Những năm gần đây, tại Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa (thuộc Bộ Y tế, là nơi giám định và điều trị bắt buộc cho các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần, trụ sở ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã xảy ra một số vụ bệnh nhân đang điều trị đánh nhau làm chết người.
Những năm gần đây, tại Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa (thuộc Bộ Y tế, là nơi giám định và điều trị bắt buộc cho các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần, trụ sở ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã xảy ra một số vụ bệnh nhân đang điều trị đánh nhau làm chết người. Sự việc xảy ra khiến dư luận không khỏi đặt vấn đề về việc quản lý các bệnh nhân đặc biệt này.
Một bệnh nhân ở Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa bị bệnh nhân khác dùng đũa đâm gây thương tích (ảnh trái) và nhiều vật dụng sinh hoạt được bệnh nhân “gia cố” thành hung khí gây án. |
Khoảng 5 giờ 45 ngày 15-4, trong lúc làm vệ sinh cá nhân, giữa 2 bệnh nhân ở Khoa Điều trị bắt buộc nam của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa là Nguyễn Văn Đức (34 tuổi, thường trú TP.Hà Nội) và Mạc Như Thân (25 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) đã xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc xô xát, Thân đã dùng vật nhọn đâm nhiều nhát vào ngực Đức khiến nạn nhân tử vong.
* Dễ bị kích động
Trung tá Mai Ngọc Lượng, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân (PC45), cho biết quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến đối tượng có dấu hiệu tâm thần, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp đối tượng gây án mất hẳn năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Khi bệnh nhân ổn định sẽ được giao cho gia đình, địa phương quản lý chữa bệnh tại cộng đồng. Với những trường hợp chỉ hạn chế về năng lực nhận thức thì tạm thời được đình chỉ điều tra. Sau đó, cơ quan điều tra đề nghị Viện Kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc và khi đối tượng ổn định cơ quan công an sẽ phục hồi điều tra. |
Đại diện Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa cho biết Đức bị rối loạn tâm thần phân liệt, được Công an TP.Hồ Chí Minh yêu cầu điều trị bắt buộc từ tháng 12-2015. Trước đó, Đức có hành vi cố ý gây thương tích và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; quá trình điều tra đối tượng có biểu hiện bệnh nên được đưa đi điều trị. Còn Thân được Công an tỉnh Bình Phước yêu cầu trưng cầu giám định và bắt buộc chữa bệnh sau khi gây án giết người vào năm 2014. Quá trình điều tra, Thân bị trầm cảm nặng dẫn đến loạn thần.
Trước đó, vào ngày 9-5-2016, tại Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa đã xảy ra vụ đánh nhau bằng dao giữa 2 bệnh nhân Nguyễn Hải Long (28 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) và Nguyễn Thế Minh (34 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh). Hậu quả, Minh chết tại chỗ, còn Long chết khi vào bệnh viện cấp cứu. Cả 2 bệnh nhân đang điều trị bắt buộc.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tý, Phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, với các loại bệnh trên, bệnh nhân rất dễ bị kích động, chống đối, tự hủy hoại cơ thể của mình… Thời gian qua, nhiều bệnh nhân ở đây đánh nhau gây thương tích do bị kích động từ mâu thuẫn nhỏ, thậm chí có trường hợp nhân viên y tế cũng bị bệnh nhân đuổi đánh.
Ngoài chuyện đánh nhau chết người, còn có trường hợp bệnh nhân điều trị tại đây bỏ trốn. Như rạng sáng 22-11-2015, 3 bệnh nhân: Nguyễn Giang Anh (26 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu), Võ Văn Út (32 tuổi, quê tỉnh Long An) và Đặng Ngọc Liêm (34 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) đã cưa cửa thông gió trốn ra ngoài. 3 bệnh nhân này liên quan đến các vụ án: giết người, hiếp dâm, trộm cắp và cướp tài sản... Quá trình điều tra, họ có biểu hiện tâm thần nên được đưa đi điều trị.
Sau khi phát hiện vụ việc, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa đã cử người phối hợp với công an các địa phương tìm kiếm và đưa 2 bệnh nhân Út và Anh trở lại đơn vị điều trị, riêng Liêm được người dân phát hiện chết tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 12-2015 nghi do sốc ma túy.
* Khó quản lý hay lỗ hổng pháp lý?
Liên quan đến vụ Mạc Như Thân đâm chết Nguyễn Văn Đức vào ngày 15-4, Trung tá Bùi Thành Chung, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh, cho biết cơ quan điều tra đang trưng cầu giám định đối với Thân để có cơ sở xử lý. Cơ quan điều tra cũng sẽ có văn bản kiến nghị Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa chấn chỉnh công tác quản lý bệnh nhân để tránh xảy ra các vụ việc tương tự.
Để xảy ra những sự việc đáng tiếc nêu trên, đại diện Viện Pháp y tâm thần trung ương cho rằng ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, nhân viên của viện cũng có những hạn chế về nghiệp vụ quản lý. Thời gian qua, viện đã tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ quản lý, bảo vệ bệnh nhân cho đội ngũ nhân viên, bảo vệ nhưng công tác quản lý thực tế của đơn vị vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đây là cơ sở điều trị bệnh đặc thù; người bệnh là đối tượng trong các vụ án nên ngoài việc quản lý về mặt chuyên môn, đơn vị còn phải có biện pháp khác mới đảm bảo được trật tự, an toàn cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Tý, do bệnh nhân là đối tượng liên quan đến các vụ án, nhiều người có quan hệ phức tạp với các đối tượng ngoài xã hội, sử dụng ma túy… nên việc kiểm tra, giám sát hoạt động thăm nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Để tránh tình trạng xung đột giữa các bệnh nhân, đơn vị đã bố trí đội ngũ cán bộ, nhân viên theo dõi, quản lý hàng ngày. “Hàng ngày, hàng tuần, chúng tôi đều cho rà soát các vật dụng sinh hoạt của bệnh nhân để đề phòng bệnh nhân bức xúc rồi lấy vật dụng đó gây án. Nhưng khi có mâu thuẫn, bệnh nhân có thể sử dụng bất kỳ vật dụng nào để gây án, như: móc áo, thanh giường, đũa ăn…” - bác sĩ Tý giãi bày.
Theo đại diện Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, tất cả quy trình giám định ở đây đều thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Theo đó, khi có quyết định trưng cầu giám định của cơ quan công an, đơn vị sẽ tiếp nhận, lập hồ sơ và tổ chức theo dõi từ 3-6 tuần. Sau đó, hội đồng giám định sẽ họp thống nhất và kết luận. Quá trình lập hồ sơ, nếu thấy chưa đảm bảo đơn vị sẽ yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định bổ sung. Đối với những trường hợp dân sự, phải có đơn yêu cầu của người nhà yêu cầu lập di chúc, thừa kế mới được lập hồ sơ giám định...
Trần Danh