Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội ngộ lính Ban Kinh tài

09:07, 09/07/2020

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975, những người lính Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh (giai đoạn 1961-1975) vẫn tổ chức gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm một thời hoạt động cách mạng ở những chiến khu trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975, những người lính Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh (giai đoạn 1961-1975) vẫn tổ chức gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm một thời hoạt động cách mạng ở những chiến khu trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay.

Những người lính Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh cùng chụp ảnh lưu niệm buổi họp mặt ở TP.Biên Hòa tháng 7-2020. Ảnh: Đoàn Phú
Những người lính Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh cùng chụp ảnh lưu niệm buổi họp mặt ở TP.Biên Hòa tháng 7-2020. Ảnh: Đoàn Phú

Ông Nguyễn Hồng Quang (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng ban Liên lạc) cho biết, Ban Kinh tài được thành lập năm 1961 vào thời điểm cam go nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1961-1975, Ban vừa làm nhiệm vụ vận động sức đóng góp tài chính trong nhân dân, vừa nghiên cứu đường lối và biện pháp đảm bảo cung cấp, vận chuyển tiền mặt về các khu căn cứ và chống chính sách bao vây, lũng đoạn kinh tế của địch. Từ đó góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

* Cuộc hội ngộ lần thứ 10

Riêng Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh có nhiệm vụ thu thuế, phân bổ ngân sách, kho bạc... tại các vùng do cách mạng kiểm soát như: Căn cứ 4, Chiến khu Đ (tỉnh Đồng Nai), Bình Châu, Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)... Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất những người lính trong Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh trở về công tác, làm việc, sinh sống ở nhiều tỉnh, thành nhưng với tinh thần đồng đội, các thành viên vẫn cố gắng liên lạc để có những buổi gặp mặt truyền thống, ôn lại kỷ niệm xưa.

Tháng 7-2020, cuộc hội ngộ của những người lính Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh được tổ chức tại nhà riêng của luật sư Nguyễn Đức, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai.

Ông Nguyễn Hồng Quang bày tỏ, năm 1976, Ban liên lạc Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh được thành lập. Lần họp mặt đầu tiên được tổ chức tại Khu du lịch Hàng Dương - Long Hải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), còn có hơn 150 đồng đội. Các năm tiếp theo thì thưa thớt dần. Lần gặp mặt này là lần thứ 10  nhưng lần nào gặp lại mọi người cũng vỡ òa cảm xúc, kỷ niệm những ngày gian khổ, nghĩa tình ở chiến khu lại hiện về.

“Đến năm 2012, Ban liên lạc chúng tôi chỉ còn 96 người. Từ đó đến nay mất 19 người, 9 người già yếu và một số người bận chuyện gia đình nên cuộc họp mặt năm nay chỉ còn 30 người. Chiến tranh và thời gian đã lấy đi của chúng tôi rất nhiều đồng đội nhưng trong tâm trí chúng tôi không bao giờ quên được họ, những người anh em, đồng đội một thời sinh tử” -  ông Quang tâm sự.

Xúc động khi nghe Trưởng ban Liên lạc Nguyễn Hồng Quang nhắc về những đồng đội đã mất, luật sư Nguyễn Đức bùi ngùi nhớ lại thủ trưởng Lê Thành Ba (mất năm 2016, Trưởng ban Kinh tài). Đó là một vị thủ trưởng nghiêm khắc nhưng rất thương lính trẻ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Lê Thành Ba giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau vài lần gặp gỡ những người lính cũ của mình, đến năm 2016 thì ông qua đời.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, ngoài thủ trưởng Lê Thành Ba, buổi họp mặt hôm nay sẽ mãi mãi vắng mặt những đồng đội thân thương như: Nguyễn Văn Bảy, Bùi Văn Hạnh (mất năm 2011); Trần Văn Hạnh (mất năm 2012); Mai Văn Hồng (mất năm 2014); Trần Minh Tường, Lê Văn Du (mất năm 2016); Hoàng Minh Liên, Nguyễn Thành Lập (mất năm 2017)...

“Trong 77 người còn sống và còn liên lạc được thì có 9 người bệnh tật hiện đang nằm một chỗ. Khi biết tin năm 2020, Ban liên lạc sẽ họp mặt tại nhà tôi, những người không đi được do bị bệnh đã gọi điện cho tôi gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe mọi người” - luật sư Đức nói.

* Kỷ niệm xưa ùa về

Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh thời kỳ 1960-1975 bám các chiến khu Đ, Xuyên Mộc, Bình Châu... triển khai công tác thu thuế khai thác lâm sản, cao su thuộc các khu vực rừng do cách mạng chiếm giữ và cung cấp nhu yếu phẩm cho bộ đội tỉnh Bà Rịa - Long Khánh.

Những người lính Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh xem lại hình ảnh những lần họp mặt trước đó. Ảnh: Đoàn Phú
Những người lính Ban Kinh tài tỉnh Bà Rịa - Long Khánh xem lại hình ảnh những lần họp mặt trước đó. Ảnh: Đoàn Phú

Ông Văn Hồng Thanh (kế toán Kho bạc Ban Kinh tài, nguyên Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kể, ngoài bộ phận văn phòng, y tế, quân nhu... Ban Kinh tài có 5 trung đội thu thuế. Các chiến sĩ trong trung đội đều được trang bị súng B40, M79, AK để phòng ngừa trên đường đi công tác gặp địch thì phải chiến đấu.

“Lính kinh tài chúng tôi ngoài đấu tranh vũ trang còn phải tiếp dân, gặp dân để vận động góp sức cho cách mạng, nhờ mua nhu yếu phẩm. Do lính kinh tài gần dân, được dân thương nên anh em thường được dân cho sữa, đường, thuốc lá. Anh em đi công tác về đều chia cho anh em ở nhà. Mọi người trong đơn vị sống rất tình cảm, xem nhau như anh em trong gia đình” - ông Văn Hồng Quang tâm sự.

Vốn là người quý tình nghĩa, gan dạ trong chiến đấu, ông Nguyễn Thành Nghĩa (77 tuổi, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung đội trưởng B2) kể, năm 1972, trong khi làm nhiệm vụ ông bị bỏng xăng rất nặng.

Nhiều người tưởng ông Nghĩa hy sinh vì vết bỏng này nhưng ông vẫn kiên trì điều trị. Đến khi vết thương lành, ra nắng là bỏng rát da thịt, ông vẫn xung phong đi thu thuế và đánh đuổi địch ra khỏi khu vực rừng cách mạng kiểm soát.

Là người chứng kiến cảnh ông Nghĩa bị bỏng xăng, luật sư Nguyễn Đức tâm sự, sau ngày đất nước thống nhất, mỗi khi xe hết xăng ghé cây xăng đổ, ông lại nhớ tới hình ông Nghĩa bị bỏng xăng. Hình ảnh ông Nghĩa bị cháy đỏ rực như cây đuốc, đau đớn, vật vã nhưng ông vẫn vượt qua nhờ ý chí kiên cường của người lính.

Lâu ngày gặp lại đồng đội,  bà Ngô Thị Hằng (kế toán), Nguyễn Thị Nguyệt (y tá), Lê Văn Tấn (Trung đội B2)... luôn nắm chặt tay đồng đội cũ, hỏi han nhau đủ điều, ôn lại những tháng ngày bám rừng làm cách mạng. “Được về họp mặt để nhìn đồng đội vui vẻ, khỏe mạnh là tôi mãn nguyện rồi”- bà Nguyệt tỏ bày.

Luật sư Đức chia sẻ, ngày đất nước thống nhất, lính kinh tài mỗi người mỗi phương. Tuy vậy, mọi người vẫn hướng về nhau, mỗi lần gặp mặt là có biết bao chuyện xưa, chuyện nay muốn nói. "Nay thấy anh em đến họp mặt mang theo cây trái vườn nhà làm tôi lại nhớ đến những ngày tháng kháng chiến, chúng tôi chia nhau từng điếu thuốc, cân đường mà không khỏi ngậm ngùi” - luật sư Đức bộc bạch.

Từ năm 1961-1975, Ban Kinh tài vừa làm nhiệm vụ vận động sức đóng góp tài chính trong nhân dân, vừa nghiên cứu đường lối và biện pháp đảm bảo cung cấp, vận chuyển tiền mặt về các khu căn cứ và chống chính sách bao vây, lũng đoạn kinh tế của địch. Từ đó góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều