Xã hội càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật càng cao chính là mảnh đất nuôi dưỡng, tạo điều kiện để mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) có cơ hội thâm nhập đời sống xã hội.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật càng cao chính là mảnh đất nuôi dưỡng, tạo điều kiện để mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) có cơ hội thâm nhập đời sống xã hội.
Các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng do Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai thiết kế, trưng bày và giới thiệu. Ảnh: C.T.V |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của MTƯD không chỉ tạo nền tảng để hiện thực hóa các ý tưởng thiết kế, sáng tạo nghệ thuật mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa ngày càng phát triển.
* Nền tảng để hiện thực hóa các ý tưởng
MTƯD bao gồm các thiết kế công nghiệp, đồ họa, nội thất, nghệ thuật thời trang hay thủ công mỹ nghệ như: mây tre đan, gốm sứ, sơn mài, chạm trổ trên các chất liệu. MTƯD xuất hiện ở nhiều khâu trong quá trình sản xuất hàng hóa, từ việc thiết kế ban đầu cho sản phẩm, nghiên cứu, sử dụng chất liệu phù hợp cho kiểu dáng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng loạt. Với các chuyên ngành này, công nghệ thông tin luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp người nghệ sĩ, thợ thủ công thực hiện các thiết kế.
Họa sĩ PHẠM CÔNG HOÀNG, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho hay: “Việc đầu tư công nghệ giúp quá trình hiện thực hóa các ý tưởng thiết kế càng gần hơn. Các trải nghiệm trên nền tảng này có tác động lớn đến cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức và dẫn đến hành vi của mỗi người”. |
Họa sĩ Phạm Công Hoàng, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho hay, không chỉ giới thiết kế mà các họa sĩ, nghệ sĩ trên lĩnh vực mỹ thuật, điêu khắc… cũng tích cực ứng dụng công nghệ để tạo nên những sáng tạo mới, bắt kịp xu thế thời đại nhưng không làm mất đi nét đặc trưng, bản sắc truyền thống. Nhờ công nghệ mà các sản phẩm của MTƯD không chỉ kết nối toàn cầu mà còn dễ dàng hơn trong việc tham khảo tư liệu, từ ý tưởng sáng tạo đến tiêu thụ sản phẩm, hay các dịch vụ xuất phát từ nhu cầu đa dạng của thị trường.
“Công nghệ tạo ra cảm giác thực cho sản phẩm nghệ thuật, giúp các thiết kế từ hình tĩnh chuyển sang hình động. Hay trong quảng cáo, làm phim 3D, game thực tế ảo, các thiết kế thời trang có thể in dập các họa tiết... Việc tạo ra những bản sao đến mức hoàn hảo trong in 3D mở ra cơ hội cho những người tiếp cận và chiêm ngưỡng sản phẩm nghệ thuật. Từ ứng dụng công nghệ mà thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều triển lãm được tổ chức bằng hình thức online, đem đến nhiều trải nghiệm và cảm xúc mới mẻ cho người tham quan mà không giới hạn về địa lý, khoảng cách, địa điểm” - họa sĩ Công Hoàng chia sẻ.
TS Đoàn Minh Ngọc, giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong MTƯD tạo tiền đề cho việc hình thành nhiều nhà thiết kế chuyên nghiệp. Chính trong điều kiện đó, nghệ thuật quảng cáo, trang trí, thiết kế đã được phát huy một cách tối ưu để góp phần vào việc giáo dục, xây dựng thị hiếu thẩm mỹ và thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa trên thị trường. MTƯD vì thế trở thành cầu nối giữa cái đẹp và môi trường, đưa cái đẹp vào cuộc sống, là đòn bẩy giữa tiến bộ khoa học kỹ thuật với sản xuất. Từ đó, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và lao động, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người.
* Phục vụ nhu cầu của xã hội
Tuy nhiên, trên thực tế không phải lĩnh vực nào của MTƯD, các thiết bị, công nghệ thông tin hay máy móc hiện đại, hoặc người máy mang trí tuệ nhân tạo cũng thay thế được con người. ThS Nguyễn Trường Giang, giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho rằng, các phương tiện trên là do chính con người làm ra và các hoạt động của chúng cũng do chính con người điều khiển. Để xác định được vai trò của người thiết kế MTƯD trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi năng lực thiết kế của người họa sĩ phải toàn diện hơn trước.
“Điều đó có nghĩa là họa sĩ trong thời đại mới phải thiết kế được các sản phẩm đẹp, ấn tượng, mang dấu ấn thời cuộc mà không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, phải am hiểu nhiều vấn đề, thường xuyên cập nhật cái mới và đặt mình trong quá trình vận hành của cơ chế thị trường; làm chủ công nghệ, làm chủ vật liệu và quy trình sản xuất hiện đại… Qua đó, sáng tạo cái mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội” - ThS Nguyễn Trường Giang chia sẻ.
Theo TS Đoàn Minh Ngọc, để nghệ thuật đến với công chúng một cách tốt nhất, đồng thời đề cao tính ứng dụng thực tiễn thì ngay từ trong nhà trường cần có sự định hướng về đào tạo MTƯD. Trong đó, việc kết hợp giữa thẩm mỹ và công nghệ nhằm hướng đến lối thiết kế phục vụ nhu cầu của xã hội, phục vụ cộng đồng, vì cộng đồng hơn là vì cái tôi của người nghệ sĩ.
“Hiện nay, các sản phẩm MTƯD Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng cho thấy sự kế thừa tinh hoa của nền nghệ thuật dân tộc, kết hợp với tính sáng tạo mang dấu ấn thời đại công nghiệp để tạo nên những sản phẩm phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, MTƯD muốn nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa ngoài tiếp nhận những thành tựu khoa học tiên tiến phải khai thác, phát huy bản sắc nghệ thuật dân tộc để tìm ra những đặc trưng riêng cho từng thiết kế, từng sản phẩm” - TS Đoàn Minh Ngọc nhấn mạnh.
Ly Na