Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người thầy thầm lặng...

06:11, 20/11/2021

Đam mê nghề giáo, lựa chọn nghề giáo cho cả hành trình của cuộc đời mình, chính vì vậy mà nhiều thầy cô giáo đã không ngại khó khăn, luôn nguyện hết lòng làm tất cả vì học sinh thân yêu.

Đam mê nghề giáo, lựa chọn nghề giáo cho cả hành trình của cuộc đời mình, chính vì vậy mà nhiều thầy cô giáo đã không ngại khó khăn, luôn nguyện hết lòng làm tất cả vì học sinh thân yêu.

Cô Quách Thị Quế, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán  (trái) và cô Trần Thị Thanh Thảo, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thiện Tân nhận tuyên dương Giáo viên tiêu biểu toàn quốc do Bộ GD-ĐT tổ chức
Cô Quách Thị Quế, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán (trái) và cô Trần Thị Thanh Thảo, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thiện Tân nhận tuyên dương Giáo viên tiêu biểu toàn quốc do Bộ GD-ĐT tổ chức

Cô Trần Thị Thanh Thảo, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thiện Tân (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) là một trong 2 nhà giáo của Đồng Nai mới được Bộ GD-ĐT tuyên dương là Nhà giáo tiêu biểu năm 2021. Cô Thanh Thảo chia sẻ: “Hành trình 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, tôi chỉ có một mục tiêu phấn đấu duy nhất là vì học trò. Mục tiêu đó đã giúp tôi vượt qua được mọi khó khăn, sáng tạo trong giảng dạy và trưởng thành trong quản lý”.

Hết lòng vì học trò

Trước khi làm cán bộ quản lý, cô Thanh Thảo từng có 15 năm trực tiếp đứng lớp. Dù ở vị trí nào cô cũng suy nghĩ và cố gắng cống hiến, nỗ lực hết mình. Cô Thảo chia sẻ, làm nghề giáo chưa khi nào là nhàn hạ, bởi không chỉ đơn thuần là ngày 2 buổi cắp cặp đến trường mà luôn phải vận động, suy nghĩ làm sao để cô hoàn thành nhiệm vụ dạy tốt, còn trò hoàn thành nhiệm vụ học tốt, từ đó làm cho phong trào dạy tốt, học tốt trở nên hiệu quả. Cô Thảo lấy ví dụ, dạy học trong điều kiện bình thường khá thuận lợi, có thể đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh kéo dài trong thời gian qua đúng là một áp lực và thách thức rất lớn với giáo viên. “Chính vì vậy, với tư cách là một cán bộ quản lý mình phải luôn luôn sâu sát và đồng hành với giáo viên. Sẵn sáng thức khuya dậy sớm để tìm ra bằng được phương pháp dạy học phù hợp nhất cho học sinh” - cô Thanh Thảo bộc bạch.

Nhiều giáo viên Trường THCS Thiện Tân cho hay, khi còn là giáo viên, cô Thanh Thảo đã là một giáo viên đa năng, việc gì cũng có thể làm và làm tốt. Cô từng đoạt nhiều giải thưởng trong các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, đồng thời tích cực tham gia và đoạt giải tại các cuộc thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; hội thi tuyên truyền viên giỏi...

Cô Thanh Thảo chia sẻ thêm, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay đã gần 5 tháng, khu vực xã Thiện Tân nơi cô ở cũng là một điểm nóng về dịch bệnh với số ca nhiễm rất cao. Trong lúc khó khăn và nguy hiểm, thay vì ở nhà, cô Thanh Thảo đã cùng nhiều giáo viên của trường tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu ngày đêm chống dịch.

“Nhiều ngày giáo viên chúng tôi bám địa bàn hỗ trợ lực lượng y tế truy vết các trường hợp liên quan đến F0, sau đó lại tiếp tục chuyển sang tiêm vaccine. Chúng tôi còn tích cực vận động, ủng hộ của các mạnh thường quân cho “cuộc chiến” chống dịch của xã hàng trăm thùng mì, gần 5 tấn rau quả tươi…” - cô Thanh Thảo cho hay

Đồng hành với học sinh dân tộc

Trưởng thành từ mái trường dành cho học sinh dân tộc thiểu số - Trường phổ thông Dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán (tại H.Tân Phú), 10 năm trước, cô Quách Thị Quế lại có may mắn được trở về công tác tại chính ngôi trường này. Cô Quế giới thiệu: “Tôi là người con của dân tộc Mường, được nuôi dưỡng và trưởng thành như hôm nay là công lao của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng để có thêm nhiều học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh được học hành và trưởng thành hơn để đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ:

Xã hội dành sự tôn trọng và tôn vinh người thầy

Trong sự nghiệp trồng người, không có gì có thể đong đếm được hết những công lao đóng góp thầm lặng của những thầy cô giáo đang ngày đêm thầm lặng cống hiến. Chính đội ngũ thầy cô ở cơ sở đang là lực lượng nòng cốt để tiếp tục đẩy mạnh phong trào dạy tốt - học tốt và toàn xã hội vẫn đang tiếp tục trân trọng, tôn vinh những người thầy. Chúng tôi tin tưởng rằng, với tinh thần và trách nhiệm vì học sinh thân yêu, đội ngũ những nhà giáo của Đồng Nai sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, tiếp tục duy trì việc dạy và học trong đại dịch, đồng thời có sự chuẩn bị chu đáo cho ngày học sinh trở lại trường một cách an toàn.

Trong hành trình 10 năm gắn bó tại trường phổ thông dân tộc nội trú, mỗi năm kinh nghiệm đứng lớp của cô Quế lại được tích lũy nhiều hơn. Cô Quế chia sẻ: “Những năm đầu về công tác tại trường, tôi còn nhiều bỡ ngỡ vì kiến thức sách vở thì có nhưng kinh nghiệm thực tế chưa nhiều. Tôi đã cố gắng học hỏi từ nhiều thầy cô có kinh nghiệm đi trước và dần trở nên trưởng thành hơn. Những buổi dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số trên lớp thường không có định nghĩa hết giờ. Khi còn học sinh chưa hiểu hết bài, tôi sẵn sàng ở lại để giảng giải thêm cho các em. Có những em học sinh khi xa nhà vào học nội trú tại trường còn chưa quen, hay thiếu thốn tình cảm của người thân, gia đình, những giáo viên như chúng tôi luôn là những người bạn giúp các em tự tin hơn để hướng tới hành trình tương lai tươi đẹp ở phía trước”.

Là một giáo viên tuổi nghề chưa nhiều nhưng bảng thành tích thi đua dạy tốt, học tốt của cô giáo người dân tộc Mường thật đáng nể. Từ năm 2015 đến nay, năm nào cô cũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm học 2019-2020 cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm học 2020-2021 vừa qua cũng là năm cô tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới trong sự nghiệp trồng người khi được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, được H.Tân Phú tuyên dương tấm gương người tốt, việc tốt của huyện năm 2021.

Mới đây, cô Thảo là một trong những tấm gương giáo viên người dân tộc thiểu số của tỉnh Đồng Nai được Bộ GD-ĐT tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu. Cô Thảo chia sẻ: “Vinh dự cho tôi được chọn nghề giáo và được đứng trên bục giảng hằng ngày truyền đạt kiến thức  cho học sinh đồng bào mình. Tôi sẽ tiếp tục học tập nhiều hơn nữa, cố gắng nhiều hơn nữa để mỗi năm lại có thêm những lớp học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện trưởng thành, tự tin hướng về phía trước để cô tương lai tốt hơn”.

Người thầy của những phong trào

Vào đúng ngày 20-11, thầy Trần Văn Lập, giáo viên Tổng phụ trách đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) sẽ có hành trình ra thăm thủ đô Hà Nội và được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Bộ GD-ĐT tổ chức. Đây là chương trình tuyên dương dành cho đội ngũ thầy cô giáo có nhiều đóng góp đặc biệt, nhất là giáo viên các tỉnh miền núi, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… Thầy Lập chia sẻ: “Từ khi bước chân vào học ngành sư phạm rồi chính thức về Trường THCS Trần Hưng Đạo công tác hơn 15 năm nay, ngày nào tôi cũng cố gắng tìm niềm vui với chính nghề mà mình đã chọn. Tôi chỉ có một suy nghĩ làm sao cho các học trò của xã nông thôn Bảo Bình không chỉ có được kiến thức mà còn phải có kỹ năng vững vàng để trưởng thành hơn trong cuộc sống”.

Thầy Trần Văn Lập, giáo viên Tổng phụ trách đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) tham gia sửa chữa trường chuẩn bị đón học sinh trở lại lớp
Thầy Trần Văn Lập, giáo viên Tổng phụ trách đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) tham gia sửa chữa trường chuẩn bị đón học sinh trở lại lớp

Không chỉ ở Trường THCS Trần Hưng Đạo mà tại xã Bảo Bình, gần như phụ huynh nào cũng biết đến thầy Lập, một thầy giáo Tổng phụ trách Đội với nhiều sáng kiến tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Thầy cũng là “sợi dây” kết nối của nhiều mạnh thường quân thường xuyên giúp đỡ cho học sinh nghèo về sách vở, đồ dùng học tập, học bổng để ngăn chặn nguy cơ học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học.

Bước sang năm học mới 2021-2022, trước những ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19, thầy Lập đã trực tiếp cùng với lực lượng tuyến đầu chống dịch tham gia bảo vệ vùng xanh, giúp cho Bảo Bình luôn an toàn với dịch bệnh. Khi dịch bệnh bùng phát, học sinh không thể đến trường học trực tiếp, thầy Lập cũng là người đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với học sinh, thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Dù dịch bệnh nhưng những buổi phát thanh măng non và các chương trình ngoại khóa của Liên đội Trường THCS Trần Hưng Đạo vẫn đều đặn “lên sóng” trên mạng xã hội Facebook và YouTube hằng tuần.

Tâm sự về hành trình đến với nghề giáo, thầy Lập chia sẻ: “Nếu ai muốn giàu chắc hẳn không chọn nghề giáo viên, đặc biệt là giáo viên Tổng phụ trách Đội như tôi. Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất ngưỡng mộ hình ảnh của những thầy cô của mình. Họ thực sự là những tấm gương cao cả về sự nghiệp trồng người, lúc nào cũng hết lòng vì học sinh thân yêu. Ngày tôi tốt nghiệp Khoa Công tác đội của Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai), được phân công công tác về xã vùng sâu của H.Cẩm Mỹ, tôi không đắn đo mà nhận nhiệm vụ ngay. May mắn trên hành trình nghề nghiệp, tôi còn có người bạn đời luôn thấu hiểu và chia sẻ với nhau trong sự nghiệp trồng người đầy khó khăn, vất vả”.

Công Nghĩa


Cô Hoàng Thị Cát Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Phước An (H.Nhơn Trạch):

Nỗ lực đồng hành với học sinh vượt qua đại dịch

Đội ngũ nhà giáo chúng tôi đã từng gặp nhiều khó khăn, nhưng chưa khi nào chúng tôi lại gặp khó khăn lớn đến vậy bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài trong thời gian qua. Nhưng dù trong hoàn cảnh khó khăn thế nào đi nữa thì chúng tôi cũng sẽ luôn cô gắng. Thời gian qua, chúng tôi đã huy động gần như toàn bộ giáo viên tích cực tham gia chống dịch tại địa phương. Có những thời điểm các xã lân cận gặp khó khăn chúng tôi sẵn sàng điều giáo viên tham gia hỗ trợ. Qua đợt dịch bệnh có nhiều cán bộ, giáo viên của chúng tôi đã trưởng thành hơn, kinh nghiệm hơn và bản lĩnh hơn. Chẳng hạn như cán bộ y tế trường học của chúng tôi sau gần 3 tháng tham gia chống dịch trở về trường đã có rất nhiều kinh nghiệm để ứng phó với đại dịch Covid-19 khi sắp tới Trường THCS Phước An sẽ được chọn thí điểm cho học sinh trở lại trường.

Cô Nguyễn Thị Kim Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Long Bình (TP.Biên Hòa):

Trong khó khăn thầy cô giáo luôn là chỗ dựa cho học trò

Trong khó khăn của đại dịch Covid-19, cả xã hội đều trải qua những lo lắng. Chúng tôi không chỉ lo lắng cho bản thân, gia đình mà còn dành tình cảm cho các học sinh của mình. Những tháng ngày sống cùng với Covid-19 sẽ không thể nào quên được trong ký ức của chúng tôi. Đó là những ngày trường học dùng làm khu cách ly, thầy cô giáo rời xa bục giảng, trường lớp và học trò để tham gia chống dịch. Có những thầy cô tạm gác công việc gia đình, ngày ngày mặc trên mình bộ đồ bảo hộ, mồ hôi nhễ nhại để tham gia truy vết F0, F1, tiếp tế lương thực cho các khu cách ly, khu phong tỏa. Chúng tôi thực sự xúc động khi thấy các đồng nghiệp của mình sau những giờ làm việc kiệt sức ngồi tạm ở vỉa hè để nghỉ, ăn những hộp cơm cho thật nhanh để tiếp tục công việc. Trong khó khăn, thầy cô tiếp tục là chỗ dựa cho học sinh khi chính tay các thầy cô đóng vai “người vận chuyển” mang từng bộ sách giáo khoa đến tận tay học sinh để kịp cho năm học mới. Tôi tin rằng, khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, sẽ sớm có ngày thầy cô và các em học sinh gặp lại nhau ở ngôi trường quen thuộc. Và những khó khăn đã qua chỉ làm thầy cô và các em học sinh thêm mạnh mẽ…

Em Phạm Đỗ Đình Phát, học sinh lớp 12C1 Trường THPT Võ Trường Toản (H.Cẩm Mỹ):

Biết ơn thầy cô

Năm nay do tình dịch Covid-19 phức tạp nên từ đầu năm học đến giờ chúng em đều phải học online. Thật sự thì những buổi đầu em thấy nhiều thầy cô còn bỡ ngỡ, chưa quen với công nghệ, cả học sinh chúng em cũng vậy. Đến nay, sau 10 tuần học thì việc dạy và học online đã trở nên quen thuộc.

Cá nhân em thấy rằng các thầy cô đã cố gắng rất nhiều trong dạy học online. Ngoài việc soạn bài trình chiếu hấp dẫn để thu hút học sinh hơn thì thầy cô còn tổ chức các gameshow nhỏ trong giờ học thông qua các ứng dụng như: Quizziz, Azota… để giúp chúng em ghi nhớ bài tốt hơn. Các bạn tham gia tích cực hoặc trả lời được câu hỏi khó thì được cộng điểm. Bạn nào chưa tham gia hoặc còn rụt rè thì thầy cô động viên các bạn tham gia.

Năm nay là năm cuối cấp nhưng lại phải học online nên em và các bạn có phần lo lắng, áp lực. Hiểu được điều này, các thầy cô không chỉ cố gắng để dạy tốt hơn mà còn động viên, cổ vũ, giúp chúng em bớt căng thẳng. Em nghĩ là các cô phải thật sự tâm huyết thì mới có nhiều cố gắng như vậy trong dạy học. Cá nhân em biết ơn thầy cô vì những nỗ lực không mệt mỏi để chúng em tạm dừng đến trường nhưng không dừng học.

Thành Nam - Hải Yến (ghi)


 

Tin xem nhiều