Báo Đồng Nai điện tử
En

Học phí và các khoản thu ra sao?

02:09, 14/09/2022

Vào đầu năm học, ngoài các khoản mua sắm cho con em, nhiều phụ huynh còn quan tâm đến các khoản thu của nhà trường, trong đó có những khoản thu bắt buộc và khoản đóng góp tự nguyện.

Vào đầu năm học, ngoài các khoản mua sắm cho con em, nhiều phụ huynh còn quan tâm đến các khoản thu của nhà trường, trong đó có những khoản thu bắt buộc và khoản đóng góp tự nguyện.

Nhiều phụ huynh ngỡ ngàng trước tấm bảng ghi nhiều khoản đóng góp trái với hướng dẫn của Sở GD-ĐT tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa do ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra, trong đó có cả khoản mua tivi 200 ngàn đồng. Ảnh: C.NGHĨA
Nhiều phụ huynh ngỡ ngàng trước tấm bảng ghi nhiều khoản đóng góp trái với hướng dẫn của Sở GD-ĐT tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa do ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra, trong đó có cả khoản mua tivi 200 ngàn đồng. Ảnh: C.NGHĨA

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết: “Để không xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học, Sở GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện các khoản thu và chính sách với người học trong nhà trường (năm học 2022-2023). Các nhà trường có trách nhiệm bám sát hướng dẫn để thu đúng, thu đủ, đồng thời phải công khai minh bạch với phụ huynh trước khi thu và trong quá trình chi tiêu các nguồn vận động quỹ nếu có”.

Trường công tạm thời chưa tăng học phí

Một trong những thông tin được phụ huynh quan tâm là học phí của các trường công lập và tư thục trong năm học mới. Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, đối với các trường mầm non và phổ thông công lập, trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn thu học phí mới, tạm thời các trường mầm non, phổ thông công lập sẽ thu theo quy định của Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành tháng 7-2021. Với hướng dẫn này, các trường mầm non và phổ thông công lập sẽ thực hiện thu mức học phí giống như đã thu từ năm học 2016-2017 cho đến năm học 2021-2022.

Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh

Theo Sở GD-ĐT, việc tạm thời giữ nguyên mức thu học phí với các trường mầm non và phổ thông công lập là một thông tin vui với nhiều phụ huynh trong điều kiện còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đồng thời giá cả tiêu dùng tăng cao. Ngoài việc giữ nguyên mức học phí, Sở GD-ĐT sẽ thực hiện miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho nhiều đối tượng học sinh, học viên, sinh viên theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm, hỗ trợ được quy định rộng hơn, mức hỗ trợ cao hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT còn đưa nhiều đối tượng được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần bảo hiểm y tế.

Cụ thể, với bậc học mầm non, ở khu vực thành thị sẽ dao động từ 75 ngàn đến 120 ngàn đồng/tháng/học sinh (đối với các phường) và từ 60-90 ngàn đồng/tháng/học sinh (đối với các xã). Ở khu vực nông thôn dao động từ 45-75 ngàn đồng/tháng/học sinh. Còn với các trường ở khu vực miền núi, học phí với các bậc học chỉ dao động từ 20-25 ngàn đồng/tháng/học sinh. Mức chênh lệch khác nhau phụ thuộc vào việc nhà trường sẽ dạy 1 hoặc 2 buổi/ngày. Theo tìm hiểu, nhiều năm nay các trường mầm non công lập đều tổ chức 2 buổi/ngày.

Đối với bậc phổ thông, học sinh tiểu học sẽ được miễn toàn bộ học phí theo quy định. Đối với cấp THCS ở thành thị, các phường có mức thu 75 ngàn đồng/tháng/học sinh; các xã có mức thu 60 ngàn đồng/tháng/học sinh. Đối với khu vực nông thôn là 45 ngàn đồng/tháng/học sinh. Ở cấp THPT, các phường có mức thu 120 ngàn đồng/tháng/học sinh, các xã có mức thu 90 ngàn đồng/tháng/học sinh. Đối với khu vực nông thôn mức thu 75 ngàn đồng/tháng/học sinh. Riêng với hệ giáo dục thường xuyên, cấp THCS sẽ có mưc thu lần lượt là 75 ngàn đồng và 60 ngàn đồng/tháng với các phường, xã ở thành thị và 45 ngàn đồng/tháng với học sinh ở khu vực nông thôn. Còn với cấp THPT ở thành thị, các phường có mức thu 120 ngàn đồng/tháng/học sinh; các xã là 90 ngàn đồng/tháng và 75 ngàn đồng/tháng với học sinh ở khu vực nông thôn.

Giáo viên Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh thực hành môn Tin học
Giáo viên Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh thực hành môn Tin học. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Đối với các trường mầm non và phổ thông dân lập, tư thục không thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành tháng 7-2021. Thay vào đó, các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục sẽ thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Theo đó, các cơ sở giáo dục dân lập và tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, nhưng không được tăng quá 10% so với năm học trước. Các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định.

“Siết” quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh

Liên quan đến các khoản đóng góp tự nguyện nhưng thường gây nhiều tranh cãi vào mỗi dịp đầu năm học, đó là quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là ban đại diện), trong hướng dẫn thực hiện các khoản thu và chính sách với người học trong nhà trường (năm học 2022-2023), Sở GD-ĐT quy định rất rõ. Theo đó, kinh phí hoạt động của ban đại diện phải thực hiện nghiêm túc theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 11-2021 về Điều lệ hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.

Quy định học phí (đơn vị tính là VNĐ) với các trường mầm non và phổ thông công lập theo Nghị quyết của HĐND tỉnh
Quy định học phí (đơn vị tính là VNĐ) với các trường mầm non và phổ thông công lập theo Nghị quyết của HĐND tỉnh

Kinh phí hoạt động ban đại diện lớp hình thành từ sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh và các nguồn tài trợ khác nếu có. Kinh phí hoạt động của ban đại diện trường phải được trích từ ban đại diện lớp. Đặc biệt, ban đại diện không được tự ấn định mức thu cụ thể để bắt cha mẹ học sinh phải đóng góp, gây khó khăn và áp lực với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ quy định các nguồn thu hình thành quỹ, hướng dẫn của Sở GD-ĐT còn quy định rõ việc sử dụng nguồn quỹ ban đại diện. Theo đó, trưởng ban đại diện phải có sự thống nhất với hiệu trưởng nhà trường về kinh phí đã được ủng hộ, tài trợ, đồng thời chỉ được sử dụng khi toàn thể ban đại diện và ban giám hiệu nhà trường thống nhất kế hoạch chi. Việc thu chi từ nguồn quỹ phải đảm bảo công khai, dân chủ, sau khi sử dụng xong phải tiến hành quyết toán công khai với các thành viên trong ban đại diện và phụ huynh.

Để hạn chế việc lạm dụng thu và chi quỹ của ban đại diện, Sở GD-ĐT quy định rõ, ban đại diện không được quyên góp của người học, gia đình người học những khoản thu không phục vụ hoạt động trực tiếp của ban đại diện, trong đó có những khoản cụ thể như: đảm bảo an ninh, bảo vệ cơ sở vật chất của trường, trông coi phương tiện của học sinh. Bên cạnh đó, còn có các khoản khác như: vệ sinh trường lớp, khen thưởng giáo viên, mua sắm các trang thiết bị đồ dùng dạy và học cho nhà trường, hoặc cho giáo viên, sửa chữa, xây mới trường lớp…

Dù Sở GD-ĐT đã có hướng dẫn một cách khá rõ ràng nhưng trong tuần đầu của năm học mới 2022-2023 vẫn có không ít trường tổ chức họp phụ huynh, đồng thời thông báo công khai các khoản thu trái với hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt phản ảnh của phụ huynh qua nhiều kênh để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với các trường tự đặt ra những khoản thu trái quy định.

            Công Nghĩa

 

Tin xem nhiều