Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuốn hút với Thành Thăng Long thuở ấy

03:09, 10/09/2022

Giữ nguyên câu chuyện về Lý Chiêu Hoàng (nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam) nhường ngôi cho chồng cũng như những nhân vật được lịch sử đề cập đến trong giai đoạn nhà Trần thay thế nhà Lý, song vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy (tác giả Chu Thơm, NSND Giang Mạnh Hà đạo diễn) có nhiều điểm mới, cuốn hút người xem.

Giữ nguyên câu chuyện về Lý Chiêu Hoàng (nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam) nhường ngôi cho chồng cũng như những nhân vật được lịch sử đề cập đến trong giai đoạn nhà Trần thay thế nhà Lý, song vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy (tác giả Chu Thơm, NSND Giang Mạnh Hà đạo diễn) có nhiều điểm mới, cuốn hút người xem.

Một cảnh trong vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy công diễn tại TP.Biên Hòa
Một cảnh trong vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy công diễn tại TP.Biên Hòa. Ảnh: L.NA

Tái hiện lịch sử “hai vương triều”

Thành Thăng Long thuở ấy lấy dấu mốc thời điểm chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần, kịch bản xoáy sâu vào thân phận những người phụ nữ trong sự chuyển xoay khắc nghiệt của thời cuộc. Dưới “bàn tay” chuyển xoay của thái sư Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng bị sắp đặt nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Vì không thể sinh con mà bị ép rời bỏ tình yêu, rời bỏ ngôi vị hoàng hậu và nhìn chị ruột thế chỗ của mình. Đó là câu chuyện của công chúa Thuận Thiên bị ép lấy người khác khi đang mang thai đứa con với chồng cũ. Là câu chuyện của Trần Thị Dung bị miệng đời gièm pha lấy kẻ bức tử chồng, đẩy 2 con vào nỗi đau oan trái.

Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai đã tổ chức biểu diễn nghệ thuật và công diễn vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh vào tối 8-9. Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo; Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang; Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Trang; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và gần 1 ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân đã dự.

Câu chuyện Thành Thăng Long thuở ấy được kể theo tình tự thời gian, từ khi còn trẻ cho đến lúc về già. Cảnh trí trong vở diễn được dàn dựng đơn giản nhưng có thể xoay chuyển linh hoạt, thay đổi trong nhiều phân cảnh khác nhau góp phần khắc họa nội tâm của nhân vật. Đặc biệt, đạo diễn đã kết hợp yếu tố hiện đại trong âm nhạc khi đưa cả “đọc rap” vào cho nhân vật người chép sử cùng những bản tình ca ngọt ngào, sâu lắng nâng đỡ cảm xúc người xem. Những thử nghiệm này góp phần giúp vở diễn mang không khí tươi mới, hấp dẫn hơn.

Thành Thăng Long thuở ấy với kịch bản khá quen thuộc, đã được dàn dựng với nhiều tên gọi khác nhau như: Anh hùng và mỹ nhân (Nhà hát Kịch Việt Nam), Tình sử hai vương triều (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai). Tuy nhiên, sự trở lại khác biệt của vở diễn lần này đã mang đến hơi thở mới, hấp dẫn công chúng khán giả. Vở diễn khép lại với cảnh Lý Chiêu Hoàng tự vấn trước vong linh, “tượng đài” những người đã tác động mạnh mẽ đến cuộc đời của mình: mẹ Trần Thị Dung, chị gái Thuận Thiên, vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và thái sư Trần Thủ Độ.

Cái kết của vở kịch có hậu khi tác giả để cho các nhân vật lẫy lừng trong lịch sử của dân tộc nói lời sám hối. Những điều họ làm có thể trái với thuần phong mỹ tục, trái với đạo lý nhưng tất cả bởi vì lợi ích của dân tộc, đất nước, vì sự bình an của nhân dân. Chính điều này đã gợi cảm hứng cho hậu thế phải suy ngẫm về trách nhiệm công dân và lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Tiếp lửa sân khấu kịch

Thành Thăng Long thuở ấy có sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên: NSND Hoàng Yến, Tây Phong, Lê Hoàng Giang, Phương Minh, Chu Anh, Sĩ Hoàng, Huy Thục, Quốc Việt…

Vào vai Sử già (chép sử) dẫn dắt câu chuyện lịch sử Thành Thăng Long thuở ấy, đạo diễn Phạm Huy Thục, nguyên là Phó hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM, nói rằng ông cảm thấy rất vui, vinh dự khi được mời về Đồng Nai biểu diễn nhân dịp giỗ Tổ sân khấu. Biểu diễn trong dịp trọng đại này là cách để ông và các văn nghệ sĩ hướng tấm lòng của mình tri ân Tổ nghiệp.

Đạo diễn Phạm Huy Thục chia sẻ: “Tôi hy vọng sau những đợt công diễn trực tiếp, người xem sẽ hiểu sâu sắc hơn về những câu chuyện của lịch sử. Từ hiểu câu chuyện sẽ thêm yêu sân khấu kịch, để kịch của Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung gặp được sự tri ân của khán giả. Qua đó lan tỏa, phát triển và tiếp lửa để nghệ thuật truyền thống có thêm nhiều năng lượng tỏa sáng”.

NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cho biết kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (1957-2022) và kỷ niệm 13 năm Ngày Sân khấu Việt Nam (2009-2022), Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp với các nghệ sĩ kịch nói của TP.HCM biểu diễn vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy, bởi địa bàn Đồng Nai khá rộng nhưng thời gian qua đang thiếu vắng bộ môn kịch nói. Đây là bộ môn xung kích có tính đột phá mạnh mẽ nhất, tham gia trực diện vào tất cả những vấn đề nóng bỏng, hơi thở cuộc sống của xã hội, dù nó là lịch sử hay là hiện đại.

“Vở diễn là cầu nối giữa 2 triều đại vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đó là triều đại nhà Lý 216 năm và nhà Trần 176 năm. Nội dung của câu chuyện nói về những vấn đề của con người, những người làm vua, làm quan, làm tướng với tâm thế, trách nhiệm đối với vận mệnh của quốc gia, của dân tộc và chống sự xâm lăng của các thế lực phương Bắc cách đây hàng ngàn năm... Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi tác phẩm của mình chạm đến trái tim của người xem. Vở diễn đã nhận được sự cổ vũ, động viên của công chúng khán giả Biên Hòa - Đồng Nai. Đây là món quà đáng quý với người sáng tạo và với văn nghệ sĩ” - NSND Giang Mạnh Hà nói.

Ly Na

Tin xem nhiều