Ngày 21-2, toàn văn Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được công bố, một tín hiệu cho thấy 11 nền kinh tế thành viên đã sẵn sàng chính thức đặt bút ký vào đầu tháng tới.
* Nhiều nước lên tiếng hoan nghênh
Ngày 21-2, toàn văn Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được công bố, một tín hiệu cho thấy 11 nền kinh tế thành viên đã sẵn sàng chính thức đặt bút ký vào đầu tháng tới.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng các nước ký Hiệp định TPP tại thành phố Đà Nẵng (Việt Nam). Nguồn: AFP |
Có hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc thay đổi trong CPTPP so với "thỏa thuận tiền nhiệm" là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này trong năm ngoái.
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada François-Philippe Champagne đã ra tuyên bố hoan nghênh việc công bố toàn văn CPTPP. Bộ trưởng Champagne cho biết CPTPP sẽ tăng cường hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu bằng cách thu hút các khoản đầu tư tạo việc làm mới và mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Canada tới những thị trường quy mô lớn đang phát triển nhanh. Thông qua CPTPP, Canada sẽ có quyền tiếp cận ưu đãi với gần nửa tỷ người tiêu dùng ở một trong những thị trường phát triển năng động nhất trên thế giới.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho rằng CPTPP đang trở nên ngày một quan trọng trong bối cảnh đang có nhiều phản đối đối với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Parker cũng cho biết "khó có khả năng" Mỹ sẽ trở lại hiệp định này và CPTPP có thể sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nhận định CPTPP sẽ giúp tạo ra thêm việc làm tại Australia trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp, sản xuất, khai khoáng tới dịch vụ.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 23-1 tại Tokyo (Nhật Bản), 11 nước tham gia đàm phán CPTPP (gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam), đã nhất trí về nội dung sửa đổi hiệp định này. Theo kế hoạch, các bên sẽ ký kết CPTPP tại vòng đàm phán tiếp theo ở Chile vào ngày 8-3 tới để hiệp định này bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là tên mới của Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 11 thành viên còn lại (sau khi Mỹ rút khỏi TTP) thống nhất sau 4 vòng đàm phán tại Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng 2017 Tháng 11-2017). Tại APEC 2017, cuộc họp về TPP cấp Bộ trưởng không nằm trong chương trình chính thức nhưng được đánh giá là cực kỳ quan trọng về tương lai của Hiệp định này. |
(Theo Reuters, TTXVN)