Một cuốn nhật ký chứa đựng ngọn lửa của niềm tin cách mạng vừa được tìm thấy tại xã Tân Mỹ (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) sau 50 năm chôn vùi trong lòng đất. Những trang nhật ký rực lửa của một nữ chiến sĩ hy sinh ở tuổi đôi mươi chứa đựng nhiều tâm sự, nỗi nhớ gia đình, quê hương đã làm xúc động nhiều bạn trẻ hôm nay. Tuy nhiên, cuốn nhật ký ấy không có thông tin gì ngoài cái tên M. và bối cảnh là cuộc chiến tranh chống Mỹ trong những năm đầu thập niên 1960…
Một cuốn nhật ký chứa đựng ngọn lửa của niềm tin cách mạng vừa được tìm thấy tại xã Tân Mỹ (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) sau 50 năm chôn vùi trong lòng đất. Những trang nhật ký rực lửa của một nữ chiến sĩ hy sinh ở tuổi đôi mươi chứa đựng nhiều tâm sự, nỗi nhớ gia đình, quê hương đã làm xúc động nhiều bạn trẻ hôm nay. Tuy nhiên, cuốn nhật ký ấy không có thông tin gì ngoài cái tên M. và bối cảnh là cuộc chiến tranh chống Mỹ trong những năm đầu thập niên 1960…
Trang bìa cuốn nhật ký nắn nót dòng chữ tiêu đề “Thế hệ Hồ Chí Minh”, dung lượng thông tin không nhiều, chỉ 35 trang viết khổ nhỏ. Người tìm thấy hiện vật quý giá này là ông Huỳnh Văn Sáng (72 tuổi, ở xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
* Lửa từ lòng đất
Ông Sáng từng sống ở vùng Chiến khu Đ giai đoạn 1960 - 1966, khi những trận càn khốc liệt của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn diễn ra tại đây và lực lượng của ta cũng có những hy sinh mất mát không nhỏ. Ông cho biết đã từng tham gia chôn cất nhiều liệt sĩ sau các trận càn của địch tại khu đất mộ của dòng tộc rộng gần 5.600m2 vào năm 1963. Sau đó, ông được tổ chức cử lên tuyến trên. Sau ngày thống nhất, về lại quê hương, ông thấy có thêm 4 phần mộ liệt sĩ. Hỏi ra mới biết đó là 4 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh lớn vào năm 1966 do bộ đội và nhân dân chôn cất.
Những tấm hình cất trong cuốn nhật ký được cho là chân dung của tác giả. |
Mới đây, khi nghe tin khu đất bị san lấp cho một dự án, ông chạy về để báo chính quyền địa phương về chuyện mộ liệt sĩ và trực tiếp gặp những người đang thi công. Vào thời điểm đó, sau những cơn mưa lớn, nước chảy xối xả làm dưới vũng bùn lộ ra một túi ny-lông. Ông tò mò nhặt lên thì thấy bên trong có quyển nhật ký và một số hình ảnh.
Trang đầu tiên của cuốn nhật ký này được viết vào tháng 12-1962 và trang cuối là ngày 20-10-1966. Dựa trên thông tin chưa đầy đủ từ tập nhật ký, có thể biết rằng, tác giả là một đảng viên, một giáo viên trẻ vừa ra trường: “Tháng 12-1962, rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng, vừa dạy học, vừa tham gia các mặt trận khác. Sau đó lên đường vào chiến trường. Ngày đi, ngoại nhắn lời nhắn nhủ hữu ích của cậu, mình cố khắc sâu vào tư tưởng, cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa cháu của cậu, đứa con gái ngoan của ba má, người con ưu tú của Đảng...”.
Ngày 20-11-1964, chị viết: “Hôm nay là ngày lễ Nhà giáo yêu nước. M. được nghe kể lại nghề giáo. M. cần học tập nhiều hơn nữa. Trau dồi bản thân để trở thành một người giáo viên toàn diện, yêu nghề, yêu trẻ đúng mức”.
Những dòng nhật ký ngắn thể hiện khát vọng cống hiến, tinh thần yêu nước của người chiến sĩ cách mạng. Ngày 1-1-1965, chị viết: “Đêm nay được nghe chú Năm nói chuyện tình hình thời sự, M. rất phấn khởi. Quân và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày một nhiều hơn, vẻ vang hơn. M. phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bạn bè, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến...”.
Ở một đoạn khác, chị viết: “Qua lời kể của chú Năm, M. soi rọi bản thân, phải cần học tập thêm, tư tưởng luôn hướng đến lý tưởng cộng sản, chân lý cách mạng. Ta nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - Vì Tổ quốc”; “Vâng M. phải cố gắng làm được. Tự kiểm lại mình, M. thấy còn thiếu sót là chưa tận tình giúp đỡ những bạn nhỏ hơn mình, phải quan tâm nhiều hơn những bạn mà tổ Đoàn phân công mình giúp đỡ”.
* Chị M. là ai?
Cho đến nay, các cơ quan chức năng ở Bình Dương đang tích cực đi tìm thông tin về tác giả cuốn nhật ký. Phân tích bước đầu từ các thông tin trong nhật ký, nhiều chuyên gia cho rằng, tác giả là một người gốc miền Tây Nam bộ, quê ở Cần Thơ, chưa lập gia đình.
Qua báo chí - truyền thông, hy vọng người thân của nữ liệt sĩ sẽ biết được sự kiện này và nhìn nhận thân nhân. Chúng tôi cũng hy vọng bài viết này trên Báo Đồng Nai cũng góp phần trong hành trình trả lại tên cho chị M, hy vọng đến một ngày nào đó không xa, Nhà nước sẽ có cơ sở tiến hành truy tặng danh hiệu, quy tập hài cốt chị về nghĩa trang liệt sĩ chăm sóc chu đáo. |
Một chi tiết đáng lưu ý là cùng với tìm thấy cuốn nhật ký này, trong túi ny-lông ấy còn có các kỷ vật của nữ liệt sĩ vẫn nguyên vẹn. Đó là hình ảnh cô gái đội mũ tai bèo đứng giữa rừng Chiến khu Đ nở nụ cười rạng rỡ, hay cô gái ngồi dưới gốc dừa Nam bộ tươi xinh, hay cô bé mặc chiếc đầm xinh xắn tay ôm búp bê… Nhiều khả năng đó chính là ảnh của tác giả. Chị cũng cất vào cuốn nhật ký tấm ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và mặt sau ảnh có con dấu “Nhiếp ảnh TTX Giải phóng - Phát hành kỷ niệm 2 năm ngày hy sinh Nguyễn Văn Trỗi”.
Nếu còn sống đến giờ, nữ tác giả khoảng trên 60 tuổi. Trong khi đó, các cựu chiến binh sống cùng thời hoặc lớn tuổi hơn từng công tác tại Bình Dương cũng còn nhiều. Các cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương hy vọng rằng, căn cứ vào các tình tiết trong nhật ký (như cô là cán bộ giáo dục, các lớp tập huấn cô từng tham gia), có thể tìm ra được đơn vị nào, nhiệm vụ công tác, quê quán, người thân của tác giả.
Đan Châu