Báo Đồng Nai điện tử
En

Lại đến mùa nấm mối

09:06, 03/06/2022

Năm nay thời tiết khá bất thường. Mấy trận mưa đầu mùa đều rất lớn, xen kẽ là mấy đợt nắng nóng. Điều kiện thời tiết này đã làm xuất hiện tương đối sớm một loại đặc sản thiên nhiên chỉ có ở một vài địa phương miền Nam; trong đó ngoài Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước… thì Đồng Nai là một trong những nơi được biết tiếng với loại "lộc trời" thuộc vào hàng hiếm này.

Năm nay thời tiết khá bất thường. Mấy trận mưa đầu mùa đều rất lớn, xen kẽ là mấy đợt nắng nóng. Điều kiện thời tiết này đã làm xuất hiện tương đối sớm một loại đặc sản thiên nhiên chỉ có ở một vài địa phương miền Nam; trong đó ngoài Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước… thì Đồng Nai là một trong những nơi được biết tiếng với loại “lộc trời” thuộc vào hàng hiếm này. Đó là nấm mối - loài thực vật mọc lên từ chất thải của con mối. Nấm mối được chế biến thành các món ăn khoái khẩu của dân sành ăn nên thường có giá khá cao.

Nấm mối vừa mới hái. Ảnh: B.Thuận
Nấm mối vừa mới hái. Ảnh: B.Thuận

* Lộc trời ngày một ít

Đã thế trong mấy năm gần đây, việc người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng ngày càng nhiều đã làm hạn chế rất lớn đến sự phát triển của loài mối chuyên làm tổ dưới mặt đất, nơi gò cao. Đặc biệt trước làn sóng đô thị hóa rầm rộ hiện nay, loài mối gần như không còn đất sống, chuyện một gò mối với vài chục ổ, vào mùa nấm mối nở trắng cả khu đất rộng hàng trăm m2 chỉ còn là hình ảnh xa vời trong quá khứ. Do ngày càng hiếm nên giá của nấm mối cũng ngày càng cao .

Năm nay nấm mối đầu mùa chỉ mới xuất hiện lẻ tẻ ở Long Thành, Nhơn Trạch, Long Khánh, Tân Phú… đã được rao bán trên mạng với mức giá 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/kg cho loại nấm búp. Mấy sạp nấm mối bán bên lề đường ở Biên Hòa, Tân Phú cũng “kêu” giá từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng cho loại nấm đã nở. Trong khi bình quân một ký thịt heo chỉ ở khoảng 100 ngàn đồng. Tính ra nấm đắt gấp chục lần thịt.

Vậy nên, mấy năm gần đây, dân ghiền nấm mối phải bóp bụng mua vài ba lạng hoặc nửa ký nấm mối cất vào tủ lạnh để ăn dần. Mà nấm mối bọc giấy bạc nướng đã ngon, nấm mối nấu mì udon ăn càng… hết biết. Những người mê nấm mối thuộc hàng cố cựu ở Biên Hòa ít nhiều biết đến địa danh đã từng một thời nổi tiếng về loại đặc sản thiên nhiên này ở Đồng Nai, đó là Phú Hội.

* Nấm mối “mùng Năm”

Được nhiều người biết đến qua câu ca dao “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội”, xã miệt vườn Phú Hội (trước đây thuộc Q.Long Thành, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) còn nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh không những về trà (chè), mà còn có cả sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, thơm Tây, dâu, bòn bon… Trong đó, cùng với An Phước, sầu riêng Phú Hội có thương hiệu chung là… “sầu riêng Long Thành” được bạn hàng đem lên Chợ Lớn, Sài Gòn “bán bao” cho khách hàng sành điệu và khó tính, do sầu riêng Long Thành có hương vị thơm ngon đặc biệt với múi sầu riêng vàng ươm, béo ngậy.

Hằng năm vào dịp tết Đoan ngọ (mùng 5-5 âm lịch, người dân Phú Hội hay nói gọn là… “mùng Năm”) lại thường đúng vào mùa trái cây nhiệt đới ở miệt vườn chín rộ. Vào dịp này, Phú Hội đông vui như hội, nhà vườn nào cũng có vài mươi khách là bạn hữu gần xa, con cháu đi làm trên tỉnh, đi học ở TP.HCM mời, rủ đồng nghiệp, bạn bè về quê miệt vườn… “ăn mùng Năm”.

Cũng như các xã miệt vườn khác ở miền Đông Nam bộ, từ lâu Phú Hội duy trì tập quán “ăn mùng Năm” khá thịnh soạn. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn mấy món ăn truyền thống: bún bì, bánh bèo mắm xắt rau sống… cùng hai món tráng miệng không thể thiếu là cơm rượu, xôi vò. Dĩ nhiên trước đó, khách cũng đã được “làm một bụng” sầu riêng, chôm chôm… ngay dưới gốc cây và còn được chủ nhà bẻ sẵn một mớ các loại trái cây để làm quà mang về. Ngay cả với là những đôi nam nữ ở nơi khác, không có bạn bè, người quen ở Phú Hội, tự chở nhau đi chơi vườn cũng thế, chủ vườn đều mời “ăn mùng Năm”.

Nhưng phải nói, món ăn độc đáo và bất ngờ nhất mà chủ vườn dành cho khách, thường là ở vào… “phút 89”, đó là… cháo nấm mối hoặc hấp dẫn hơn là món nấm mối xào sầu riêng.

“Đụng” đến món này trong ngày “mùng Năm” ngay tại nhà vườn Phú Hội thì thật khó quên. Những ông bà thuộc vào dạng lão làng ở Phú Hội cho rằng: Nấm mối trên vùng đất bazan thường có búp to nhưng không ngọt và bở hơn nấm mối vùng đất xám, đất pha cát như miệt vườn Nhơn Trạch, trong đó có Phú Hội. Mà nấm mối ngon nhất trong năm là nấm mọc trong “ngày mùng Năm tháng năm” có cái mùi mối rất đặc trưng. Các cụ còn cho biết loại nấm thiên nhiên, tức… “lộc trời” này thường xuất hiện sau trận mưa lớn, nắng bắt đầu lên làm không khí oi bức.

Nấm mối bọc giấy bạc nướng tại một nhà hàng ở Long Khánh
Nấm mối bọc giấy bạc nướng tại một nhà hàng ở Long Khánh

Hằng năm ở Phú Hội nấm mối thường xuất hiện trong 3 đợt: Đầu tiên thường là ngày 20-4 âm lịch, đợt chính vụ là ngày “mùng Năm tháng năm”. Đợt rộ nhất là ngày 2-7, sau đó lai rai đến cuối tháng 8 mới dứt hẳn. Những khu vực như: sở cao su Ông Trường, rừng Cây Sộp, Bàu Mía, Bàu Tranh… được dân “ăn nấm mối” xem là “địa bàn trọng điểm” trong việc hái nhổ nấm một thời ở Phú Hội. Vào ngày “mùng Năm”, hễ thấy có… “trận mưa nấm mối” là trẻ, già, trai, gái trong xã vội vã xách bao bố ra mấy nơi này thu hoạch.

Ai cũng vội, vì chậm chân thì có rất nhiều đàn rùa (dân địa phương gọi loại rùa khá to, trên mai có vằn sọc và đặc biệt rất khoái khẩu với nấm mối búp là con trạnh) không hề chậm chạp như nhận định lâu nay của con người là “chậm như rùa”; đám trạnh rất thính mùi nấm, thường sống lẩn khuất bên mấy hố, lạch cạnh dòng nước Mạch Bà luôn có mặt từ rất sớm.

* Hái nấm mối - dễ mà…

Cũng theo các bậc kỳ lão, việc đi nhổ nấm mối tưởng chừng đơn giản nhưng cũng đã có không ít người “vác bao đi lại vác bao về không”. Bà con ở Phú Hội cho là người đi nhổ nấm mối còn phải… “hạp”. Vì có người đi ngang qua gò đất không nhìn thấy gì, còn người khác phát hiện ra một bãi nấm mối trắng lan rộng bằng chiếc đệm, nhổ đầy bao bố vẫn không hết. Đặc biệt hơn, ở ấp Xóm Hố còn có những cụ bà đứng xa hàng chục mét vẫn ngửi ra được mùi nấm mối, nên bao giờ cũng nhanh chóng… xí “lộc trời”.

Nấm mối bày bán bên lề đường ở Tân Phú
Nấm mối bày bán bên lề đường ở Tân Phú

Trước đà “đô thị hóa” phát triển với tốc độ chóng mặt, vườn sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, trà… ở Phú Hội nhanh chóng thu hẹp diện tích. Không biết những đàn trạnh mê ăn nấm mối đã biến khỏi Mạch Bà tự lúc nào, đàn dơi quạ (mỗi con giang cánh dài đến 2m) thường xuất hiện thành đàn ở Phú Hội vào mùa sầu riêng trổ bông, đầu mùa chôm chôm chín cũng không còn quay lại...

Ngày “mùng Năm” năm nay, dân ghiền loại đặc sản thiên nhiên này lại phải mua nấm mối có bám dính đất đỏ với cái giá cao ngất ngưỡng để hoài niệm về miệt vườn Phú Hội của một thời chưa xa.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích