Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần kiệm để giúp người nghèo

04:06, 28/06/2016

Con đông, vợ tật nguyền, ông Trần Dân (ngụ ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) phải bỏ hẳn các thói quen sử dụng rượu, thuốc lá, cà phê… nhằm tập trung cho cái ăn, cái mặc của cả nhà.

Con đông, vợ tật nguyền, ông Trần Dân (ngụ ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) phải bỏ hẳn các thói quen sử dụng rượu, thuốc lá, cà phê… nhằm tập trung cho cái ăn, cái mặc của cả nhà. 30 năm ròng, ông chỉ biết làm, tích lũy để chu toàn mọi sự trong gia đình. Khi chuyện gia đình êm xuôi, ông vẫn duy trì tính tiết kiệm để có tiền xây dựng những ngôi nhà tình thương tặng các gia đình nghèo và đóng góp cho các phong trào xã hội.

* Người đàn ông mẫu mực

Sau ngày hòa bình lập lại, ông Trần Dân đưa cả gia đình về ấp Hòa Bình lập nghiệp chẳng có một đồng dính túi. May sao, ông được người mẹ nuôi ở tỉnh Bình Thuận gọi về đưa cho 90 ngàn đồng khi bà bán căn nhà do ông tạo dựng từ trước năm 1975. Nhờ vậy, ông Dân mới có tiền mua khu đất nhỏ dựng tạm túp lều để ở và tậu được 9 sào đất sản xuất để bám trụ ở ấp Hòa Bình.

Ở tuổi 82, ông Trần Dân mới thanh thản bỏ tay cuốc, chài lưới để sống an nhàn.
Ở tuổi 82, ông Trần Dân mới thanh thản bỏ tay cuốc, chài lưới để sống an nhàn.

Vợ bị tật nguyền, 5 người con đang tuổi ăn học, gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai ông Dân. Để có tiền nuôi sống gia đình của mình, ông Dân phải đi làm ruộng thuê cho người dân trong vùng. Ông Dân kể, làm ruộng thuê lúc ấy chỉ dùng cuốc chứ không có máy móc hỗ trợ. Để làm vài sào ruộng giữa 2 con suối cạn chảy quanh 2 quả đồi, ông phải cuốc ngày, cuốc đêm cả tuần mới xong. Vì vậy, tiền công ông nhận được gấp 2-3 lần một người làm thuê công nhật.

Vì một người bạn mời uống cà phê, ông Trần Dân phải mời lại để trả nợ. Hôm ấy, bạn bè đến uống rất đông, ông Dân không đủ tiền trả nên phải ký sổ nợ. Ông Dân kể, điều đó làm ông ân hận mấy tháng liền và quyết tâm từ bỏ những kiểu chi tiêu không cần thiết, như: thuốc lá, cà phê, rượu… Mới đầu, nhiều người cho rằng ông keo kiệt, bủn xỉn. Cuối cùng, họ cũng hiểu và thông cảm cho ông khi ông phải lo cho 7 miệng ăn trong nhà và cả chuyện họ hàng ở quê túng thiếu.

Không có người thuê làm ruộng, ông Dân quay sang làm nghề chài lưới để mưu sinh. 4 giờ sáng, ông đã đạp xe đến các đầm lầy, suối, ao bỏ hoang ở xã Bàu Hàm để quăng lưới bắt cá. Mặt trời đứng bóng, ông đem số cá bắt được rao bán dạo dọc đường về, rồi ghé chợ mua vài ký gạo đem về cho vợ con nấu nồi cơm, phần còn thừa ông dặn bà Vân (vợ ông Dân, nay đã mất) bỏ ống tiết kiệm.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Quảng Nam, ông Dân quá quen với cách cần kiệm của cha mẹ và cũng quá quen với cuộc sống côi cút một mình nơi đất khách, không người dựa đỡ nên ông Dân càng quyết tâm trong việc tiết kiệm. Làm được một đồng, ông chỉ dám tiêu xài phân nửa, nửa còn lại phải để dành. Nửa số tiền dành để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, ông chỉ dám dùng vào những việc cần kíp của cuộc sống, như: ăn, mặc, thuốc men, chuyện học hành của các con…, còn cá nhân ông chỉ cần cơm no bụng, áo kín thân để đi làm. Những sinh hoạt cá nhân “xa xỉ” thời trẻ, như: thuốc lá, cà phê, rượu... ông phải dứt bỏ để vợ con có thêm miếng cơm trắng để ăn, chiếc áo ấm để mặc.

Thương chồng, bà Vân càng nỗ lực trên đôi nạng gỗ chăm sóc đàn con, lo cơm nước cho ông. Nồi cơm độn khoai, bắp hàng ngày, bà chỉ dám ăn cho ấm bụng vì sợ chồng không đủ sức làm việc nặng, con thơ thiếu hạt cơm trắng học không giỏi.

Ông Dân tâm sự, việc kiếm miếng ăn lo cho 7 người trong gia đình thời điểm sau ngày đất nước thống nhất, một mình ông quán xuyến rất chật vật. Tuy vậy, ông vẫn vui, vẫn hạnh phúc vì gia đình luôn đầy ắp tiếng cười và niềm tin cuộc sống mỗi khi ông đi làm về.

* Làm nhà cho người nghèo

Nhờ tiếc công, ham làm và tiết kiệm đúng cách, ông Dân sớm tậu được 2 hécta đất, thay cái chòi dột bằng ngôi nhà gỗ vững chắc. Khi các con lần lượt có gia đình riêng, vợ chồng ông cũng thoát được cảnh cơ hàn. Tuy vậy, ông vẫn không bỏ cái nghề làm ruộng thuê cho người dân trong vùng và việc chài lưới.

Một ngày đầu tháng 8-1999, vợ ông Dân thỏ thẻ với chồng về trường hợp của bà Thiên (ngụ khu 5, ấp Hòa Bình) chồng chết, một mình nuôi 4 con ăn học, nhà bị sập không còn chỗ che nắng, che mưa. Nghe vợ tâm sự, ông quyết định trích 15 triệu đồng từ tiền tiết kiệm của gia đình để làm nhà tặng cho bà Thiên. Để ngôi nhà tình thương thêm phần khang trang, ông ngỏ lời với cơ sở bán vật liệu xây dựng bán vật liệu với giá rẻ cho ông.

Xây nhà tặng bà Thiên xong, ông Dân quay sang xây tặng nhà cho vợ chồng ông Dũng. Ông Dân kể, nhà vợ chồng ông Dũng sắp sập nên vợ con ông này phải tản mác về xã Trung Hòa lánh nạn. Thương cảnh vợ chồng ông Dũng vì cái nhà sắp sập mà mỗi người một nơi, vợ chồng ông Dân bàn với các con xây gấp căn nhà tặng vợ chồng ông Dũng. Chỉ trong vòng 20 ngày, vợ chồng ông Dũng đã có ngôi nhà xây trị giá 20 triệu đồng để sum họp.

Ông Dũng (phải) là một trong những người được vợ chồng ông Trần Dân xây tặng nhà tình thương.
Ông Dũng (phải) là một trong những người được vợ chồng ông Trần Dân xây tặng nhà tình thương.

Năm 2004, vợ chồng ông Dân lại lấy tiền tiết kiệm của gia đình ra xây nhà tặng cho bà góa Dung. Ngày nhận ngôi nhà mới do vợ chồng ông Dân xây tặng, bà Dung không cầm được nước mắt trước tấm lòng của vợ chồng ông Dân. Bà Dung tâm sự, bao năm sinh sống tại ấp Hòa Bình, bà hiểu rất rõ số tiền vợ chồng ông Dân làm nhà tặng bà được tích lũy từ việc nhịn ăn, nhịn mặc lúc khốn khó mà ra. Nay trong khi bà sống ấm áp trong ngôi nhà mới thì ông Dân vẫn còn cật lực đi cuốc đất, chài lưới.

Không chỉ xây nhà tặng cho người nghèo trong ấp, vợ chồng ông Dân còn là mạnh thường quân tích cực của xã Đông Hòa trong việc chăm lo cho người nghèo, học sinh vượt khó, phong trào xã hội…

Ông Vũ Thủy, Phó chủ tịch MTTQ xã Đông Hòa, bày tỏ dù tiết kiệm từng đồng trong tiêu dùng cá nhân nhưng với các phong trào của xã, ông Dân không bao giờ dè xẻn khi được vận động. “Xã chỉ vận động vài chục ngàn đồng đóng góp cho các phong trào chung của ấp, xã theo từng hộ dân, nhưng vợ chồng ông Dân vẫn tự nguyện đóng góp vài triệu đồng để cùng ấp, xã lo cho dân nghèo tốt hơn” - ông Thủy nói.

Năm 2010, ông Dân chưa kịp đập ống tiết kiệm xây cho bà Vân ngôi nhà mới để ở thì bà bỏ ông mà đi. Mãi đến năm 2014, ở tuổi 80, ông mới tự xây cho mình ngôi nhà tươm tất để thờ bà Vân. Ông Dân bộc bạch, đó là ngôi nhà mà ông tiết kiệm cả đời mới làm được. Dù ông làm nhà muộn hơn người khác, nhưng ông tin rằng bà Vân ở nơi suối vàng vẫn hiểu và mãi thương cái tính tiết kiệm vì lo cho người khác chứ không vì bản thân của ông.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều