Ông Trần Quốc Hoàn đã có 20 năm gắn bó với Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (xã Hóa An, TP.Biên Hòa).
Ông Trần Quốc Hoàn đã có 20 năm gắn bó với Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (xã Hóa An, TP.Biên Hòa). Ông vừa làm thầy vừa kiêm luôn việc làm cha chăm sóc thường xuyên cho trên 20 trẻ em bị câm điếc, thiểu năng trong căn nhà số 5 thuộc trung tâm.
Thầy Trần Quốc Hoàn (bìa phải) trò chuyện với phụ huynh và học sinh. Ảnh: C.NGHĨA |
Ông Hoàn câm điếc bẩm sinh nên năm 9 tuổi, cha mẹ ông gửi vào trung tâm ăn học. Khi trưởng thành, ông quyết định ở lại trung tâm công tác, coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Ông chưa lập gia đình, nhưng “những đứa con trong căn nhà số 5 này khi thì gọi tôi là ba, khi thì gọi tôi là thầy nên tôi cảm thấy như vậy là quá hạnh phúc rồi”.
Việc nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã không dễ dàng, nên việc nuôi dạy cùng lúc trên 20 đứa trẻ câm điếc, thiểu năng còn khó khăn gấp bội. Tuy vậy, ông Hoàn đã kiên trì và làm rất tốt công việc của ông. Ông chăm chỉ luyện cho các em từng nét chữ, từng ký hiệu của người bị câm điếc; dạy các em biết sống ngăn nắp, gọn gàng, chăm lo từng bữa ăn, giặt sạch sẽ từng bộ đồ. Có nhiều đêm ông thức trắng khi chẳng may có em bị bệnh mà không liên hệ được với phụ huynh.
Việc dạy bảo, chăm sóc các em nhỏ thường phù hợp hơn với phụ nữ, nên phụ huynh nào thời gian đầu gửi con cho ông Hoàn chăm sóc cũng không khỏi lo lắng, tuy nhiên chỉ thời gian ngắn phụ huynh lại cảm thấy rất an tâm. ông Hoàn giao tiếp rất tốt với phụ huynh bằng việc sử dụng mạng xã hội, như: facebook, zalo, thư điện tử… Bất cứ khi nào phụ huynh nhắn tin hỏi thăm ông Hoàn đều có phản hồi kịp thời.
Nói về ông Hoàn, cô Nguyễn Thu Ba, Phó giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, cho biết: “Anh Hoàn là một trong số ít cán bộ, giáo viên của trung tâm là nam giới, nhưng việc gì anh cũng làm và làm rất tốt, rất nhiệt tình. Ai có việc gì cần giúp đỡ, anh đều rất vui vẻ mà không chút suy tính, đắn đo”.
Thành Nam