Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống xâm hại trẻ em từ trong gia đình

07:09, 10/09/2022

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ trên địa bàn Đồng Nai đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc xây dựng gia đình bình an, xã hội hạnh phúc.

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ trên địa bàn Đồng Nai đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc xây dựng gia đình bình an, xã hội hạnh phúc.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (H.Xuân Lộc) học các kỹ năng nhận biết các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hè 2022. Ảnh: CTV
Học sinh Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (H.Xuân Lộc) học các kỹ năng nhận biết các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hè 2022. Ảnh: CTV

Đặc biệt, trên lĩnh vực xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, ngành VH-TTDL đã triển khai nhiều hoạt động nhằm chung tay cùng các cấp, ngành và cộng đồng phòng, chống bạo lực và xâm hại cho trẻ.

* Nhiều hoạt động thiết thực…

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành VH-TTDL đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nằm trong chương trình phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Sở LĐ-TBXH, Tỉnh đoàn, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực và phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, tham gia Diễn đàn trẻ em tỉnh Đồng Nai năm 2022; thực hiện chương trình hành trình bảo vệ mầm xanh; tổ chức các lớp tập huấn… Đặc biệt, đưa các tiêu chí bình xét danh hiệu văn hóa cụ thể đối với những gia đình, địa phương để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tại 11 huyện, thành phố hiện đã xây dựng, phát triển mạng lưới CLB gia đình hạnh phúc phát triển bền vững; CLB nam giới nói không với bạo lực gia đình; nhóm phòng, chống bạo lực; mô hình Gia đình nuôi dạy con ngoan. Duy trì hàng trăm mô hình điểm tạm lánh tại trạm y tế phường; nhân rộng các địa chỉ tin cậy cộng đồng…

Ngành VH-TTDL đã triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về 11 huyện, thành phố. Bộ tiêu chí áp dụng cho các thành viên trong gia đình. Trong đó, có tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con cái, ông bà với cháu: gương mẫu, yêu thương; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà… Việc triển khai bộ tiêu chí là cách để nhắc nhở các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người trẻ ý thức hơn về giá trị gia đình, học cách chia sẻ lẫn nhau để bảo vệ mình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chủ tịch UBND P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho hay: “Xác định phòng, chống bạo lực và phòng, chống xâm hại trẻ em là trách nhiệm chung, P.Tân Phong hằng năm đã triển khai nhiều hoạt động cũng như thành lập mới các mô hình gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức giao lưu, các sân chơi cho gia đình và thanh thiếu nhi trên địa bàn. Các hoạt động đã và đang phát huy hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội và xâm hại trẻ em”.

Theo TS Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Quỹ hỗ trợ trẻ em kết nối TP.HCM, mỗi thành viên trong gia đình, trước hết là cha mẹ, phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại. Sự yêu thương, gần gũi, quan tâm của cha mẹ là nền tảng quan trọng trong phòng, chống xâm hại, giúp trẻ phát triển, trưởng thành một cách toàn diện.

“Không chỉ có hành vi xâm hại mà hiện nay trong nhiều gia đình vẫn còn hành vi bạo lực gia đình, làm ảnh hưởng đến môi trường sống an toàn cho các thành viên, đặc biệt là quá trình phát triển của các em nhỏ. Điều đó dẫn đến việc các em bị tổn thương, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách trong tương lai. Bởi vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục, hướng dẫn cho trẻ trong việc nhận diện phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ” - TS Vũ Thiện Toàn chia sẻ.

* Gia đình là tấm gương, định hướng cho trẻ

Tại Diễn đàn trẻ em tỉnh Đồng Nai năm 2022, đã có nhiều câu hỏi liên qua đến công tác gia đình mà các em quan tâm như: mỗi gia đình đều có cách giáo dục trẻ em khác nhau, gia đình cần làm gì để định hướng, hỗ trợ đúng cách cho trẻ em trong giai đoạn hiện nay? Làm thế nào để phân biệt giữa dạy dỗ và bạo hành của người thân? Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ có được đánh đòn trẻ hay không? Khi bị bạo lực, trẻ cần chia sẻ với ai để được bảo vệ?...

Yêu thương, sẻ chia và cùng nhau dạy con cái là cách gia đình chị Mạnh Thị Giang (TP.Long Khánh) giúp con trẻ ý thức hơn về giá trị gia đình. Ảnh: NVCC
Yêu thương, sẻ chia và cùng nhau dạy con cái là cách gia đình chị Mạnh Thị Giang (TP.Long Khánh) giúp con trẻ ý thức hơn về giá trị gia đình. Ảnh: NVCC

Nói về những vấn đề này, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho rằng, nhiều người Việt hiện nay vẫn có quan niệm “thương cho roi cho vọt” và nghĩ rằng đòn roi, quát mắng sẽ khiến con nghe lời. Nhưng thực chất các hành vi: đánh, mắng chửi, miệt thị… đều là hành vi bạo lực đối với trẻ. Đây cũng là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và có các mức xử phạt khác nhau. Do vậy, khi trẻ bị bạo hành có thể lựa chọn nhiều cách để bảo vệ mình như: chia sẻ với các thành viên khác trong gia đình; chia sẻ với thầy cô giáo; liên hệ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em để được tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ.

Theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình, gia đình là môi trường quan trọng để hình thành nhân cách con người. Hơn bao giờ hết, các thành viên trong gia đình cần là tấm gương, định hướng bằng hành động và lời nói, thương yêu, chăm sóc cho con trẻ. Ở góc độ của ngành, hiện đang triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030. Bên cạnh đó, ngành tập trung phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình.

Ly Na

Tin xem nhiều