Thời nước ta còn bị nhà Đường đô hộ, có viên quan cai trị là Lý Trác tham lam tàn bạo, ức hiếp quá mức để mua rẻ bò và ngựa của đồng bào các dân tộc ít người, lại giết tù trưởng của họ là Đỗ Tồn Thành, đã gây ra cuộc xung đột với người dân tộc ở đây và với Nam Chiếu (bấy giờ vùng Tây Nam Trung Quốc và một phần vùng Tây Bắc nước ta là lãnh thổ của nước Nam Chiếu).
Thời nước ta còn bị nhà Đường đô hộ, có viên quan cai trị là Lý Trác tham lam tàn bạo, ức hiếp quá mức để mua rẻ bò và ngựa của đồng bào các dân tộc ít người, lại giết tù trưởng của họ là Đỗ Tồn Thành, đã gây ra cuộc xung đột với người dân tộc ở đây và với Nam Chiếu (bấy giờ vùng Tây Nam Trung Quốc và một phần vùng Tây Bắc nước ta là lãnh thổ của nước Nam Chiếu).
Tình hình nước ta trở nên rất căng thẳng. Vua nhà Đường vừa cử Sái Kinh sang làm đô hộ nước ta, vừa sai Sái Tập đem quân sang để đánh nhau với Nam Chiếu. Mùa hạ, tháng 5 (năm Nhâm Ngọ 862), quan giữ chức Lĩnh Nam Tiết độ sứ là Sái Kinh thấy Sái Tập chuẩn bị đem quân các đạo tới chống cự với quân Man (chỉ chung quân Nam Chiếu và dân binh các dân tộc ít người), sợ rằng Sái Tập sẽ lập được công to, bèn tâu với vua (nhà Đường) rằng:
- Quân Man đã trốn xa, biên giới nay chẳng còn gì phải lo nữa. Kẻ vũ phu kia chỉ cầu công danh, xin càn quân sĩ đi đóng ở nơi biên ải, tốn phí quân lương và mệt nhọc chuyên chở, vả chăng, chốn hiểm yếu xa xôi thật khó bề kiểm soát, sợ có sự gian trá sẽ xảy ra, vậy, xin cho (Sái Tập) bãi binh, quân thuộc đạo nào xin trả về đạo ấy.
Vua Đường nghe theo. Sái Tập nhiều lần tâu rằng:
- Quân Man chỉ nhằm lúc sơ hở để đánh, ta không thể lơ là việc phòng bị. Vậy, xin cho được giữ lại năm ngàn quân để lo đóng giữ.
Vua Đường không nghe.
Mùa thu, tháng 7 (năm Nhâm Ngọ 862), Sái Kinh vì làm việc hà khắc, khắp cõi đều oán, quân sĩ nổi giận mà đuổi hắn đi. Triều đình biến hắn làm chức Tư hộ ở châu Nhai. Hắn không chịu đi nhận chức nên vua Đường xuống chiếu bắt phải tự tử. Mùa đông, tháng 10 (năm Nhâm Ngọ 862), người Man cùng Nam Chiếu đem năm vạn quân đến đánh, Sái Tập cáo cấp về triều đình. Vua nhà Đường sai quân lính sang tiếp viện. Bấy giờ, quân Nam Chiếu đã bao vây phủ thành của Sái Tập, cho nên, quân cứu viện không sao đến được. Mùa xuân tháng giêng (năm Quý Mùi 863), quân Nam Chiếu đánh chiếm được phủ thành, các tướng tả hữu của Sái Tập đều chết cả. Sái Tập chạy bộ, cố sức đánh, thân mình bị trúng những mười mũi tên. Sái Tập muốn nhảy xuống thuyền của viên Giám quân để chạy trốn, nhưng thuyền đã chạy ra xa bờ, bèn cùng với cả nhà, gồm bảy chục người, nhảy xuống biển mà chết. Sau này, Nam Chiếu hai lần đánh chiếm Giao Châu, lần nào cũng thủ thắng.
Đọc lại sách xưa, thấy bừng lên niềm tự hào truyền thống đánh giặc của cha ông. Trên lý thuyết, quan quân nhà Đường thua vì 2 viên tướng Sái Kinh, Sái Tập tranh công, bất hòa. Nhưng chắc chắn ai cũng hiểu rằng đây không phải nguyên nhân chính, mà dân ta với lòng căm thù giặc, tinh thần quật cường đã vùng lên đánh đuổi ngoại xâm. Suốt ngàn năm Bắc thuộc, có lúc nào không nổi lên các cuộc khởi nghĩa, từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu cho đến Phùng Hưng, Mai Thúc Loan, Lý Bí... Mong rằng, Bộ GD-ĐT “tích hợp” môn Lịch sử như thế nào cũng đừng làm nhạt nhòa những trang sử oai hùng như vậy.
Trực Tử