Mại dâm (hành vi mua, bán dâm) là tệ nạn xã hội, nhưng pháp luật hiện hành không xem hành vi bán dâm là tội phạm. Do đó, hành vi bán dâm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp giáo dưỡng tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Mại dâm (hành vi mua, bán dâm) là tệ nạn xã hội, nhưng pháp luật hiện hành không xem hành vi bán dâm là tội phạm. Do đó, hành vi bán dâm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp giáo dưỡng tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Công an P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) làm việc với đôi nam nữ mua bán dâm tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường. Ảnh: CTV |
Tuy vậy, để đấu tranh, ngăn ngừa, bài trừ tệ nạn mại dâm, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, hành vi bán dâm mà lây truyền HIV cho người khác, môi giới, chứa chấp mại dâm sẽ trở thành tội phạm.
* Mức xử phạt hành chính còn nhẹ
Trong thời gian gần đây, Công an tỉnh và công an các địa phương trong tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều cơ sở massage, cắt tóc, quán cà phê có hoạt động mại dâm trá hình. Tuy nhiên, phần lớn vụ việc chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính đối với hành vi mua, bán dâm.
Đơn cử như, ngày 22-5, Công an xã An Phước (H.Long Thành) kiểm tra, phát hiện chị N.T.H.T. (27 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long) đang kích dục cho khách. Công an xã An Phước đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với chị T. theo quy định.
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, pháp luật nghiêm cấm các hành vi: mua dâm, bán dâm, chứa mại dâm, tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức bán dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm, lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm, các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật. Hiện nay, pháp luật còn bỏ ngỏ với hành vi biến tướng của mại dâm như: trai bao, gái bao, hợp đồng du lịch tình dục, tình ái... dẫn tới công tác phòng, chống, bài trừ tệ nạn mại dâm càng khó khăn, phức tạp hơn. |
Theo một nữ cán bộ làm công tác Hội Phụ nữ ở H.Long Thành, dưới góc độ bảo vệ phụ nữ, những người hoạt động bán dâm, kích dục cho khách cũng có phần đáng thương khi họ là nạn nhân vì hoàn cảnh, bị ép buộc dẫn tới xem nhẹ phẩm giá của mình. Dù pháp luật không xem hành vi bán dâm là tội phạm, nhưng với góc nhìn đạo đức, quản lý trật tự xã hội thì bán dâm là tệ nạn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục. Do đó, hành vi bán dâm được che đậy hay biện hộ dưới bất cứ hoàn cảnh, lý do nào thì vẫn bị xã hội, cộng đồng lên án, pháp luật chế tài bằng biện pháp hành chính.
Còn dưới góc độ pháp lý, luật sư Lưu Hồng Khanh, Hội Luật gia tỉnh phân tích, người bán dâm không chỉ là nữ mà cả nam cũng bán dâm. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Người bán dâm chỉ bị xử lý hành chính.
“Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng đối với hành vi bán dâm. Phạt tiền từ 300-500 ngàn đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc. Do mức phạt tiền như vậy còn quá nhẹ nên theo tôi chưa đủ sức răn đe người bán dâm, dễ dẫn tới tái phạm” - luật sư Khanh nói.
* Khi nào người bán dâm bị xử lý hình sự?
Luật sư Lưu Hồng Khanh cho biết thêm, hành vi bán dâm không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi bán dâm sẽ bị xử lý hình sự khi kèm theo các hành vi sau: lây truyền HIV cho người khác, chứa mại dâm, môi giới mại dâm. Mức phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc chung thân.Ngoài ra, người bán dâm còn có thể bị xử lý hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326, Bộ luật Hình sự năm 2015) khi phổ biến hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy để mồi chài khách mua dâm.
Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10- 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm như: dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 1 gigabyte (GB) đến dưới 5 GB; ảnh có số lượng từ 100 đến dưới 200 ảnh; phổ biến cho từ 10-20 người...
“Luật và công cụ quản lý nhà nước đã có nhưng để dẹp được tệ nạn này quả thật không dễ nếu thiếu quyết tâm, quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng” - luật sư Khanh nói.
Đoàn Phú