khi cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn, hơn cả nỗi lo về vốn liếng và thiết bị.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)