Báo Đồng Nai điện tử
En

Những đứa trẻ bị chối bỏ

10:09, 01/09/2006

Hậu quả từ những cuộc tình vụng trộm, từ những hoàn cảnh éo le đã khiến không ít cô gái trẻ phải mang thai và sinh con một mình. Nhưng họ còn quá trẻ để làm mẹ, còn chưa được chuẩn bị về điều kiện kinh tế để nuôi con nên đành phải vứt bỏ con mình...

Chăm sóc trẻ bị bại não

Hậu quả từ những cuộc tình vụng trộm, từ những hoàn cảnh éo le đã khiến không ít cô gái trẻ phải mang thai và sinh con một mình. Nhưng họ còn quá trẻ để làm mẹ, còn chưa được chuẩn bị về điều kiện kinh tế để nuôi con nên đành phải vứt bỏ con mình...

 

* Những đứa trẻ bị mẹ cha chối bỏ

 

Chúng tôi đến Trung tâm bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa vào một ngày tháng 8. Anh Nam, một nhân viên của trung tâm cho biết: "Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng khoảng 90 trẻ. Ngoài số ít là trẻ mồ côi không nơi nương tựa, con em của gia đình quá nghèo, không nuôi được phải gửi vào trung tâm, còn phần lớn trẻ là con của những bà mẹ trẻ đơn thân bị vứt bỏ ở cổng trung tâm hoặc bị bỏ lại tại các bệnh viện". Tại phòng dưỡng nhi của trung tâm đang có gần 20 trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi được nuôi dưỡng. Căn phòng dưỡng nhi mát mẻ và khá sạch sẽ với đủ giường nằm, đồ chơi và những khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày cho mỗi trẻ được các nhân viên ở đây chăm chút. Hiện phòng này có khoảng chục trẻ dưới 1 năm tuổi. Trong đó có những đứa trẻ chỉ lớn hơn con mèo một chút với cân nặng chưa đầy 2 kg nằm dán sát xuống nệm; có trẻ thở khò khè vì bệnh hen suyễn; có trẻ lại tím tái toàn thân vì tim bẩm sinh; có bé lại chẳng có môi để ngậm núm vú bình sữa...

Chị Bùi Thị Kiền, một phụ nữ làm việc đã lâu ở phòng này, cho biết: "Mình không lập gia đình nên coi chúng như con và lấy đó làm niềm vui. Chúng đã bị cha mẹ từ chối, ruồng rẫy thì mình bù đắp một phần tình thương". Chị Kiền  cho biết đã không ít lần những cháu bị bệnh tim lên cơn tím tái, các chị ẵm chúng vào lòng và cứ thế chạy đến bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bất kể giờ giấc. Rồi cũng chỉ có cô cháu ở với nhau trong bệnh viện mỗi khi bé bị bệnh nặng. Nhưng cũng có trẻ qua được cơn hiểm nghèo về lại với trung tâm và cũng có trẻ ra đi mãi mãi. Những lúc như thế, các chị thương trẻ còn hơn bản thân mình.

Ở phòng bên cạnh là nơi ở của trẻ có độ tuổi từ 2-5. Hiện các trẻ bị bỏ rơi được các nhân viên ở đây chăm sóc với chế độ hỗ trợ của nhà nước là 300.000 đồng/trẻ/tháng. Dù được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo về mặt thể chất, nhưng về tinh thần - trẻ bị bỏ rơi không thể có sự phát triển tâm lý cân bằng như những đứa trẻ có cha, có mẹ.

Còn tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật Đồng Nai cũng đang nuôi dưỡng vài chục trẻ bị bỏ rơi nhưng bị các chứng bại não, tâm thần hoặc các bệnh hiểm nghèo khác. Ông Mao Quốc Trung, Phó giám đốc trung tâm cho biết: "Số trẻ bệnh bị bỏ rơi mỗi năm một nhiều, phần lớn là trẻ được sinh ra từ những bà mẹ trẻ đơn thân. Hiện những trẻ này được trung tâm chăm sóc với mức trợ cấp từ 350.000-400.000 đồng/trẻ/tháng. Hiện có đến 76% số trẻ bị suy dinh dưỡng (dù đã được cải thiện nhiều so với khi vào trung tâm) vì trẻ bị bệnh rất khó trong việc chăm sóc từ bữa  ăn đến giấc ngủ. Đối với trẻ bị bệnh, gia đình quá nghèo không có tiền chạy chữa cho con, khi bỏ, chắc họ cũng đau xót lắm. Song, đáng trách là những trường hợp một số cô gái trẻ không làm chủ được bản thân, không được giáo dục sức khỏe sinh sản dẫn đến hậu quả sinh con sớm phải bỏ con do không thể nuôi con một mình hoặc sợ gia đình và xã hội dị nghị".

 

* Cần giáo dục sức khỏe sinh sản cho giới trẻ

 

Phần lớn trẻ bị bỏ rơi ở hai trung tâm trên là con của những bà mẹ trẻ đang còn là học sinh hoặc nữ công nhân. Điều đó cho thấy việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho giới trẻ, đặc biệt là cho nữ thanh thiếu niên là rất cần thiết. Bên cạnh việc quản lý con cái của mỗi gia đình, thì việc tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục trước hôn nhân và quan hệ tình dục không an toàn là biện pháp không thể thiếu.

Thực tế cho thấy ở Đồng Nai, tình trạng quan hệ tình dục dẫn đến có thai ở những bạn gái trẻ cũng không ít. Trung tâm huấn nghệ cô nhi Biên Hòa từng là "điểm tựa" cho một số bà mẹ "trẻ con" mang thai chờ ngày sinh.

Qua trao đổi với một số phụ huynh, chúng tôi được biết số đông cha mẹ thường né tránh trả lời, giải thích hay trò chuyện với con mình những vấn đề thuộc về giới tính. Nhiều người còn mắng khi con thắc mắc những thay đổi sinh lý trong cơ thể mình vì sợ... vẽ đường cho hươu chạy.

Có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận một thực tế: để hạn chế tình trạng làm mẹ sớm ở giới nữ trẻ, hạn chế tình trạng trẻ bị vứt bỏ sau sinh... thì việc xây dựng nhân cách, đạo đức và lối sống cho các bạn trẻ thông qua môi trường văn hóa lành mạnh, gia đình ấm cúng và cha mẹ là những người bạn của con cái, giúp các bạn trẻ hiểu, quý trọng và giữ gìn bản thân để không sa ngã - là điều cần thiết.

 Phương Liễu

 

Tin xem nhiều