Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi chủ đầu tư 'đem con bỏ chợ'

08:02, 20/02/2023

Nhiều khách hàng của Tập đoàn Địa ốc Novaland đang "ngồi trên lửa" khi một số công ty thành viên phát đi thông tin không thể tiếp tục hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho các khách hàng đã mua sản phẩm nhà, đất trong thời gian qua.

Nhiều khách hàng của Tập đoàn Địa ốc Novaland đang “ngồi trên lửa” khi một số công ty thành viên phát đi thông tin không thể tiếp tục hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho các khách hàng đã mua sản phẩm nhà, đất trong thời gian qua. Thông tin này làm khách hàng rất lo lắng vì việc dừng hỗ trợ lãi suất gây nhiều khó khăn cho họ trong giai đoạn lãi suất đang tăng cao. Nếu thanh lý hợp đồng trước hạn, phần thiệt cũng thuộc về khách hàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Hỗ trợ lãi suất” là một trong những hình thức “khuyến mãi” được nhiều chủ đầu tư địa ốc sử dụng trong thời gian qua để bán được hàng. Về bản chất, đây cũng là hình thức giảm giá một cách gián tiếp (không trực tiếp giảm giá trên sản phẩm mà sẽ hỗ trợ một phần lãi suất vay cho khách mua nhà, nhằm có sự cam kết thanh toán dài hạn hơn của khách và nhẹ bớt áp lực tài chính cho chủ đầu tư). Tuy nhiên, kiểu hỗ trợ này có thể bị dừng nếu chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

Trên Báo Tuổi Trẻ, đại diện Novaland giải thích, họ không “bỏ rơi” khách hàng mà là đề xuất thay đổi hình thức chi trả bằng việc khách hàng tự thanh toán lãi vay ngân hàng các đợt còn lại, hoặc tất toán khoản vay bằng vốn tự có trong thời gian hỗ trợ lãi suất (mà chủ đầu tư đã cam kết).

Novaland sẽ thanh toán lại toàn bộ số tiền lãi vay mà khách hàng thanh toán cộng chi trả thêm tiền lãi theo lãi suất 12%/năm trên số tiền mà khách hàng đã tự thanh toán với ngân hàng. Số tiền này sẽ được công ty chi trả cấn trừ vào các đợt thanh toán đến hạn của khách hàng, ví dụ như vào đợt nhận bàn giao nhà hoặc đợt nhận giấy chứng nhận. Với hình thức này, tập đoàn cho rằng khách hàng sẽ không bị thay đổi các quyền lợi giá trị tương đương.

Tuy nhiên, ai cũng hiểu, khách hàng đang không “nắm đằng chuôi”. Nghĩa là đầu tiên họ phải kiếm tiền trả lãi thay vì chủ đầu tư trả như đã cam kết, trong bối cảnh lãi suất vay đang rất cao. Về lâu dài, tập đoàn có hoàn trả được khoản tiền đã hứa như đã cam kết hay không cũng chưa thể nói trước. Nếu chọn cách bán sản phẩm đã mua, khách hàng càng thiệt hơn vì giá bất động sản đang giản mạnh, mà chưa chắc đã bán được trong bối cảnh thị trường này đang đóng băng.

Nhìn nhận một cách khách quan thì trong bối cảnh hiện tại, Novaland không phải là doanh nghiêp địa ốc duy nhất gặp khó khăn về tài chính. Đầu tháng 2-2023 vừa qua, một loạt tập đoàn bất động sản lớn đã phải kêu cứu với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vì khó tiếp cận vốn vay, dòng tiền gặp khó, sản phẩm không bán được…

Doanh nghiệp khó đã đành, nhưng người mua sản phẩm càng khó khăn hơn nếu chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”. Nhìn rộng ra, không chỉ nhà đất mà khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu… của một số doanh nghiệp lớn cũng đang lao đao khi chủ doanh nghiệp bị bắt, thị trường khó khăn, sản phẩm đã mua không thể chuyển nhượng… Mà cho đến lúc này, những gì khách hàng nhận được là những lời hứa hoặc trấn an không lấy gì làm chắc chắn “sẽ nỗ lực giải quyết”, “mong khách hàng chia sẻ và chờ đợi”… mà không biết sẽ đợi đến bao giờ trong khi tiền đầu tư đã bỏ ra và ngày “lấy lại vốn” còn khá “mịt mù”.

Vi Lâm

Tin xem nhiều