Vì cần tiền làm vốn để phát triển sản xuất, tôi cần vay 50 triệu đồng. Biết được yêu cầu này nên người hàng xóm của tôi bày cách vay giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đó rồi ký tên vào toàn bộ hồ sơ là được.
Hỏi: Vì cần tiền làm vốn để phát triển sản xuất, tôi cần vay 50 triệu đồng. Biết được yêu cầu này nên người hàng xóm của tôi bày cách vay giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đó rồi ký tên vào toàn bộ hồ sơ là được. Hoàn tất thủ tục, tôi được ngân hàng cho vay 40 triệu đồng, hiện cũng đã trả xong nợ gốc và lãi. Vừa rồi tòa án triệu tập tôi đến lấy lời khai, sau đó tham dự phiên xét xử quyết định người hàng xóm của tôi phải trả nợ vay 200 triệu đồng. Nếu họ không trả được nợ thì ngân hàng sẽ đề nghị cơ quan thi hành án phát mãi quyền sử dụng đất của tôi. Tôi rất lo lắng, bởi lẽ tôi chỉ vay 40 triệu đồng, mà bây giờ phải trả 200 triệu đồng thì quá oan ức.
Trần Hoài Thu (huyện Định Quán)
Trả lời: Thực ra, câu chuyện bạn nêu là tình trạng chung của nhiều người do cần tiền làm vốn nên giao giấy tờ nhà, đất cho người khác làm thủ tục vay. Họ đã lợi dụng giấy tờ người khác đưa để vay số tiền lớn, nhưng chỉ giao lại cho người có tài sản thế chấp một phần tiền. Thực tế, đây là hợp đồng vay tiền mà bạn là người bảo lãnh bằng tài sản của chính bạn. Trong khi hợp đồng thế chấp gồm 3 bên: bên cho vay là ngân hàng, bên vay là người đi làm dịch vụ vay tiền và bên bảo lãnh là bạn. Theo đó, người vay tiền không trả được nợ vay thì ngân hàng sẽ đề nghị xử lý tài sản thế chấp để thu hồi lại nợ. Cuối cùng, bên bị thiệt chính là người đã cung cấp giấy tờ nhà, đất như bạn đã đưa cho người hàng xóm nọ.
Nếu như tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án thì bạn nên có đơn kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại vụ án. Bạn có thể nhờ luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn tại phiên tòa phúc thẩm.
Nhân đây, xin được lưu ý với bà con mình rằng hãy thật cẩn thận khi giao giấy tờ nhà đất cho người khác vay tiền. Khi ký vào các chứng từ giao dịch với ngân hàng phải đọc kỹ, chỗ nào không hiểu thì hỏi lại và nếu thấy có nội dung không rõ ràng thì từ chối làm thủ tục theo dạng này. Tốt nhất là phải hiểu thật đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng vay tiền để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
LS.Nguyễn Đức