(ĐN) - Ngày 27-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành trong cả nước nhằm hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu công nghiệp.
(ĐN) - Ngày 27-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành trong cả nước nhằm hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu công nghiệp.
Các đại biểu ở điểm cầu Đồng Nai dự hội nghị trực tuyến. |
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhất là trong các khu công nghiệp ở một số tỉnh phía Bắc. Bộ Y tế đã tổ chức đi kiểm tra hơn 20 tỉnh, thành phố có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có đông công nhân. Qua kiểm tra cho thấy, có nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp. Một số địa phương chưa xây dựng hoặc xây dựng kế hoạch phòng dịch trong khu công nghiệp chưa đầy đủ. Do đó, khi có ca bệnh trong doanh nghiệp, các đơn vị lúng túng, không biết cách xử lý phù hợp. Nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm việc tập huấn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp. Theo đó, mới chỉ có 30-40% doanh nghiệp tại 20 tỉnh, thành được kiểm tra đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong doanh nghiệp.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện từ ngày 27-4 đến nay đã lây lan ra 30 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 7 tỉnh đã qua 14 ngày không có dịch trong cộng đồng; 23 tỉnh còn lại phải vẫn còn ca bệnh, phải nêu cao tinh thần quyết tâm dập dịch. Với các tỉnh chưa xuất hiện ca bệnh cần kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, phải đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Để có thể khống chế và dập dịch hiệu quả, ông Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Sở Y tế các địa phương và các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu để lãnh đạo tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, từng cấp tham gia phòng dịch Covid-19. Người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh trên địa bàn mình quản lý; chịu trách nhiệm áp dụng Chỉ thị 15 hoặc 16 của Chính phủ về phòng dịch Covid-19 trong doanh nghiệp, kiện toàn các tổ phòng, chống Covid-19 trong doanh nghiệp.
Các địa phương cần tiếp tục chủ động áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện khai báo y tế. Yêu cầu tất cả công nhân trong các khu công nghiệp phải khai báo y tế. Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly, quản lý những chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân Covid-19, có phương án xây dựng bệnh viện dã chiến trên nền cơ sở vật chất cũ hoặc lập bệnh viện dã chiến mới hoàn toàn, đảm bảo về năng lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh.
Về vấn đề tiêm vaccine, ngoài triển khai tiêm cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên trong Nghị quyết 21 của Chính phủ, cần tiêm ngay cho lực lượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Trước hết là công nhân ở Bắc Ninh, Bắc Giang, những địa phương có nguy cơ cao để đảm bảo duy trì sản xuất hiệu quả. Các doanh nghiệp trong khu vực đang có dịch bệnh tuyệt đối lưu ý không trao đổi công nhân giữa các doanh nghiệp với nhau.
Đoàn kiểm tra Bộ Y tế và UBND tỉnh Đồng Nai từng kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 trong doanh nghiệp tại Đồng Nai hồi tháng 3-2021. |
Ngành Y tế chủ trì phối hợp thành lập ngay các tổ chuyên về xét nghiệm, tiêm vaccine để triển khai tiêm vaccine ngay, càng nhanh càng tốt cho các đối tượng sau khi nhận được vaccine. Việc tiêm vaccine phải đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, đồng thời có phương án cấp cứu đối với những trường hợp có phản ứng bất thường sau tiêm.
Đối với các tỉnh, thành chưa có ca bệnh Covid-19, cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Y tế, đặc biệt đánh giá nguy cơ ở nơi làm việc, yêu cầu người lao động, chủ doanh nghiệp ký cam kết phòng chống dịch, khai báo y tế. Nếu doanh nghiệp nào không thực hiện nghiêm thì yêu cầu tạm ngưng hoạt động, khẩn trương bổ sung đầy đủ các điều kiện cần thiết. Ngoài ra, cần quản lý chặt người lao động đi đến, đi qua, đi từ vùng có dịch, tiếp xúc với những người có nguy cơ cao. Tổ chức xét nghiệm nhanh cho những người tham gia cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp, như người cung cấp suất ăn cho công nhân, làm xét nghiệm ngẫu nhiên.
Các doanh nghiệp phải xây dựng ngay các phương án xử lý khi trong doanh nghiệp mình có ca bệnh, không trông chờ vào Ban chỉ đạo các địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ.
Đối với các địa phương có ca bệnh trong cơ sở sản xuất nhưng chưa xuất hiện ca bệnh ở cộng đồng, cần khẩn trương truy vết các đối tượng F1, F2, lập ngay danh sách những người lao động liên quan đến ca bệnh để thông báo cho các địa phương liên quan kịp thời xử lý. Khi có F1 phải đi cách ly thì truy vết theo từng dây chuyền, từng phân xưởng để xử lý theo từng mức độ nguy cơ.
Các địa phương đã có ca bệnh trong cộng đồng nhưng chưa xuất hiện trong nhà máy phải thực hiện tốt việc cách ly, khoanh vùng, truy vết ở cộng đồng, quản lý chặt người lao động, xét nghiệm nhanh kháng nguyên PCR đối với những người có nguy cơ.
Với các địa phương đã có cả ca bệnh ở trong cộng đồng và doanh nghiệp, ngoài những biện pháp nêu trên, còn phải thực hiện, quản lý nghiêm việc cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm, thu gom, xử lý rác thải của các đối tượng F1 trong khu cách ly tập trung theo đúng quy định. Các doanh nghiệp cũng cần lên phương án sàng lọc từng phân xưởng, từng nhóm công nhân, nếu từng bước an toàn dần dần đưa từng phân xưởng vào hoạt động để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tính đến chiều ngày 27-5, cả nước ghi nhận 6.163 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3.260 trường hợp đang điều trị, 2.853 trường hợp đã điều trị khỏi, 46 ca tử vong. Riêng từ ngày 27-4 đến nay (bắt đầu đợt dịch thứ 4), cả nước ghi nhận 3.105 ca mắc Covid-19. Trong đó, tỉnh Bắc Giang có tới 1.564 ca bệnh, chủ yếu do lây lan trong các khu công nghiệp.
Hạnh Dung