Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Cư "cỏ non"

10:06, 20/06/2016

Bao năm gắn bó với Đài Truyền thanh xã Bảo Quang (TX.Long Khánh), cán bộ đài xã Trần Văn Cư được người dân và cán bộ địa phương gọi vui là ông Cư "cỏ non".

Bao năm gắn bó với Đài Truyền thanh xã Bảo Quang (TX.Long Khánh), cán bộ đài xã Trần Văn Cư được người dân và cán bộ địa phương gọi vui là ông Cư “cỏ non”. Ông Cư nở nụ cười hiền lành giải thích, cái tên Cư “cỏ non” bà con, cán bộ cơ sở đặt cho ông vì bài hát Em đi trên cỏ non làm nhạc hiệu của đài đã đi vào tiềm thức của mọi người.

Ông Trần Văn Cư chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật tại cụm loa.
Ông Trần Văn Cư chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật tại cụm loa.

Đều đặn 5 giờ mỗi ngày, ông Cư đã có mặt tại UBND xã để chuẩn bị mở máy phát cho buổi truyền thanh sáng vào lúc 5 giờ 30. Đây cũng là thời điểm nhà nông xã Bảo Quang tỉnh giấc, chuẩn bị bữa cơm sáng để ra đồng, lên rẫy... Khúc nhạc hiệu Em đi trên cỏ non của nhà đài như cái đồng hồ báo thức rất có uy tín với nông dân xã Bảo Quang trong thời buổi điện thoại di động, ti vi, đồng hồ nhà nhà, người người đều có.

* Trách nhiệm với đài

Trước khi được phân công phụ trách Đài Truyền thanh xã Bảo Quang, ông Cư đã trải qua nhiều nhiệm vụ, như: cán bộ văn phòng, ủy nhiệm thu thuế, văn hóa - thông tin... Ông Cư tâm sự, nhà ông ở cách trụ sở UBND xã hơn 10km, nhưng suốt 13 năm qua ông không để người dân trong xã mất một buổi truyền thanh nào.

Năm 2003, ông Cư “cỏ non” được phân công làm “Giám đốc” Đài Truyền thanh xã Bảo Quang. Lúc đó, Đài Truyền thanh xã chỉ có dàn máy FM cũ và 6 cụm loa không dây (mỗi cụm chỉ có 2 chiếc loa) tại 5 ấp và trung tâm xã. Không hiểu nhiều về máy móc, kỹ thuật, ông phải mang loa, máy lên Đài Truyền thanh TX.Long Khánh nhờ hỗ trợ, chỉ bày kỹ thuật, sửa chữa. Nhờ mãi thấy phiền phức, ông đã tự mày mò sửa chữa được.

Không chỉ biết sửa chữa, khắc phục các lỗi kỹ thuật về loa, máy móc…, ông Cư còn tập tành viết tin, bài gửi Đài Truyền thanh TX.Long Khánh và làm chương trình riêng cho Đài Truyền thanh xã. Vì vậy, mỗi khi xã, ấp và đoàn thể tổ chức hội họp, lễ kỷ niệm, tập huấn cho nông dân…, ông Cư luôn có mặt để tuyên truyền. Những lần bỏ sót thông tin quan trọng hoặc bị lãnh đạo xã phê bình “nhà đài” thông tin hoài một vấn đề dẫn đến nhàm chán, ông Cư tiếp thu ý kiến phê bình và xuống cơ sở nhiều hơn. Ông cũng góp ý với lãnh đạo, đoàn thể xã rằng, muốn Đài Truyền thanh xã tuyên truyền tốt hơn thì mọi người phải chung tay góp sức, như: thông báo cho ông kế hoạch hội họp, tổ chức hội thảo, tặng quà… để ông biết mà đến ghi nhận, thông tin kịp thời.

Cũng nhờ chịu khó học hỏi, chương trình Đài Truyền thanh xã Bảo Quang ngày càng được bà con trong xã chú ý lắng nghe suốt 3 buổi: sáng, trưa và chiều. Đồng thời, ông Cư còn là cộng tác viên có uy tín của Đài Truyền thanh TX.Long Khánh qua những tin, bài phản ánh sinh động về: người tốt - việc tốt, phong trào xóa đói giảm nghèo, mô hình làm giàu từ đất... của nông dân trong xã, được Đài Truyền thanh thị xã đánh giá cao. Vì vậy, ngoài số tiền phụ cấp dưới 1 triệu đồng/tháng (giai đoạn 2003-2010) cho cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã, ông Cư còn được Đài Truyền thanh TX.Long Khánh trả thêm 500-600 ngàn đồng/tháng. Nhờ vậy, ông Cư có thêm động lực để phục vụ bạn nghe đài và gắn bó với nghề.

* Nhạc hiệu vang xa

Để cái máy phát FM cũ phát sóng đi xa, không bị nhiễu sóng bởi các đài khác, ông Cư không chỉ chịu khó, mà còn khôn khéo bật đài hoạt động trước giờ phát sóng cả chục phút. Ông Cư lý giải, sóng FM tần số 93,8 MhZ hay bị trùng, nhiễu sóng với các đài truyền thanh xã xung quanh nếu mở sau. Để khắc phục chuyện bị nhiễu, trùng sóng dẫn đến chương trình phát sóng bị khọt khẹt nghe không rõ hoặc không bắt được, ông cho đài mình hoạt động trước giờ phát sóng chính thức vài chục phút (cho máy phát tín hiệu không lời) để giành tiếng nói với đài khác. Cũng vì cái sự khôn khéo đó mà ông bị các đài truyền thanh xã khác “mắng vốn” lên Đài Truyền thanh TX.Long Khánh đã giành sóng của họ, các đài xã thường xuyên bị Đài Truyền thanh xã Bảo Quang lấn át mà không thể khắc phục.

Giờ phát sóng buổi sáng của ông Cư “Cỏ non”.
Giờ phát sóng buổi sáng của ông Cư “Cỏ non”.

Năm 2008, Đài Truyền thanh xã Bảo Quang được đầu tư thêm 9 cụm loa mới (nâng lên 15 cụm). Năm 2014, được đầu tư máy phát FM 66,10 MHZ (hiệu NBE của Công ty Quang Tuân) và phát triển lên 25 cụm loa toàn xã. Để khắc phục các cụm loa bắt được tín hiệu yếu khi đặt xa nơi máy phát (Trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng xã Bảo Quang), ông Cư đã mày mò cải tiến các đầu thu tại các cụm loa để bắt và phát tín hiệu tốt, mạnh hơn; đồng thời thường xuyên chạy xe máy đến các cụm loa kiểm tra, theo dõi nhằm khắc phục các lỗi kỹ thuật.

Tâm huyết, trách nhiệm và yêu mến cái đài nhỏ bé của xã suốt 13 năm qua, ông Cư “Cỏ non” đã nhận được nhiều giấy khen của xã, huyện. Từ công việc này, ông Cư còn bén duyên với công việc MC đám cưới, làm phóng viên đắc lực cho Đài Truyền thanh TX.Long Khánh và trở thành nông dân làm kinh tế giỏi.

Không chỉ tâm huyết với đài nhỏ bé của mình, ông Cư còn xem công việc làm đài như là cơ hội để tiếp cận với nông dân, kỹ sư nhằm học tập kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài các tin, bài viết gửi về Đài Truyền thanh TX.Long Khánh, làm chương trình phát sóng cho Đài Truyền thanh xã, ông Cư còn chịu khó ngồi ghi chép, lắng nghe các nông dân, kỹ sư nói về kỹ thuật trồng cà phê, sầu riêng, chôm chôm, chăn nuôi dê… để về áp dụng trên 1,8 hécta đất của gia đình. Nhờ vậy, bà Cư rất hài lòng về chồng khi vườn tược luôn xanh tốt, đàn dê và heo chóng lớn, ít bệnh tật, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Mỗi lần thấy ông Cư chạy xe lòng vòng đi đâu đó, ông Hai Sang (ấp Ruộng Tre, một bạn nghe đài tri kỷ) hay gọi ông vào nhà uống ly trà và hỏi thăm sức khỏe. Ông Hai Sang nói với ông Cư rằng, Đài Truyền thanh xã Bảo Quang giúp nông dân trong xã nhiều điều lắm, như: nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới; chính sách ưu đãi đầu tư nông nghiệp của xã, huyện, tỉnh và trung ương đến nông dân; xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, đài còn làm một việc ý nghĩa là gọi nông dân dậy sớm lo cơm nước đi làm và canh giờ để về nhà nghỉ ngơi. Vì vậy, mỗi khi nghe nhạc hiệu bài hát Em đi trên cỏ non của đài phát buổi sáng, mọi người đều biết ông Cư còn khỏe, đang ở đài một mình.

Đúng như lời ông Hai Sang nói, nếu đúng 5 giờ 30 sáng, 11 giờ trưa hoặc 5 giờ 30 chiều mà nhạc hiệu không nổi lên, người dân trong xã lại gọi điện thoại ngay để thông báo cho ông Cư biết cụm loa nào đó bị trục trặc để đến sửa chữa, khắc phục sớm. Do đó, hôm ông Cư nổi hứng mở đài ngoài giờ truyền thanh để chúng tôi làm phóng sự liền bị bạn nghe đài điện thoại đến mắng vốn, lãnh đạo xã hỏi thăm lý do.

Ông Cư tỏ bày, sóng phát thanh của đài đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân trong xã nên ông phải có trách nhiệm với từng buổi phát sóng, với công việc thầm lặng và cũng khá thú vị này.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều