Cha mẹ chúng tôi đều đã mất, di sản để lại là căn nhà và hơn 2 ngàn m2 đất nông nghiệp. Chúng tôi có 3 anh chị em ruột, đều chưa có gia đình và vẫn sống trong căn nhà, đất của cha mẹ.
Hỏi: Cha mẹ chúng tôi đều đã mất, di sản để lại là căn nhà và hơn 2 ngàn m2 đất nông nghiệp. Chúng tôi có 3 anh chị em ruột, đều chưa có gia đình và vẫn sống trong căn nhà, đất của cha mẹ. Vừa rồi, nhân dịp giỗ lần thứ hai của cha chúng tôi, 2 người anh ruột của cha và chị của cha có họp lại và lập “biên bản họp gia tộc” với nội dung là đồng ý để lại toàn bộ di sản của cha mẹ tôi cho người cô (chị của cha). Trong biên bản họp gia tộc chỉ có 3 người nói trên có mặt và ký tên. Họ bảo anh chị em chúng tôi phải thu xếp để giao toàn bộ di sản mà cha mẹ để lại cho người cô theo như nội dung “biên bản họp gia tộc”. Nếu chúng tôi không đồng ý thì họ sẽ kiện ra tòa và họ chắc thắng vì là anh chị ruột của cha chúng tôi. Hiện giờ chúng tôi hết sức hoang mang, không biết các bác ruột và cô ruột làm vậy đúng hay sai?
Bảo Châu (huyện Định Quán)
Trả lời: Pháp luật dân sự hiện hành không quy định nội dung “giấy họp gia tộc”, hoặc “biên bản họp gia tộc”. Chính vì luật không quy định nên không thể nói trong gia tộc bao gồm những ai.
Để quyết định số phận pháp lý của di sản mà người chết để lại thì có 2 cách hưởng thừa kế. Một là hưởng thừa kế theo di chúc nếu người chết có để lại giấy tờ hợp pháp. Hai là hưởng thừa kế theo pháp luật, nghĩa là người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp và những người ở cùng hàng thừa kế không thỏa thuận được việc phân chia di sản, phải khởi kiện để tòa án xét xử. Mặt khác, pháp luật về thừa kế cũng quy định những người được hưởng thừa kế thuộc 3 hàng thừa kế. Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột gọi người chết là ông nội, bà nội hay ông ngoại, bà ngoại. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cô ruột, cậu ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột gọi người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột.
Trường hợp của các bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất, được hưởng di sản của cha mẹ để lại. Xin được nói rõ thêm, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu ở hàng thừa kế trước đó không còn ai; hoặc đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Tóm lại “biên bản họp gia tộc” mà bác, cô các bạn lập không có giá trị pháp lý. Các bạn là những người được hưởng di sản thừa kế ở hàng thứ nhất nên cứ yên tâm, không ai ngăn cản quyền này được.
Chúc các bạn gặp may mắn!
LS.Nguyễn Đức