Tạp chí Diễn đàn Đông Á số ra mới đây đã có bài viết đề cập tới cuộc khủng hoảng khói mù ảnh hưởng tới khu vực phía Nam Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hồi giữa năm nay, đồng thời đưa ra các đề xuất để các nước ASEAN giải quyết triệt để vấn đề này.
Tạp chí Diễn đàn Đông Á số ra mới đây đã có bài viết đề cập tới cuộc khủng hoảng khói mù ảnh hưởng tới khu vực phía Nam Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hồi giữa năm nay, đồng thời đưa ra các đề xuất để các nước ASEAN giải quyết triệt để vấn đề này.
Đường phố Palangkaraya ở Indonesia chìm trong khói mù. (Nguồn: Reuters) |
Tác giả bài viết chỉ ra rằng sau cuộc khủng hoảng khói mù năm 1997, Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đã được thông qua vào năm 2002, coi đây là “giải pháp thiết yếu để đạt được hành động tập thể nhằm ngăn chặn ô nhiễm khói mù xuyên biên giới” nhưng cho tới nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để dù đã có dấu hiệu giảm dần.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu thời hạn ba năm để giải quyết vấn đề này.
Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa qua, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã kêu gọi một cuộc họp của những cố vấn khoa học hàng đầu để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề khói mù ảnh hưởng khu vực này trong 18 năm qua, nhưng bất kỳ giải pháp nào sẽ chỉ hiệu quả nếu nó giải quyết được tận gốc nguyên nhân tạo ra những đám cháy không thể kiểm soát.
Vấn đề ở đây cần phải có quy hoạch vĩ mô (bao gồm cả kinh tế, xã hội, phát triển và sử dụng đất) cũng như sự hợp tác của các chủ sở hữu trồng rừng, nông nghiệp và các cộng đồng.
Ngày 22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” phác thảo tầm nhìn và sứ mệnh của Khối trong việc xây dựng giai đoạn tiếp theo của Cộng đồng ASEAN.
Một cam kết mới và hành động hợp tác nghiêm túc để ngăn chặn khói mù - vấn đề môi trường xuyên biên giới nghiêm trọng nhất trong khu vực - sẽ tạo ra sự tự tin hơn trong ASEAN với vai trò như một cộng đồng.
Trong khi đó, tại hội nghị ngày 28/11 vừa qua, các Bộ trưởng ASEAN chịu trách nhiệm về vấn đề khói mù đã kêu gọi một lộ trình hướng tới một ASEAN không khói mù, trong đó tất cả các nước thành viên ASEAN cam kết và hướng tới biến ASEAN trở thành một khu vực không khói mù xuyên biên giới vào năm 2020.
Theo lộ trình, các nước phải thực hiện đầy đủ Chương trình ASEAN về quản lý bền vững hệ sinh thái đất than bùn (2014-2020), phải lập tức vận hành Trung tâm Điều phối kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới của ASEAN và coi đây như trọng tâm hoạt động chính của hiệp định, cần tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm và dự báo tốt hơn, đồng thời thực hiện nghĩa vụ theo những hiệp định toàn cầu có liên quan, như thay đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.