Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương binh làm giàu

10:06, 26/06/2016

Ngày quê nhà dứt tiếng súng, thương binh Phùng Thanh Tâm (ngụ ấp 1, xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) quay về với rẫy vườn để phụ mẹ, phụ vợ nuôi đàn em và con nhỏ. Bao vất vả dồn lên vai, ông Tâm vẫn nở nụ cười hạnh phúc khi gia đình rộn ràng tiếng cười.

Ngày quê nhà dứt tiếng súng, thương binh Phùng Thanh Tâm (ngụ ấp 1, xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) quay về với rẫy vườn để phụ mẹ, phụ vợ nuôi đàn em và con nhỏ. Bao vất vả dồn lên vai, ông Tâm vẫn nở nụ cười hạnh phúc khi gia đình rộn ràng tiếng cười.

Thương binh Phùng Thanh Tâm (ấp 1, xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) với thu nhập trên 400 triệu đồng/năm từ 1,8 hécta đất vườn trồng sầu riêng.
Thương binh Phùng Thanh Tâm (ấp 1, xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) với thu nhập trên 400 triệu đồng/năm từ 1,8 hécta đất vườn trồng sầu riêng.

Theo thời gian, 8 người em gái và 5 người con của ông lần lượt khôn lớn, yên bề gia thất, ông Tâm nhẹ gánh chuyện gia đình. Tuy nhiên, hiện ông lại nặng mang chuyện xã hội, suốt ngày cùng nông dân nghĩ hướng làm giàu từ đất và đưa trái cây của xã Bình Lộc đi xa.

* Nặng gánh gia đình

Hòa bình lập lại trên quê hương Bình Lộc anh hùng, bà Nguyễn Thị Năm (mẹ ông Tâm, nay đã mất) vui mừng khi con trai độc nhất của gia đình thắng trận trở về.

Ông Tâm kể khi gặp lại ông, mẹ và các em của ông chỉ biết khóc vì mừng. Sau đó, bà Năm gửi gắm niềm tin với ông trong nước mắt rằng, là anh cả trong gia đình, ông Tâm có trách nhiệm chăm lo cho 8 người em gái ăn học khi cha không còn.

Không ngồi nhà say sưa chuyện chiến thắng để mẹ già và 8 người em gái nhỏ dại phải lo lắng, ông Tâm lập tức thay cha “chỉ huy” cả nhà dọn dẹp 4 hécta đất đầy cỏ dại để trồng tỉa bắp, mì, lúa... lấy lương thực nuôi sống cả nhà. Những vạt hoa màu xanh mượt, lớn nhanh theo từng cơn mưa, nhát cuốc vun xới. Nhưng đến ngày thu hoạch, ông Tâm chẳng dư dả được bao nhiêu khi mọi chi tiêu trong nhà đều cậy nhờ vào mớ nông sản thu được.

Sau một mùa rẫy, bà Năm hối thúc ông Tâm lấy vợ khi hay biết ông quen bà Nguyễn Thị Mỹ, con gái một gia đình (ở La Ngà, huyện Định Quán) đã nuôi giấu ông trong kháng chiến. Một buổi tiệc nho nhỏ diễn ra, ông và bà Mỹ thành vợ chồng. Bà Năm có thêm nàng dâu thảo hiền, riêng ông Tâm thì đôi vai thêm nặng trĩu.

Ông Phùng Thanh Tâm cho biết, HTX Bình Lộc đang xúc tiến cho trái chôm chôm xuất khẩu sang Pháp và các loại trái cây khác vào siêu thị. Để làm được điều đó, ông Tâm đã tích cực cùng chính quyền địa phương vận động nhà nông thực hiện nghiêm các chương trình như Viet GAP… trong sản xuất, bảo quản sau thu hoạch để trái cây xã nhà đủ lực cạnh tranh với các địa phương khác. Ông Tâm ví von, trách nhiệm nhà nông trong sản xuất trái cây sạch hệt như người lính trận phải luôn quả cảm, hy sinh, quyết đoán mới đem về sự chiến thắng.

Mùa rẫy mới bắt đầu, gia đình ông Tâm có thêm người và 8 người em gái thêm tuổi, thêm sức giúp ông trong việc lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà. Rẫy nhà không đủ làm, vợ chồng ông Tâm và mẹ già vác cuốc đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Mùa vụ thất bát do cây trồng thiếu phân bón, ông xoay sang mượn đất bỏ hoang trồng tỉa để bù vào phần thiếu hụt.

Rồi 8 người em gái của ông lần lượt lập gia đình, được mẹ già chia đất ra ở riêng, phần ông chỉ còn lại 9 sào đất với trách nhiệm nuôi mẹ, vợ và 5 con nhỏ, cuộc sống vì thế thiếu trước hụt sau. Trúng vụ mì năm 1980, khi được nông dân Bảy Sang cho mượn 2 hécta đất trống để trồng, ông Tâm tậu chiếc xe máy để chạy xe ôm ngoài chợ Long Khánh. Từ đó, cuộc sống gia đình ông bớt chật vật hơn trước, mẹ già được ngơi tay, ở nhà chăm cháu.

“Năng nhặt, chặt bị”, bản chất nhà nông sớm giúp thương binh Tâm xây sửa lại mái nhà, nuôi con ăn học và mua thêm được 9 sào đất liền kề. Rồi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, quê hương chuyển mình, ông Tâm nghỉ chạy xe ôm để tập trung lo chăm sóc vườn tiêu, cà phê, chôm chôm, kết hợp với chăn nuôi heo, gà, dê… theo đúng hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ông sớm ổn định, vươn lên khá giả như các hộ nông dân nhiều đất khác.

* Góp tay xây dựng nông thôn mới

Kinh tế phát triển giúp cho thương binh Phùng Thanh Tâm bớt đi nỗi lo toan cơm áo, gạo tiền. Những lúc rảnh rỗi, nhìn từng chùm sầu riêng đung đưa trước gió, ông Tâm nhớ về đồng đội, nhớ những ngày bám dân chiến đấu, chăm sóc thương binh.

Ông Tâm kể, sau trận đánh lộ 20 tại km107 (nay là quốc lộ 20) cùng đồng đội, ông bị thương và được đưa về căn cứ dưỡng thương. Những ngày chiến sự ác liệt tiến tới giải phóng Xuân Lộc và Định Quán, ông và một tổ quân y còn kẹt trong rừng để chăm sóc 15 thương binh nặng. Sau khi chôn cất các thương binh hy sinh, ông và tổ quân y mới tìm đường về căn cứ.

Ngày hay tin đất nước thống nhất qua chiếc radio, ông và các đồng đội ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. “Được trở về từ chiến sự ác liệt với người lính đó là hạnh phúc” - ông Tâm tâm sự khi nhìn những hạt mưa tháng 6 rơi lất phất ngoài sân.

Phóng viên Đài Truyền thanh TX.Long Khánh phỏng vấn thương binh 4/4 Phùng Thanh Tâm về chuyện làm ăn, làm giàu.
Phóng viên Đài Truyền thanh TX.Long Khánh phỏng vấn thương binh 4/4 Phùng Thanh Tâm về chuyện làm ăn, làm giàu.

Bỏ qua tất cả đau thương của thời chiến, chỉ giữ lại kỷ niệm sinh tử cùng đồng đội, ông Tâm miệt mài với rẫy vườn để cùng nông dân xã Bình Lộc kiếm tìm cuộc sống sung túc. Năm 2012, Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (gọi tắt là HTX Bình Lộc) được thành lập, ông Tâm được đề bạt làm chủ nhiệm (nay là giám đốc). Để cùng với 12 xã viên xây dựng hợp tác xã kiểu mẫu trong giai đoạn đất nước hội nhập, ông Tâm phải đi nhiều, nắm bắt nhiều thông tin, cách thức sản xuất, kinh doanh để cùng các xã viên đưa trái chôm chôm, sầu riêng, măng cụt trong vườn nhà đạt tiêu chuẩn GAP.

Không chỉ góp công, bỏ sức cùng chính quyền xây dựng thương hiệu cho trái cây xã Bình Lộc, ông Tâm còn đậm chất lính khi cùng cán bộ tổ, ấp vận động nông dân hiến đất, góp tiền xây dựng nông thôn mới. Trái cây Bình Lộc càng nổi tiếng thơm ngon thì đất Bình Lộc càng sớm trở thành “tấc đất, tấc vàng”. Tuy vậy, ông Tâm và nông dân trong HTX Bình Lộc vẫn không ngần ngại hiến hàng ngàn m2 đất để mở rộng đường đi, tráng nhựa; đồng thời cùng nông dân trong vùng bàn thảo cách làm ăn, làm giàu bền vững, bắt kịp với hội nhập, giao lưu hàng hóa.

Ông Tâm cho hay, số ông khổ mà vui, chuyện gia đình vẹn toàn thì quay qua lo chuyện xóm làng. Cái ông nhận được từ sự “bao đồng” đó là niềm tin của xã viên và nông dân vào đường hướng đổi mới của Đảng, Nhà nước. Điều đáng tự hào nhất vẫn là cuộc sống nhà nông trong ấp, HTX Bình Lộc ngày càng phát triển, ấm no, hạnh phúc qua từng vụ mùa: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt…, khi những loại trái cây này được bày bán trong siêu thị, chợ đầu mối và sắp xuất khẩu đi nước ngoài.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều