Để hạn chế ô nhiễm môi trường do vỏ chai và bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây ra ở vùng sản xuất nông nghiệp, Sở NN-PTNT và Sở TN-MT đã cùng với các địa phương lắp đặt hơn 1,2 ngàn bể chứa bằng xi măng.
Để hạn chế ô nhiễm môi trường do vỏ chai và bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây ra ở vùng sản xuất nông nghiệp, Sở NN-PTNT và Sở TN-MT đã cùng với các địa phương lắp đặt hơn 1,2 ngàn bể chứa bằng xi măng.
Nông dân H.Cẩm Mỹ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật để xử lý. Ảnh: Hoàng Lộc |
Tại một số địa phương, các bể chứa góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường, tuy nhiên nhiều bể chứa chưa phát huy hiệu quả, lãng phí tiền đầu tư.
* Không có chỗ để chất thải nguy hại
Huyện Trảng Bom là địa phương có nhiều vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Để hạn chế ô nhiễm môi trường do vỏ chai, bao bì thuốc BVTV gây ra, huyện đã lắp đặt hàng trăm bể chứa tại vùng trồng bưởi xã Bàu Hàm, ca cao xã Trung Hòa và An Viễn; chuối ở xã Thanh Bình và Cây Gáo… Tuy nhiên, nhiều nơi người dân không có chỗ bỏ chất thải nguy hại.
Ông Nguyễn Văn Thuật (ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) cho biết, xã Bàu Hàm vài năm trở lại đây phát triển mạnh cây bưởi và chuối, đây là những cây phải dùng nhiều phân hóa học, thuốc BVTV. Vài năm trước, xã cho đặt các bể chứa dọc đường và tuyên truyền người dân bỏ bao bì thuốc BVTV vào bể chứa. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn bể đã chất đầy rác sinh hoạt, thậm chí là xác động vật, gây hôi thối. Không có chỗ để, ông Thuật phải lấy thùng nhựa đặt ở góc vườn để bỏ chất thải nguy hại.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long An (H.Long Thành) cho rằng, thời gian đầu các bể chứa phát huy hiệu quả, về sau, rác sinh hoạt, đồ cũ không sử dụng, mảnh vỡ thủy tinh người dân cũng bỏ vào bể chứa. Hội Nông dân xã phải thuê xe chở các bể này từ trục đường ra cánh đồng. Mặc dù vậy, tình trạng bỏ rác thải sinh hoạt vào bể chứa vẫn diễn ra, bao bì thuốc BVTV vương vãi nhiều nơi.
Việc đầu tư các bể chứa chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp vừa đảm bảo sức khỏe cho người làm vườn, người tiêu dùng vừa hạn chế gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nhiều người chưa bỏ chất thải nguy hại vào bể chứa. Nguyên nhân là do thói quen tùy tiện bỏ chất thải ra vườn, kênh mương ngay sau khi sử dụng; một số nơi bể chứa đặt cách xa vườn; người không thu gom chất thải nguy hại bỏ vào bể chứa theo khuyến cáo cũng không mất mát gì.
* Tăng cường giám sát, kiểm tra các bể chứa
Ông Ngô Đức Vượng, Phó trưởng phòng TN-MT H.Trảng Bom cho rằng, trên địa bàn huyện có tình trạng người dân lạm dụng các bể chứa chất chải nguy hại để bỏ rác thải sinh hoạt. Việc làm này không chỉ làm hạn chế diện tích bỏ chất thải nguy hại mà còn gây tốn kém do chi phí thuê thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại cao hơn rác thông thường. Ông Vượng cho rằng, bên cạnh việc hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới, các xã cần làm tốt hơn công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân có ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính mình.
Theo Sở TN-MT, thực hiện kế hoạch Quản lý tổng hợp chất thải rắn trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh, 11/11 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch xây dựng các điểm thu hồi chất thải nguy hại. Mục tiêu là mỗi xã, phường có ít nhất 1 điểm thu đổi chất thải nguy hại (cục pin, bình ắc quy cũ, vỏ bao bì thuốc BVTV). Ngoài ra, Sở chỉ đạo phòng TN-MT cấp huyện phối hợp với Hội Nông dân, Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại, thu gom và bỏ chất thải nguy hại, đặc biệt là bao bì thuốc BVTV vào bể chứa để xử lý theo quy trình…
Hiện nhiều địa phương hình thành và duy trì mô hình thu đổi chất thải nguy hại lấy quà, điển hình là H.Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh... Theo đó, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân phân loại, thu gom chất thải nguy hại của gia đình, bảo quản đúng cách chờ đến dịp đem đổi lấy quà tặng là sách vở, nhu yếu phẩm. Những việc làm này vừa đem lại lợi ích về kinh tế, sức khỏe cho người dân vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Theo Sở TN-MT, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về giảm phát sinh chất thải nguy hại, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 1.272 bể thu gom bao bì thuốc BVTV tại các cánh đồng lớn, vùng sản xuất nông nghiệp. Hội Nông dân cấp xã là đơn vị được giao quản lý bể chứa, định kỳ hằng quý hoặc khi bể đầy xã báo cho đơn vị hợp đồng đến thu gom chất thải, đưa đi xử lý. Năm 2019, Sở NN-PTNT và Sở TN-MT đã vận động, hướng dẫn người dân thu gom được 77,3 tấn vỏ chai, vỏ gói thuốc BVTV. Nhiều địa phương, các bể chứa phát huy tác dụng, giảm ô nhiễm môi trường, tuy nhiên còn nhiều bể chứa hoặc bị lạm dụng để bỏ chất thải sinh hoạt hoặc không ai bỏ bao bì thuốc BVTV vào. |
Hoàng Lộc