Báo Đồng Nai điện tử
En

Nước mắt bên dòng sông (Bài 1)

09:11, 23/11/2012

Sông Đồng Nai được trời phú cho trữ lượng cát dồi dào, chất lượng cao. Chính vì thế, các đối tượng “cát tặc” thường lén lút hút trộm cát. Lợi ích trước mắt của một nhóm nhỏ người đã gây nên hậu quả khôn lường cho hàng trăm hộ dân sống ven sông.

 

Sông Đồng Nai được trời phú cho trữ lượng cát dồi dào, chất lượng cao. Chính vì thế, các đối tượng “cát tặc” thường lén lút hút trộm cát. Lợi ích trước mắt của một nhóm nhỏ người đã gây nên hậu quả khôn lường cho hàng trăm hộ dân sống ven sông.

Đất ven sông sạt lở bởi dòng chảy tự nhiên thì ít, do con người thì nhiều. Những chiếc ghe hút trộm cát ngày đêm tranh thủ lấy đi tài nguyên, để lại hệ lụy là những mảnh đất vườn ven sông dần bị kéo tuột xuống sông. Nước mắt con người cứ vậy lặng lẽ rơi theo tiếng đất đai, vườn tược.


Bà Phùng Thị Cần cứ đau đáu nỗi niềm giữ lại mảnh đất mà bao đời gia đình bà gắn bó.
Bà Phùng Thị Cần cứ đau đáu nỗi niềm giữ lại mảnh đất mà bao đời gia đình bà gắn bó.

 

Các xã Bình Lợi, Bình Hòa của huyện Vĩnh Cửu; xã Phước An, Long Tân, Đại Phước của huyện Nhơn Trạch; phường Long Bình Tân, phường Bửu Long, Cù lao Hiệp Hòa của TP.Biên Hòa và còn nhiều nơi nữa… đã và đang là những điểm “nóng” về nạn hút trộm cát.

* Tấc đất tấc lòng

Mảnh vườn 4 sào của gia đình anh Trương Lâm Minh Anh (ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) đã biến dạng theo hình chữ C. Phần đất sát bờ sông của anh chỉ trong 2 năm trở lại đây đã bị sạt lở vào sâu 3m. Bờ sông không ngừng khoét sâu vào đất của anh bằng những hàm ếch ngày càng rộng. Anh chua chát nói: “Cứ mỗi năm mất mấy chục mét vuông đất thì vài năm nữa tôi chẳng kiếm đâu ra đất mà trồng hoa màu”.

Người ta thường bảo: “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Oái ăm thay, cái cận giang bây giờ với ông Hà Văn Nghĩa (ngụ cùng ấp với anh Minh Anh) là nguy cơ chỉ chừng một năm nữa, với đà sạt lở bờ sông như hiện nay, ông sẽ mất trắng 3 sào đất màu mỡ. “Hết cách”, hai từ gọn lỏn ông Nghĩa nói ra nhẹ tênh, mà chứa cả sự bất lực. Mấy năm trước, thấy ruộng vườn cứ ngày càng teo tóp, ông cũng trồng tre, thuê người đóng tràm giữ đất. Nhưng rồi…, tre hay kè tràm cũng không chịu được, tất cả đều đã chìm xuống dưới sông.

Không biết bao lần ông Nghĩa quặn lòng nhìn sóng ngày đêm ì ọp "ngoạm" nốt phần đất còn lại của gia đình. Trong đôi mắt già đầy vết chân chim của ông, hình ảnh dòng sông thơ mộng ngày nào giờ trở nên xa lạ. Ông không oán trách dòng sông, chỉ trách con người sao nỡ vì tiền mà thờ ơ với nỗi đau của người khác.

Vườn bưởi xanh tốt, được mùa, tiếng xuồng, ghe chạy lạch xạch trên sông nghe thật vui tai. Cứ tưởng bấy nhiêu đây là quá đủ để con người thong thả mà an hưởng tuổi già. Ấy vậy mà, ở cái tuổi 60 của ông Thái Hoàng Phú Sỹ (ngụ ấp Thạnh Phước, xã Bình Hòa) vẫn còn đó canh cánh một nỗi niềm. Tai họa ập đến khi bọn “cát tặc” hàng đêm cứ chọn khúc sông sát vườn nhà ông mà hút trộm. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, lần lượt từng gốc bưởi đang trĩu trịt trái trong vườn ông bị cuốn xuống sông. Hôm gặp chúng tôi, ông ngậm ngùi thông báo: “6 tháng mất đúng 10 gốc bưởi chú à”. Cây mất, ông có thể trồng lại, nhưng đâu chỉ có cây... Nỗi đau xót ấy cứ ứ nghẹn trong lòng ông.

Không riêng gì cây cối, vườn tược, mà ngay cả con người cũng bị “đuổi” ra khỏi bờ sông. Nhiều người thử trồng tre, đóng tràm, cừ,… để kè đất, để chống chọi nạn sạt lở nhưng cũng đành bất lực. Phần lớn họ không có nhiều tiền để xây đê kè, nên nỗi lo sợ đất sạt lở cứ ám ảnh những người dân vốn đã chịu nhiều khốn khổ này.

Khi gặp chúng tôi, những người dân ở vào hoàn cảnh như ông Nghĩa, ông Sỹ không hề hiếm. Nhiều người sau bao nhiêu năm phải căng thẳng thần kinh sống trong sợ hãi và lo lắng buộc lòng phải nghĩ tới chuyện dời đi nơi khác. Thế nhưng, “Đi đâu?” là câu hỏi đặt ra với họ. Bởi: “Bây giờ chỗ nào đất ít thì vài trăm triệu đồng, vừa vừa cũng tiền tỷ. Đến đời cháu con chúng tôi chưa chắc có đủ tiền mua nổi”.

Và cứ thế, đất sạt lở tới đâu, người dân lại dời nhà vô đến đó. Được chăng hay chớ, cuộc trốn chạy cứ diễn ra âm thầm mà đau đớn.

* Trốn chạy khỏi bờ sông

Vốn là người lo xa, thấy nơi khác đất đai sạt lở dữ nên bà Nguyễn Thị Năm (ấp Phước Lý, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) đã trồng thêm một đám dừa nước. Thấy chưa an tâm, bà lại bỏ ra gần 20 triệu đồng mua tràm về đóng kè cho chắc. Thế nhưng, cái kế hoạch công phu và tốn kém này cũng chỉ giúp mảnh đất của bà “cầm cự” được thêm vài ba năm so với các hộ dân khác. Bây giờ, hơn nửa đám dừa nước cũng đã trôi tuột ra ngoài sông, chìm nghỉm.

Chỉ trong vòng 5 năm, đất vườn của bà Năm bị sông lấn sâu vào 25m. Một buổi sáng nọ, cả nhà bà kinh hoàng khi thấy nước sông vỗ ầm ầm sát vách nhà bếp. Sợ một ngày cả nhà thức giấc ở… giữa sông, bà Năm phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền để dời nhà sâu vô trong đất liền hàng chục mét. Như để giải thích với chúng tôi vì sao chỉ dời được 10m, bà Năm nói mà nước mắt lưng tròng: “Nếu có đất chỗ khác thì gia đình tui cũng đã đi rồi. Giờ có bây nhiêu đất thì biết dời đi đâu nữa hả chú”.

Nền nhà cũ của bà Phùng Thị Cần (khu B, ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa) cách mép sông đúng một hàng cây chùm ruột. Cũng như nhiều hộ “trót” xây nhà cạnh bờ sông, nhà bà Cần cách đây 3 năm cũng phải dời sâu vô bên trong. Bà Cần may mắn hơn nhiều hộ khác, vì đất bà cũng còn rộng nên nhà mới của bà cách mép sông hơn 20m. Tuy vậy, mỗi lần ra sau nhà, bà cứ ngậm ngùi nhìn mấy đám lục bình trôi gần bờ mà thấy lòng nghẹn ngào.

Bà Cần kể, 5-6 năm nay, từ ngày bọn hút cát trộm bắt đầu hoạt động mạnh thì vườn nhà bà và những vườn nhà hàng xóm bắt đầu xuất hiện sạt lở đất. Bờ sông yên bình bao đời bỗng nhiên hung dữ. Tầng tầng, lớp lớp cát vốn làm phần đệm bảo vệ bờ không bị sóng mạnh đánh vào đã bị bọn “cát tặc” cướp mất. Và lẽ tự nhiên, dòng sông sẽ đòi lại những gì con người đã lấy đi. Nhưng người gánh trọn hậu quả không phải là bọn “cát tặc”, mà chính là những người nông dân hiền hậu bao đời sống chan hòa với đất đai, với dòng sông.

Dẫn chúng tôi men theo con đường nhỏ đi dọc bờ sông, ông Sỹ nói đùa: “Giờ còn đường đi, chứ mai mốt chỉ biết lội dưới sông”. Tuy nhiên, nụ cười của mọi người chợt tắt khi trước mắt chúng tôi là một cây cầu bằng xi măng dài hơn 3m, bề ngang chừng 1m vừa được xây. “Công trình” này do ông Sỹ cùng các hộ lân cận gom tiền lại làm. Tất cả cũng chỉ vì con đường đất trước đó, giờ đã tan vào dòng sông.

“Chúng tôi chỉ cố được như thế này thôi, chứ cứ cái đà sạt lở này thì sao mà trụ nổi được. Bữa trước, có người đi ngang qua đây bị lọt xuống sông suýt chết, cũng vì đất bị trống chân nên giờ không biết tránh đường nào”. Nói đoạn, mấy lão nông lại bàn nhau chuẩn bị gom tiền vì có thêm một chỗ sạt lở mới, sợ mấy đứa nhỏ qua lại mất mạng như chơi.

Nước mắt nhỏ xuống trong vô vọng, uất ức vì đất đai, vườn tược dần mất trắng, nhiều hộ dân quyết bảo vệ đến cùng tấc đất của mình. Và cuộc chiến chống “cát tặc” diễn ra không kể ngày đêm, già trẻ hay gái trai.

Minh Đăng

 

 

 

 

Tin xem nhiều