Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, nông dân là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì nước biển dâng, xâm nhập mặn, thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của họ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, nông dân là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì nước biển dâng, xâm nhập mặn, thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của họ.
Đưa máy gặt đập liên hợp vào cánh đồng mẫu lớn tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu). |
Nước biển dâng sẽ làm hàng ngàn hécta đất bị ngập, đồng thời mặn xâm nhập sâu vào trong đất liền khiến nông dân mất dần đất sản xuất. Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt giảm năng suất cây trồng, vật nuôi và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp và khó phòng trừ.
* Chịu ảnh hưởng nhiều nhất
Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, BĐKH làm trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng gây ngập, nhiễm mặn những vùng ven biển, các vùng khác bị khô hạn, đồng thời lũ lụt và bão xảy ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, chỉ cần nhiệt độ tăng từ 1-20C năng suất lúa, bắp sẽ giảm 10-20% và giảm 60% khi nhiệt độ tăng thêm 40C. Quá trình sản xuất hạt giống, cây giống bị đảo lộn dẫn đến thiếu hụt những giống tốt. Còn Cục Trồng trọt cho hay, trong điều kiện nhiệt độ tăng thêm 10C thì nhu cầu tưới nước cho cây trồng tăng 10%, như vậy năng lực tưới của các công trình thủy lợi hiện nay không đáp ứng nổi, thiếu nước và hạn hán sẽ xảy ra ở những vùng cao. Hạn hán, ngập lụt do BĐKH, nông dân là người bị ảnh hưởng lớn nhất vì mùa màng bị ảnh hưởng, đất đai bị mất dần đi và năng suất cây trồng sẽ giảm. Đồng Nai có gần 350 ngàn hécta cây trồng, hệ thống thủy lợi hiện chỉ đáp ứng được khoảng 1/5 nhu cầu, trong khi có trên 60% dân số sống bằng nông nghiệp nên BĐKH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
Thời tiết bất thường do BĐKH còn kéo theo hàng loạt những hệ lụy, như: sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng, ngập lụt có thể gây ra các loại dịch bệnh cho con người và vật nuôi. Khi xảy ra dịch bệnh, đời sống sinh hoạt của nhiều người dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Với cây trồng, vật nuôi cũng như vậy, hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra và thường xuyên diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát gây thiệt hại cho người dân hàng ngàn tỷ đồng, như: dịch heo tai xanh, cúm gia cầm…
Từ đầu tháng 9-2009, Bộ Tài nguyên - môi trường đã công bố kịch bản BĐKH, theo đó vào giữa thế kỷ 21 nước biển sẽ dâng từ 28-33cm và cuối thế kỷ 21 dâng 65-100cm. Nếu nước biển dâng 20-60cm sẽ có 100-200 ngàn hécta đất bị ngập, như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm ngàn người. Trường hợp nước biển dâng 100 cm sẽ làm ngập 20-25 ngàn km2 và gần 9 triệu người dân trong nước bị ảnh hưởng.
* Ứng phó ra sao?
Theo kịch bản của Bộ Tài nguyên - môi trường vừa công bố thì BĐKH sẽ gây đảo lộn cơ cấu cây trồng, thiếu hụt nguồn nước tưới, tăng nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh. Từ năm 2008 đến nay, BĐKH đã thể hiện khá rõ ở thời tiết như mưa lũ, bão nhiều hơn, song chỉ tập trung trong thời gian ngắn, vì vậy vào vụ đông - xuân lại gây ra hạn hán ở nhiều địa phương. Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, để trồng trọt giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với BĐKH, các địa phương tập trung ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất. Cụ thể, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây lâu năm, dùng các giống mới có năng suất, chất lượng cao chống chịu được hạn hán, ngập lụt. Đồng thời, quá trình chăm sóc cây trồng, nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật mới. Riêng cây lúa, nông dân nhiều vùng thực hiện theo chương trình 3 giảm, 3 tăng nhằm hạn chế các chất thải độc hại ra môi trường ảnh hưởng đến khí hậu.
Gần đây, ở Đồng Nai BĐKH ảnh hưởng đến trồng trọt khá rõ ràng, hàng loạt các loại cây trồng bị mất mùa do thời tiết, sâu bệnh làm hại hàng ngàn hécta cây trồng, nước mặn đã xâm nhập vào sâu hơn tại sông Đồng Nai… Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương làm những mô hình điểm về xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ, cho trái sớm để tránh lúc thời tiết bất thường, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho những vùng thiếu nước, mở các lớp tập huấn phòng trừ dịch hại tổng hợp trên các loại cây trồng để nông dân học tập và làm theo. Tuy nhiên, để công tác ứng phó BĐKH được tốt hơn cần sự lồng ghép và phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành hướng dẫn hỗ trợ cho nông dân để chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giống mới, vốn…
Uyển Nhi