Báo Đồng Nai điện tử
En

Trường tồn

10:04, 26/04/2015

Các dòng sông hầu hết đều đổ ra biển. Từ bao đời, sông được xem là một thành phần quan trọng trong vòng tuần hoàn nước, nó thu gom từ nước mưa chảy tràn, hoặc ở những địa hình trên cao rồi lại vận chuyển ra đại dương.

Các dòng sông hầu hết đều đổ ra biển. Từ bao đời, sông được xem là một thành phần quan trọng trong vòng tuần hoàn nước, nó thu gom từ nước mưa chảy tràn, hoặc ở những địa hình trên cao rồi lại vận chuyển ra đại dương.

Cơ bản của dòng chảy là thế, song rắc rối ở chỗ các dòng sông đều hứng chịu tác động của con người, dẫn đến ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Giả sử, một dòng sông từ thượng nguồn tới hạ lưu không bị ai “quấy rầy” thì nó cũng chỉ hoàn thành sứ mạng của dòng chảy là vận chuyển nước ra biển. Ngược lại, nếu những người vô ý thức đều tống khứ mọi thứ rác rưởi xuống sông thì chắc chắn nó sẽ bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Khác nhau ở đây là nếu nguồn nước bị ô nhiễm nặng thì dòng sông ấy sẽ… thoi thóp. Tuy nhiên, nước bị ô nhiễm ở mức độ không nghiêm trọng thì khắc phục một thời gian là có thể trả lại dòng sông nguồn nước trong xanh. Bởi sông hay biển đều diễn ra thủy triều trong ngày, đó là hiện tượng nước biển, nước sông lên, xuống trong một chu kỳ thời gian phụ thuộc vào biến chuyển thiên văn.

Trăn trở về sông Đồng Nai quê mình, một bạn đọc tên Châu Long, ngụ gần bờ sông đoạn thuộc khu vực huyện Vĩnh Cửu gửi tới Báo Đồng Nai bài viết tay 6 trang với những cảm xúc chân thật. Ông Long viết: “Hàng trăm năm qua, sông Đồng Nai không có gì thay đổi lớn. Ở huyện Vĩnh Cửu, vào khoảng tháng 7 âm lịch thì nước mưa, nước sông Đồng Nai từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng khá cao, chảy tràn vào những cánh đồng trắng xóa nên được gọi là con nước bạc, kéo dài cả tháng rất thuận lợi cho làm ruộng. Khi thủy điện Trị An được xây dựng, con nước bạc không còn nhưng đổi lại là tạo ra nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế. Không còn con nước bạc, nông dân huyện Vĩnh Cửu dần thích nghi với cuộc sống mới, thay ruộng thành vườn và hiệu quả sản xuất như nhau. Về mặt địa lý, dòng sông tự nó hình thành, đó là quà tặng của tự nhiên. Sông tồn tại để cộng sinh cùng các loại sinh vật dưới nước, tạo ra bức tranh sinh động về môi trường sinh thái. Đáng tiếc là thời gian qua, ở những thời điểm nhất định sông Đồng Nai bị ô nhiễm mà cơ bản do con người “vô cảm” với nó. Sự vô cảm này xuất phát từ ý thức của một bộ phận người dân khi xả chất thải xuống sông gây ô nhiễm nguồn nước. Thế nhưng, dù sông có bị ô nhiễm (nhẹ) thì tự nó cũng sẽ đào thải chất bẩn theo quy luật của tự nhiên, đó là sự thay đổi lực hấp dẫn để tạo ra hiện tượng nước lên (triều lên) và nước rút (triều xuống) vào những khoảng thời gian nhất định trong một ngày...”.

Thời gian gần đây, mặc dù sông Đồng Nai chỉ bị ô nhiễm nhẹ nhưng đã có không ít lời đàm tiếu về dòng sông này. Nào là dòng sông bị bức tử; sông Đồng Nai chết chắc; ai đã giết sông Đồng Nai?… Đó là sự võ đoán quá đà. Đối với việc ngăn sông Đồng Nai để làm thủy điện Trị An, trước đây cũng có nhiều ý kiến… “bàn ra”, nhưng công trình vẫn được thực hiện. Trải qua hàng chục năm hoạt động, nó không đủ sức “bức tử” sông Đồng Nai như một số người trước đây đã nói. Chính vì vậy, sông Đồng Nai mãi mãi trường tồn để tiếp tục xuôi dòng phục vụ cuộc sống xã hội.

Tạ Nguyên

 

Tin xem nhiều