Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày Tết của nhân viên y tế

03:01, 18/01/2023

Tết đến, Xuân về là dịp người lao động ở hầu hết các ngành nghề được nghỉ ngơi, sum họp đầm ấm bên gia đình, người thân sau một năm làm việc vất vả. Nhưng với các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, công việc những ngày Tết còn bận rộn, vất vả hơn ngày thường rất nhiều.

Tết đến, Xuân về là dịp người lao động ở hầu hết các ngành nghề được nghỉ ngơi, sum họp đầm ấm bên gia đình, người thân sau một năm làm việc vất vả. Nhưng với các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, công việc những ngày Tết còn bận rộn, vất vả hơn ngày thường rất nhiều.

Máy siêu âm hiện đại được đưa vào sử dụng tại Khoa Khám, điều trị theo yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Máy siêu âm hiện đại được đưa vào sử dụng tại Khoa Khám, điều trị theo yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất

* Thường xuyên đón Tết ở bệnh viện

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh hiện có 51 cán bộ, nhân viên gồm: 16 bác sĩ, 28 điều dưỡng, còn lại là hộ lý và nhân viên tiếp sức. Trong số này, có nhiều người quê ở miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên đã nhiều năm chưa được về quê dịp Tết Nguyên đán.

Điều dưỡng Phạm Thị Hằng, quê tỉnh Nghệ An cho biết, chị làm tại Khoa Cấp cứu đã được 9 năm và chưa có năm nào được về quê dịp Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là năm nào chị Hằng cũng cùng đồng nghiệp trực cấp cứu. Mặc dù nhớ nhà, nhớ quê, nhớ không khí rộn ràng những ngày Tết Nguyên đán nơi cha mẹ, người thân đang sinh sống nhưng chị Hằng đành gác lại niềm riêng, hẹn mẹ cha vào dịp khác sẽ về thăm.

Thường xuyên trực cấp cứu vào đêm 30, sáng mùng 1 Tết tại bệnh viện, BS Hồ Văn Hải, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ, 2/3 cán bộ, nhân viên trong khoa còn rất trẻ, chưa lập gia đình nên những ngày Tết thường mong được về quê. Tuy nhiên, do tính chất công việc nên hầu hết các anh chị em đều phải ở lại TP.Long Khánh, chờ một dịp nào đó trong năm được nghỉ phép mới về quê.

BS NGUYỄN XUÂN HOÀNG, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đề xuất: “Ngày Tết, ai cũng muốn ở nhà sum vầy với gia đình nhưng đặc thù công việc của ngành Y nên các y, bác sĩ khi đã chọn gắn bó với ngành đều phải chấp nhận. Chúng tôi hy vọng chế độ trực Tết Nguyên đán của nhân viên y tế ở bệnh viện công lập sẽ được điều chỉnh để phù hợp, tương xứng với công sức bỏ ra, để các bác sĩ, điều dưỡng cảm thấy an tâm hơn trong công tác”.

Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại bệnh viện tăng cao. Hiện nay, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận cấp cứu cho 170-180 bệnh nhân, nhưng đến Tết số bệnh nhân lên đến 200, chủ yếu là tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu, tai nạn sinh hoạt, đánh nhau, ngộ độc thực phẩm... Do vậy, tất cả bác sĩ, điều dưỡng trong kíp trực phải làm việc cật lực.

Đã 11 năm chưa được về Quảng Trị dịp Tết Nguyên đán, BS Hải tâm sự, cha mẹ anh đều đã lớn tuổi, các anh chị em của anh đang ở quê nên hàng năm, mỗi khi không khí Tết tràn về, lòng anh lại bồi hồi xao xuyến, nhớ nhà, nhớ quê.

Khi được hỏi lý do không sắp xếp để xin nghỉ phép về quê, BS Hải nói, số lượng bác sĩ trong khoa không nhiều, nếu anh xin nghỉ phép thì những người còn lại phải gồng gánh công việc rất vất vả. Bởi vậy, BS Hải không đành lòng, chấp nhận gác lại niềm riêng để cùng mọi người thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, không dám lơ là. Tranh thủ những lúc vắng bệnh nhân, BS Hải thường gọi điện về nhà để hỏi thăm, chúc sức khỏe cha mẹ, người thân. Mặc dù mạnh mẽ là thế nhưng có những lúc anh không cầm được nước mắt.

* Phải luôn mở chuông điện thoại

BS CKII Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, dịp nghỉ Tết Nguyên đán, các phòng khám đa khoa tư nhân đều đóng cửa. Là bệnh viện tuyến cuối trong tỉnh nên Tết năm nào Khoa Cấp cứu của bệnh viện cũng tiếp nhận số lượng bệnh nặng từ các địa phương và các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên rất nhiều.

Những ngày Tết Nguyên đán, ngoài kíp trực thông thường (gồm 6 bác sĩ, 20 điều dưỡng), Khoa Cấp cứu còn bổ sung một kíp trực thường trú. Kíp trực này gồm những bác sĩ, điều dưỡng không phải trong ca trực, có thể ở nhà nhưng phải luôn luôn mở điện thoại để bất kể khi nào bệnh viện gọi điện và cần sẽ có mặt trong vòng 30 phút.

BS Hồ Văn Hải, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh khám cho bệnh nhân
BS Hồ Văn Hải, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh khám cho bệnh nhân

Do số lượng bệnh nhân cấp cứu dịp Tết Nguyên đán nhiều hơn ngày thường, nhiều ca nặng nên yêu cầu đối với bác sĩ trưởng tua trực là phải có chuyên môn vững, có kinh nghiệm trong giao tiếp, uy tín trong kíp trực để có thể xử lý tốt những tình huống khó hoặc phản ứng từ phía người nhà bệnh nhân.

Trong trường hợp bệnh nhân đông đột xuất thì trực lãnh đạo bệnh viện sẽ huy động nhân viên ở các khoa, trại khác trong bệnh viện đến Khoa Cấp cứu để tăng cường.

“Tôi làm việc ở bệnh viện đã được 15 năm và có 5 năm làm ở Khoa Cấp cứu. 5 năm qua, tôi chưa được về quê Hà Tĩnh đón Tết, vì dù có trực ở bệnh viện hay không thì điện thoại vẫn luôn phải mở chuông, và nếu bệnh viện cần hỗ trợ thì phải có mặt trong vòng 30 phút” - BS Hoàng chia sẻ.

Chị Thị Tuyết Nhung, điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tâm sự, hiểu được những tâm tư, cảm xúc của y, bác sĩ xa quê không được về, ngoài việc tổ chức gặp mặt giao lưu trong khoa, lãnh đạo khoa và các đồng nghiệp khác luôn động viên, hỏi thăm để các y, bác sĩ xa quê vơi đi nỗi nhớ nhà và cảm thấy được không khí Tết tại bệnh viện bên đồng nghiệp.

* Mong sao bệnh nhân chóng khỏi, xuất viện về nhà

BS CKII Huỳnh Thị Thanh, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, do tính chất công việc nên trước và sau Tết Nguyên đán 15 ngày, tất cả bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên trong khoa đều không được nghỉ phép, chỉ trừ những trường hợp bất khả kháng.

BS HỒ VĂN HẢI, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ: “Điều mà chúng tôi lo ngại nhất là những vụ tai nạn giao thông hàng loạt hoặc ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Có năm, vào đêm 30 Tết, anh em trong khoa vừa bày trái cây, bánh kẹo ra để cúng giao thừa thì nhân viên y tế chạy vào báo có trường hợp tai nạn giao thông rất nặng. Cả tua trực phải bỏ lại hết, khẩn trương tập trung cứu chữa cho bệnh nhân”.

Là một trong 4 khoa điều trị bệnh nặng trong bệnh viện nhưng công việc ở Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh đặc biệt hơn các khoa còn lại. Bởi ở đây, bệnh nhi là trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, có những trẻ vừa sinh ra nhưng mắc các bệnh lý phức tạp cũng được đưa vào để được chăm sóc, điều trị tích cực. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh những ngày thường đã vất vả, vào ngày Tết càng vất vả, áp lực hơn nhiều. Áp lực từ việc bệnh nặng, áp lực từ phía gia đình bệnh nhi. Do đó, các bác sĩ, điều dưỡng phải túc trực 24/24 giờ để theo dõi diễn tiến bệnh của bệnh nhi, kịp thời có biện pháp để can thiệp, xử lý.

Điều dưỡng Trần Tôn Nữ Anh Ty chia sẻ, 24 năm làm việc tại khoa, có nhiều năm chị chưa được về Thừa Thiên - Huế dịp Tết Nguyên đán phần vì công việc, phần vì chi phí đi lại những ngày Tết khá cao. Những ngày cuối năm, người phụ nữ thường tất bật lo dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, trang trí nhà cửa để đón Tết nhưng với các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa, họ phải tranh thủ làm những việc đó từ trước hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của chồng, con. Chính bởi vậy, để gắn bó với nghề Y, ngoài tình yêu nghề, yêu người, các bác sĩ, điều dưỡng rất cần sự cảm thông, chia sẻ từ phía gia đình, xã hội.

BS Nguyễn Văn Sửu, Trưởng khoa Cấp cứu - khám bệnh, Phụ trách Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, có những trường hợp bệnh nặng, cả kíp trực phải tập trung cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhi liên tục từ đêm 30 đến sáng mùng 1 Tết. Với những bệnh nhi được cấp cứu qua cơn nguy kịch, cả ê-kíp cảm thấy vui sướng, thở phào nhẹ nhõm, xem như đó là niềm hạnh phúc đầu năm mới. Ngược lại, có những ca bệnh quá nặng, dù cả ê-kíp đã dốc sức cứu chữa nhưng không qua khỏi khiến tâm trạng của các y, bác sĩ nặng nề, buồn bã.

Một ca phẫu thuật với các thiết bị tiên tiến được thực hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai
Một ca phẫu thuật với các thiết bị tiên tiến được thực hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai

“Chúng tôi mong sao những ngày nghỉ Tết, các bậc phụ huynh hạn chế sử dụng bia, rượu, khi đã uống rượu, bia thì không lái xe, bởi phía trước tay lái là sự sống không chỉ của bản thân mà của cả những người thân trong gia đình, của các con nhỏ. Bên cạnh đó, các gia đình khi đưa con đi du Xuân cần để mắt tới các con, tránh bị những tai nạn đáng tiếc. Chế độ ăn uống trong những ngày Tết cũng cần được quan tâm hơn, hạn chế ăn những đồ ăn nhanh, nóng, tăng cường ăn rau xanh, hài hòa đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho các con, tránh phải nhập viện vì bất kỳ lý do gì” - BS Sửu nhắn nhủ.           

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích