Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy nhanh tốc độ phát triển vận tải đường thủy

03:03, 17/03/2022

Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển, lượng hàng hóa lưu thông lớn nên nhiều doanh nghiệp (DN) mong hệ thống cảng, giao thông đường thủy của tỉnh phát triển để rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm chi phí logistics.

[links()]Trong 5 năm nay, chi phí vận chuyển hàng hóa liên tục tăng khiến doanh nghiệp (DN) thêm gánh nặng. Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển, lượng hàng hóa lưu thông lớn nên nhiều DN mong hệ thống cảng, giao thông đường thủy của tỉnh phát triển để rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm chi phí logistics.

Hiện trạng và quy hoạch cảng biển của Đồng Nai đến năm 2030. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Hiện trạng và quy hoạch cảng biển của Đồng Nai đến năm 2030. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Theo Sở GT-VT, quy hoạch được phê duyệt đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 46 bến cảng biển, tập trung ở 3 địa phương: Long Thành, Nhơn Trạch và Biên Hòa. Trong đó, H.Nhơn Trạch được quy hoạch phát triển nhiều cảng biển nhất với 35 bến cảng.

* Quy hoạch nhiều cảng lớn

Mỗi năm, các DN Đồng Nai vận chuyển về cảng Cát Lái (TP.HCM) hơn 1 triệu container hàng hóa các loại để xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Quãng đường DN đưa hàng hóa từ các huyện, thành phố về TP.HCM khá xa, chủ yếu lưu thông bằng đường bộ nên mất nhiều thời gian, vì giao thông thường xuyên bị ùn tắc. Gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng đã khiến chi phí vận tải hàng hóa bị đội thêm khá cao. Đặc biệt, sắp tới cảng Cát Lái sẽ áp mức thu phí cảng biển từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/container nên nhiều DN rất mong những dự án cảng trên địa bàn tỉnh được triển khai nhanh, giảm bớt gánh nặng cho họ.

Đồng Nai đã quy hoạch một số dự án cảng lớn như: Phước An, Phú Hữu, Phước Khánh (H.Nhơn Trạch); Phước Thái (H.Long Thành); Đồng Nai mở rộng (TP.Biên Hòa). Tất cả các bến cảng nói trên nếu được triển khai và sớm đưa vào khai thác sẽ đem lại lợi ích lớn cho các DN ở Đồng Nai và một số tỉnh lân cận như: Bình Dương, Lâm Đồng.

Ngoài ra, hệ thống giao thông đường thủy phát triển cũng góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh tốt hơn trong mắt DN có vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bởi khi các DN trong nước, DN FDI muốn đặt nhà máy sản xuất tại khu vực nào thì giao thông thuận tiện là một trong những tiêu chí hàng đầu để lựa chọn địa điểm đầu tư.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) Quách Thuận Đức cho hay: “Tôi chọn đầu tư vào Đồng Nai vì tỉnh là nơi có công nghiệp phát triển, dễ liên kết cung ứng sản phẩm cho các DN cùng lĩnh vực, giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, các DN rất mong Chính phủ, tỉnh ưu tiên đầu tư hệ thống cảng biển, đường cao tốc, đường sắt kết nối trên địa bàn Đồng Nai để giảm chi phí logistics, giúp DN giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh”. Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay là DN FDI chuyên sản xuất các loại tem, nhãn cho ngành dệt may, giày dép, túi xách trong nước và xuất khẩu.

Hàng hóa được vận chuyển về cảng Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) để xuất khẩu
Hàng hóa được vận chuyển về cảng Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) để xuất khẩu

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt thì Đồng Nai sẽ dành gần 500ha đất để thực hiện các dự án cảng. Trong đó, H.Long Thành sẽ có cảng tổng hợp Phước Thái thuộc xã Phước Thái rộng khoảng 150ha. H.Nhơn Trạch có cụm cảng với diện tích gần 300ha. Khu vực TP.Biên Hòa sẽ mở rộng cảng Đồng Nai ở P.Long Bình Tân thêm gần 35ha. Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 2 cảng lớn là Gò Dầu và Đồng Nai nhưng đều đã khai thác hết công suất.

Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai (TP.Biên Hòa) Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Công ty quản lý, khai thác cảng Gò Dầu và cảng Đồng Nai. Năm 2021, số lượng hàng hóa vận chuyển qua 2 cảng khoảng 14,6 triệu tấn, trong đó hoạt động khai thác container gần 860,2 ngàn TEU, tăng khoảng 4% so với năm 2020. Hiện cảng Gò Dầu, Đồng Nai đã khai thác hết công suất hàng hóa vào cảng nên công ty đang đầu tư thêm bến tàu 5 ngàn DWT tại cảng Đồng Nai, dự tính đầu quý III-2022 hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ nâng công suất thêm khoảng 200 ngàn TEU/năm”.

* Vướng về chính sách, đất đai

Các dự án cảng đã được Đồng Nai, Bộ GT-VT đưa vào quy hoạch từ nhiều năm trước, nhưng việc triển khai rất chậm do vướng về hồ sơ thủ tục, đất đai, chủ đầu tư năng lực yếu. Rào cản trên đã dẫn đến nhiều dự án giậm chân tại chỗ trong một thời gian dài không khai thác được tiềm năng từ giao thông đường thủy. Do đó, DN trong và ngoài tỉnh có nhu cầu đưa hàng hóa về các cảng tại Đồng Nai để vận chuyển đi những vùng khác và xuất khẩu rất lớn nhưng thực tế không đáp ứng đủ.

Tháng 12-2017, Bộ GT-VT phê duyệt Quyết định số 3655/QĐ-BGTVT về quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ (Nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Riêng Đồng Nai sẽ phát triển cảng tổng hợp quốc gia làm đầu mối cho khu vực gồm: bến cảng Long Bình Tân, khu bến cảng Phú Hữu (sông Đồng Nai); khu bến cảng Ông Kèo (sông Lòng Tàu, Đồng Tranh); cảng Gò Dầu, Phước An (sông Thị Vải). Dự tính đến năm 2025, hàng hóa thông qua 29,2-32,96 triệu tấn/năm, trong đó lượng hàng container từ 1,3-1,5 triệu TEU/năm và tới năm 2030, hàng hóa thông qua 44,48-51,69 triệu tấn/năm, hàng container từ 2,27-2,65 triệu TEU/năm.

Tuy nhiên, thực tế là kế hoạch trên rất khó thực hiện được nếu Chính phủ không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về chính sách để tỉnh khơi thông các dự án. Đồng thời, tỉnh cũng đang rà soát lại các dự án cảng biển, nếu nguyên nhân do DN không đủ tiềm lực để đầu tư sẽ thu hồi giao cho những DN khác có đủ năng lực thực hiện.

Theo Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình, các dự án cảng trên địa bàn tỉnh chậm triển khai có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do DN vướng mắc trong thủ tục đầu tư nên chưa thực hiện theo đúng lộ trình. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do DN chưa mặn mà trong việc triển khai các dự án.

Căn cứ vào quy hoạch thì đến đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 17 bến cảng biển đang hoạt động, 5 bến cảng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ đầu tư đang trong quá trình thực hiện hồ sơ thủ tục để triển khai, 21 bến cảng chưa có chủ đầu tư, 2 cảng ngưng hoạt động và 1 cảng đã được cho thuê đất nhưng DN để lâu chưa tiến hành xây dựng dự án.

Một số DN ở Đồng Nai cho biết, vận chuyển hàng hóa về cảng Cát Lái có giá từ 4-4,5 triệu đồng/container, cộng với phí cảng biển sắp tới sẽ thu thì DN phải trả khoảng 6-6,5 triệu đồng/container. Bên cạnh đó, hàng hóa vận chuyển về cảng Cát Lái thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, thời gian tăng gấp 2 lần. Nếu các cảng Đồng Nai được mở rộng, đầu tư mới với quy mô lớn, kết nối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ giúp DN giảm được nhiều chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho hay: “Thời gian qua, đầu tư vào hệ thống cảng biển ở Đồng Nai gặp khó khăn nhất là về đất đai do vướng những chính sách từ Trung ương. UBND tỉnh đã có rà soát, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ để Đồng Nai có thể hoàn tất thủ tục hồ sơ về cảng biển và tiến hành mời gọi đầu tư”.

Trong tình hình giá xăng dầu trên thế giới liên tục lao thang và tiềm ẩn những bất ổn thì xây dựng các cảng, nạo vét các tuyến sông mở rộng vận tải đường thủy được xem là một trong những giải pháp giúp DN giảm chi phí logistics khoảng 15-20% so với đường bộ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cảng lớn tiếp nhận được nhiều hàng hóa là cảng Gò Dầu và cảng Đồng Nai, nhưng hiện tại khoảng 40-60% công suất của các cảng tiếp nhận hàng của DN Bình Dương, Lâm Đồng đưa về. Vì thế, còn rất nhiều hàng hóa của Đồng Nai xuất khẩu phải đi một đường vòng xa về cảng Cát Lái (TP.HCM) hoặc cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Hương Giang

Tin xem nhiều