Năm 2021, các địa phương trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó có các tiêu chí, chỉ tiêu còn vướng, chậm tiến độ như: đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng trường học…
Năm 2021, các địa phương trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó có các tiêu chí, chỉ tiêu còn vướng, chậm tiến độ như: đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng trường học…
Tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp thuộc xã vùng sâu Tà Lài, H.Tân Phú. Ảnh: B.NGUYÊN |
Các địa phương đang nỗ lực hoàn thành đầu tư cho hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông, điện phục vụ nhu cầu sản xuất.
* Tập trung vốn đầu tư cho hạ tầng
Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Giai đoạn 2008-2021, tổng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn của tỉnh trên 930 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn từ nguồn ngân sách khoảng 66,5 ngàn tỷ đồng, chỉ chiếm 7,15%; vốn doanh nghiệp là 338,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 36,5%; vốn trong dân hơn 72 ngàn tỷ đồng, chiếm 7,8%... “Điều này cho thấy quá trình thực hiện NTM có sự huy động tổng các nguồn lực, đặc biệt huy động vốn trong dân, lấy người dân làm chủ thể trong quá trình xây dựng NTM, tạo được sự đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện” - ông Gọi nói.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tính đến cuối năm, một số xã còn gặp vướng mắc trong hoàn thiện một số tiêu chí đầu tư đường giao thông, trường học, môi trường… Tuy nhiên, các địa phương đều đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí về đầu tư cơ sở hạ tầng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Như vậy, toàn tỉnh đã có 61/121 xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu và 6 xã đăng ký sẽ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2021. |
Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 3 tuyến đường của xã Bảo Bình được đầu tư trong năm nay bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, huyện đã đẩy nhanh tiến độ thi công và các tuyến đường trên hiện đã hoàn thành từ 90-95%. Song song đó, xã Bảo Bình cũng tích cực lắp đặt đèn giao thông và hoàn thiện tiêu chí môi trường. Nhờ đó, xã Bảo Bình vẫn đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2021.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, Sở đã phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế các tiêu chí về giao thông của các xã NTM nâng cao năm 2021, cơ bản đều đạt. Một số vấn đề còn tồn tại, Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đã tổng hợp thông tin, các huyện đã có giải trình khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong thời gian tiếp theo, Sở đề nghị các địa phương cố gắng duy trì các tiêu chí này, quan tâm bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa đường giao thông nông thôn.
Đầu tư, nâng cấp điện nông thôn tại xã Tà Lài, H.Tân Phú |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, càng về sau, việc đánh giá các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu đạt mức độ cao hơn, tốt hơn so với trước. Năm 2021, tuy sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhiều tiêu chí quan trọng của các xã NTM nâng cao đều đạt cao hơn so với những năm trước.
* Tạo đà phát triển sản xuất
Nhờ được đầu tư về cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đầu tư đường giao thông nông thôn, điện phục vụ sản xuất nên giai đoạn 2008-2020, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 6,2%/năm. Trong năm 2020, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt trên 43,7 ngàn tỷ đồng.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt trên 61,7 triệu đồng/người/năm, tăng gần 4,4 lần so với năm 2008. Giá trị sản xuất trồng trọt đạt 127 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nhiều xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021 có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 66 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân của năm trước.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, Đồng Nai luôn tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng cho các vùng nông thôn, nhất là đường giao thông và điện sản xuất, góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái… Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt đầu tư mở rộng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất), các cụm công nghiệp chế biến nông sản để phát huy hiệu quả của chương trình liên kết vùng trong tiêu thụ, chế biến nông sản. Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến để nông sản có đầu ra ngày càng bền vững.
Bình Nguyên