Báo Đồng Nai điện tử
En

Cốm Vĩnh Thanh xuất ngoại

09:08, 16/08/2013

Đặc sản cốm dẹp ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) đã có tuổi đời gần 60 năm. Không sôi động như làng nghề, nhưng cốm Vĩnh Thanh dần dần chiếm lĩnh thị trường phía Nam và được xuất ngoại sang các thị trường Đài Loan, Hoa Kỳ.

Đặc sản cốm dẹp ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) đã có tuổi đời gần 60 năm. Không sôi động như làng nghề, nhưng cốm Vĩnh Thanh dần dần chiếm lĩnh thị trường phía Nam và được xuất ngoại sang các thị trường Đài Loan, Hoa Kỳ.

Anh Nguyễn Thanh Long, ấp Thành Công, xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) kiểm tra mẻ cốm đang rang.
Anh Nguyễn Thanh Long, ấp Thành Công, xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) kiểm tra mẻ cốm đang rang.

Trộn một ít đường, nước cốt dừa với hạt cốm dẹp Vĩnh Thanh sẽ thành một món ăn thơm ngậy, dân dã được rất nhiều người ưa thích. Ngoài ra, cốm dẹp Vĩnh Thanh còn có thể nấu chè, làm bánh, bọc tôm, cá chiên ăn khá ngon miệng.

* Nghề gia truyền

Theo lời ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thanh, cốm dẹp là nghề gia truyền của một vài dòng họ có cách đây gần 60 năm. Nghề được bắt nguồn từ một số người miền Bắc di cư vào Nhơn Trạch mang theo nghề làm cốm. Làm cốm đòi hỏi tính chịu khó và nhẫn nại, bởi từ hạt lúa, để làm ra hạt cốm dẹp phải trải qua gần 10 công đoạn. Trong mỗi công đoạn, chỉ cần sơ suất nhỏ là cả mẻ cốm phải bỏ đi.

Bà Nguyễn Thị Vinh, người làm cốm lâu năm nhất ở ấp Sơn Hà, kể: “Cha mẹ tôi di cư vào Vĩnh Thanh từ năm 1954 và mang theo nghề làm cốm. Khi tôi lập gia đình, cha mẹ truyền lại nghề làm cốm cho tôi”. Cũng theo bà Vinh, các cơ sở làm cốm ở xã Vĩnh Thanh đều là họ hàng trong dòng tộc của bà từ miền Bắc vào, đem theo nghề truyền thống và truyền lại cho con cháu.

Theo các cơ sở làm cốm tại Vĩnh Thanh, để làm được 1 kg cốm phải cần 2 kg lúa nếp. Muốn làm được cốm dẹp phải trải qua nhiều công đoạn: Lúa mua về đem ngâm nước, vớt bỏ hết hạt lép, nấu vừa chín tới đem sấy khô, bỏ vào xay tróc vỏ trấu đem rê cho sạch bụi, cán dẹp, đưa ra sàng lọc hạt vụn rồi đưa vào rang. Trước đây, đặc sản cốm Vĩnh Thanh được làm thủ công nên tốn rất nhiều công thợ mà năng suất không cao, cơ sở lớn cũng chỉ làm được trên 100 kg cốm/ngày. Vì thế, hiện các cơ sở đã tự nghiên cứu đưa máy móc vào, giảm từ 50-60% công thợ, dễ dàng đáp ứng được  các đơn đặt hàng lớn.

Anh Nguyễn Thanh Long, chủ cơ sở cốm dẹp ở ấp Thành Công, nhớ lại: “Khi 6 tuổi, tôi đã theo cha mẹ đi tìm mua lúa nếp trong vùng, loại nếp chọn làm cốm hạt phải thơm, chắc mẩy và không được chín quá. Từ bé, tôi đã mê mùi thơm ngầy ngậy của cốm dẹp. Và ngày qua ngày, nghề này đã thấm dần vào máu khiến tôi thành kẻ mê nghề không dứt ra được”. Do đó, sau khi học xong THPT, dù cha mẹ động viên, thậm chí ép buộc bắt anh học tiếp, anh Long vẫn quyết theo nghề làm cốm. Và đến nay, anh Long đã có trong tay một cơ sở làm cốm khá lớn, mỗi ngày cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận từ 400 - 500 kg cốm dẹp.

* Rộng đường xuất ngoại

Hiện nay, xã Vĩnh Thanh có 4 cơ sở làm cốm lớn với công suất từ 400-500kg/ngày. Theo chị Nguyễn Thị Phi Phượng, chủ cơ sở làm cốm ấp Sơn Hà, thì tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận không có cơ sở làm cốm dẹp nào quy mô lớn như các cơ sở ở Vĩnh Thanh nên các chủ hàng ở Chợ Lớn đều đặt hàng ở đây. Ngay cả một số cơ sở làm bánh ở Kiên Giang, Cà Mau cũng tìm về đây để đặt hàng, vì thế cốm làm ra bao nhiêu được các mối hàng về lấy đến đó. Trong khi các nghề khác phải chạy đôn chạy đáo lo đầu ra thì cốm Vĩnh Thanh không đủ hàng để bán.

Đặc sản cốm Vĩnh Thanh hiện đã vào được nhiều hệ thống siêu thị trong nước. Ngoài ra, cốm Vĩnh Thanh còn được một số doanh nghiệp ký hợp đồng để xuất khẩu sang Đài Loan và Mỹ.  Riêng cơ sở của anh Long đã nhận được đơn đặt hàng dài hạn, xuất khẩu 11 tấn cốm dẹp/tháng sang Đài Loan. Anh Long đang phối hợp với các cơ sở sản xuất cốm có công suất lớn để thành lập công ty nhằm dễ dàng hơn trong việc ký hợp đồng xuất khẩu hoặc đưa cốm vào hệ thống nhà hàng và siêu thị. Anh Nguyễn Văn Phương ở ấp Sơn Hà, nói: “Giá cốm mà các cơ sở bán cho các chủ hàng, công ty khoảng 22 ngàn đồng/kg. Nếu thành lập công ty có tư cách pháp nhân, có thể bán với giá cao hơn từ 20 - 30%”.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều