Báo Đồng Nai điện tử
En

Một thời, thương cảng Cù lao Phố

08:05, 06/05/2022

Cù lao Phố là tên gọi của vùng đất nay thuộc khu vực P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Trước đây, vào khoảng cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, Cù lao Phố đã từng là cảng biển đầu tiên ở khu vực Nam bộ. Với vị trí thuận lợi và thời điểm xuất hiện sớm, Cù lao Phố có vai trò quan trọng, là trạm trao đổi hàng hóa giữa thương nhân trong nước và nước ngoài một cách hiệu quả.

Cù lao Phố là tên gọi của vùng đất nay thuộc khu vực P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Trước đây, vào khoảng cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, Cù lao Phố đã từng là cảng biển đầu tiên ở khu vực Nam bộ. Với vị trí thuận lợi và thời điểm xuất hiện sớm, Cù lao Phố có vai trò quan trọng, là trạm trao đổi hàng hóa giữa thương nhân trong nước và nước ngoài một cách hiệu quả.

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Cù lao Phố (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Lò Văn Hợp
Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Cù lao Phố (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Lò Văn Hợp

* Tương quan với các cảng thị cùng thời

Vùng đất Cù lao Phố bắt đầu thay đổi diện mạo khi nhóm lưu dân người Hoa do Trần Thượng Xuyên cầm đầu được chúa Nguyễn cho phép định cư tại đây vào năm 1679. Cùng thời điểm đó, ở Đàng Trong cũng lần lượt hình thành các cảng thị khác ra đời song song với sự phát triển của cảng thị Cù lao Phố, vừa mang tính cạnh tranh vừa mang tính liên kết mối giao thương hàng hóa ở khu vực Nam bộ. Đó là sự xuất hiện của các cảng thị Hà Tiên, Phú Xuân và Mỹ Tho.

Trong quá trình khẩn hoang xuống phía Nam, vùng đất Hà Tiên được Mạc Cửu - thuộc nhóm di thần nhà Minh bất hàng phục nhà Thanh bên Trung Quốc chạy sang, được chúa Nguyễn cho phép xuống khai phá vào đầu thế kỷ XVIII. Mạc Cửu đã phát triển vùng đất này thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư đông đúc nằm sát biển, thuận lợi cho ghe thuyền lui tới trao đổi hàng hóa. Các sản vật và hàng hóa ở vùng đất này cũng rất đa dạng như: sáp trắng (bạch lạp), huyền phách… Đây cũng là vùng đất thu hút được thương nhân nước ngoài đến mua bán và sinh sống như người Cao Miên, người Chà Và. Tuy nhiên, điểm hạn chế của cảng thị Hà Tiên so với các cảng thị khác chính là tình hình an ninh bất ổn. Lần lượt gặp nạn giặc cướp biển, rồi bị nạn ngoại xâm, không lâu sau cộng đồng dân cư ở đây trong đó có người Hoa phải xiêu tán.

Đối với cảng thị Mỹ Tho, đây được xem như một trong những cảng thị hình thành sớm và phát triển song song với cảng thị Cù lao Phố ở khu vực Đàng Trong. Được sự đồng ý của chúa Nguyễn, nhóm người Hoa do Dương Ngạn Địch dẫn đầu tới đây phát triển vùng đất vào năm 1679. Không lâu sau đó, Mỹ Tho từ một vùng đất nhiều ruộng đồng, lau sậy trở thành phố thị, trung tâm mua bán nhộn nhịp ở Nam bộ. Sản phẩm chủ yếu của nơi đây là lúa gạo, cau khô và các vật phẩm nông nghiệp. Nếu xét về độ phát triển thương nghiệp, giao lưu hàng hóa thì nơi đây không thua kém vùng Cù lao Phố là mấy. Tuy nhiên, tình hình an ninh biến động với các cuộc nổi loạn trong nội bộ và sau đó là cuộc xâm lược của quân Xiêm (năm 1785) đã khiến nơi đây trở nên tiêu điều, lụi tàn.

Phạm vi của thương cảng Cù lao Phố trong vòng 2 thế kỷ XVII, XVIII. Ảnh: Tác giả cùng nhóm nghiên cứu thực hiện
Phạm vi của thương cảng Cù lao Phố trong vòng 2 thế kỷ XVII, XVIII. Ảnh: Tác giả cùng nhóm nghiên cứu thực hiện

Đối với Phú Xuân, kể từ khi được chúa Nguyễn Phúc Thái (năm 1687) chuyển thủ phủ về đây thì nơi đây đã được xem là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của Đàng Trong thời kỳ mới. Về mặt kinh tế, Phú Xuân giai đoạn cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII nổi bật với các phố chợ, bến cảng như: Thanh Hà, Bao Vinh, chợ Dinh, chợ Được, chợ Đông Ba, Gia Hội… mà phát triển nhất là cảng thị Thanh Hà. Lượng hàng hóa khá đa dạng ở khắp các ngành nghề kinh tế công thương nghiệp cho đến thủ công nghiệp. Cảng thị Phú Xuân giai đoạn này cũng đạt được sự phát triển nhất định khi góp phần trao đổi hàng hóa trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, do sức vóc của cảng thị bé nhỏ và phụ thuộc nhiều vào triều đình Huế nên cảng thị Phú Xuân không thể có được sự thịnh đạt như các trung tâm Cù lao Phố hay Mỹ Tho đại phố.

* Một thời cực thịnh

Nhà văn Sơn Nam từng có nhận xét: “Vùng Cù lao Phố, nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn”. Qua đó, có thể thấy rằng, do nằm ở một vị trí thuận lợi cho buôn bán trao đổi hàng hóa mà vùng đất này có sức hút với thương lái từ các tỉnh trong nước cũng như quốc tế đến đây. Các thuyền nhân từ các tỉnh trong nước chủ yếu là những người đến từ các cảng thị Mỹ Tho, Hà Tiên và Phú Xuân. Đây đều là những vùng buôn bán phát triển nhộn nhịp và có thương nghiệp phát triển mạnh. 

Theo sử sách ghi lại, nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu ở đây là lúa gạo, gỗ. Nguồn hàng nhập khẩu là đồ sứ Trung Quốc (đặc biệt là sứ Thanh), tơ lụa, vải bố, thuốc bắc và các loại dược phẩm, đồng để đúc chuông, gạch ngói, trang trí các loại vật liệu dùng để xây dựng chùa, miếu. Các mặt hàng chủ yếu ở Cù lao Phố là nông sản, hàng lâm sản khai thác được như: ngà voi, sừng tê giác, gạc nai, gân nai. Các loại dược thảo như: sáp ong, mật ong là những mặt hàng xuất khẩu rất được chủ thuyền buôn ưa chuộng đặt hàng, các loại khoáng sản như sắt, đá ong, cát; hàng mỹ nghệ thủ công như: Nữ trang bằng vàng bạc, vật dụng bằng đồi mồi, đóng thuyền, làm cột buồm bằng gỗ quý cũng là những mặt hàng xuất khẩu ở Cù lao Phố.

Ngoài ra, một số ngành nghề thủ công khác có thể kể đến như: Nghề dệt chiếu, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, nghề làm tinh bột… Những ngành nghề đa dạng được phát triển tại đây đã tạo ra một thị trường tiêu thụ và sản xuất rộng lớn cho cả vùng đất này. Vừa tận dụng được nhân công sẵn có (người địa phương), vừa khai thác được sản vật địa phương và đem ra trao đổi hàng hóa.

Dưới góc độ an ninh, cảng thị Cù lao Phố cũng có những bất ổn với cuộc nổi dậy của Lý Văn Quang vào năm 1747, báo động một thời kỳ suy tàn của vùng đất này và kết thúc bởi cuộc đổ bộ của quân Tây Sơn vào năm 1776. Nhưng, nếu xét trong khoảng gần một thế kỷ (1679-1776) phát triển của mình, Cù lao Phố vẫn vươn lên tầm cao so với các cảng thị khác ở Đàng Trong bởi tính năng động trong thương mại, khả năng buôn bán của thương nhân Hoa kiều cũng như lượng sản vật và hàng hóa dồi dào mà vùng đất này cung cấp.

Minh Khôi

Tin xem nhiều