Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan chống săn bắt thú rừng

10:11, 21/11/2012

Sự đa dạng và phong phú về các loại động, thực vật quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) đang bị đe dọa bởi bọn lâm tặc dùng đủ thủ đoạn để săn bắt thú rừng. Việc các đối tượng săn bắt thú rừng trái phép chống lại lực lượng chức năng vào ngày 26-10 vừa qua cho thấy, công tác phòng, chống săn bắt động vật rừng vốn khó khăn, nay càng thêm gian nan, nguy hiểm.

 

Sự đa dạng và phong phú về các loại động, thực vật quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) đang bị đe dọa bởi bọn lâm tặc dùng đủ thủ đoạn để săn bắt thú rừng. Việc các đối tượng săn bắt thú rừng trái phép chống lại lực lượng chức năng vào ngày 26-10 vừa qua cho thấy, công tác phòng, chống săn bắt động vật rừng vốn khó khăn, nay càng thêm gian nan, nguy hiểm.

* Kẻ săn trộm manh động, côn đồ

Đến bây giờ, vụ việc hành hung cán bộ kiểm lâm Trạm Suối Ràng đã qua gần một tháng, nhưng các cán bộ kiểm lâm của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai vẫn không quên những hành vi côn đồ, manh động của nhóm đối tượng săn bắt thú rừng trái phép.

Một lâm tặc bị kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai bắt giữ cùng tang vật.
Một lâm tặc bị kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai bắt giữ cùng tang vật.

Vừa xuất viện được vài hôm, vết thương trên cánh tay đã được bó bột cố định, anh Phạm Văn Nông (41 tuổi, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Suối Ràng) kể lại: “Ngày

26-10, sau khi bị chúng tôi bắt giữ và lập biên bản quả tang đang mang 3 con dúi từ trong rừng ra, Nguyễn Đức An (22 tuổi) và Trần Hữu Tuấn (23 tuổi), đều ngụ ở ấp 2, xã Phú Lý, đã rủ một số đối tượng đánh chúng tôi trả thù. Sau khi đã chuẩn bị hung khí, nhóm đối tượng này đã mai phục gần khu vực Trạm Kiểm lâm Suối Ràng, chờ lúc tôi đi xe máy ngang qua, cả bọn xông ra đánh tôi đến gãy tay. Chưa hết, khi thấy kiểm lâm viên Nguyễn Văn Sơn đi xe máy tới, cả bọn cũng xông vào đánh túi bụi, khiến anh Sơn phải bỏ chạy thoát thân…”. Khi lực lượng Công an xã Phú Lý đến giải quyết, các đối tượng trên đã tấn công lại, gây thương tích cho một số công an viên. Vụ việc chỉ được giải quyết khi có lực lượng công an huyện và tỉnh xuống hiện trường hỗ trợ bắt giữ hàng chục đối tượng tham gia gây rối.

Sau vụ việc trên, ngoài anh Nông bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu, một số công an xã cũng bị đánh gây thương tích nhẹ. Bức xúc trước hành vi côn đồ của các đối tượng, anh Sơn cho biết: “Bản thân tôi bị đánh gây thương tích ở đầu, nhưng may mắn không quá nghiêm trọng. Khi Công an huyện Vĩnh Cửu đưa lực lượng đến tăng cường, một số đối tượng quá khích đã chặn đầu xe, một số khác dùng xà beng cạy phá cửa thùng xe đặc chủng để giải thoát cho đồng bọn”.

Cũng bị một số kẻ săn trộm thú rừng tấn công, nhưng trường hợp anh Thái Ngô Đức (45 tuổi, cán bộ Trạm Kiểm lâm Suối Linh) gặp phải còn nguy hiểm hơn nhiều lần so với vụ kể trên. Chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo đang còn in hằn trên cánh tay trái, anh Đức kể lại sự việc xảy ra vào đêm 24-4-2008. Hôm đó, anh cùng một đồng nghiệp trong Tổ Kiểm lâm cơ động trên đường làm nhiệm vụ ở cụm Hiếu Liêm thì phát hiện 4 đối tượng từ Trị An vượt qua khu vực do trạm quản lý. Khi đi, các đối tượng mang trang phục bình thường. Chờ đến đêm tối, họ thay áo quần của người đi rừng, cất giấu 4 chiếc xe máy và đến địa điểm lấy súng. Ngay lập tức, nhóm của anh Đức tổ chức vây bắt, 3 đối tượng bị khống chế, riêng đối tượng Nguyễn Văn Ngọc bỏ chạy vào rừng. Anh Đức đuổi theo khống chế thì bị Ngọc dùng súng săn bắn trúng cánh tay trái, đạn xuyên qua lồng ngực. “Nằm bất tỉnh hồi lâu, tôi được anh em đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Đối tượng Nguyễn Văn Ngọc dù đã chạy lên Lâm Đồng lẩn trốn, nhưng cuối cùng cũng bị sa lưới pháp luật và phải lãnh mức án 36 tháng tù” - anh Đức kể lại.

Hiện sức khỏe anh Đức đã hồi phục, nhưng vẫn chịu thương tật 61%, được công nhận thương binh loại 2.

* Thú rừng sẽ lâm nguy

Do có nhiều loài động vật quý hiếm nên Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai mỗi ngày có hàng chục lượt lâm tặc xâm nhập để săn bắt thú rừng trái phép. Rừng tưởng chừng là nơi để thú hoang sinh tồn, vậy mà từng giờ, từng ngày, sự sống của chúng đang bị đe dọa tước đoạt bởi các loại bẫy giăng, bởi những tiếng nổ chát chúa của súng săn tự chế… Chỉ tính riêng 10 tháng của năm 2012, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đã xử phạt hành chính 40 vụ săn bắt thú rừng trái phép, với hàng trăm đối tượng vi phạm, thu giữ nhiều loại súng săn tự chế, hàng chục chiếc bẫy và nhiều hung khí chống người thi hành công vụ khác. Số lượng động vật rừng bị tịch thu và thả vào rừng là 113 con, trong đó có nhiều loại quý hiếm, như: cầy vòi hương, kỳ đà vân, khỉ, trăn gấm…

Anh Phạm Văn Báu, nhân viên của Khu bảo tồn cho biết, khi phát hiện những người đi câu, lưới cá, săn tìm rùa, chim… trong rừng, thì giáo dục, giải thích cho họ hiểu, còn số tang vật bị tịch thu được thả lại rừng. Tuy nhiên, những chuyến kiểm tra đột xuất của cán bộ kiểm lâm xem ra không thấm thía gì. “Các đối tượng săn thú rừng rất tinh vi, nghe động là lẩn khuất vào rừng liền. Ban ngày, họ ở nhà nghỉ ngơi, đến đêm mới bắt đầu hoạt động. Và đáng nói là, cho đến giờ, chúng tôi vẫn chưa có trong tay một biện pháp chế tài đủ mạnh nào để trị bọn săn bắt thú rừng chuyên nghiệp cả” - anh Báu tâm sự.

Ngày 14-11, lực lượng phối hợp giữa Công an tỉnh và Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu đã phát hiện 3 điểm buôn bán trái phép động vật rừng nằm gần Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Tại quán ăn Cò Lâu do ông Nguyễn Đức Lâu (44 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Phú Lý) làm chủ, đoàn kiểm tra phát hiện 6 cá thể động vật rừng còn sống, gồm: kỳ tôm, cheo, kỳ đà, cầy voi, dúi, rắn hổ ngựa. Kiểm tra 2 tủ cấp đông tại quán, đoàn kiểm tra phát hiện gần 200kg thịt động vật rừng các loại. Tại hai quán: Quê Hương và Quê Hương 2 do Huỳnh Tấn Tài (20 tuổi, ngụ ở ấp 3, xã Phú Lý) làm chủ, đoàn kiểm tra phát hiện trên 70 con động vật rừng đang nhốt trong lồng và túi lưới, gồm: gà nước, chim quốc, kỳ đà, rắn hổ hành, rắn ráo, cheo, dúi, cầy hương và hơn 30kg thịt động vật rừng các loại để trong tủ cấp đông…

Công tác bảo vệ trong Khu bảo tồn vốn đã khó khăn, ở khu vực giáp ranh với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước càng gian nan bội phần. Thêm vào đó, phương tiện vi phạm bị tạm giữ có giá trị thấp nên công tác xử lý vi phạm còn hạn chế. Các đối tượng mua bán, vận chuyển động vật rừng sử dụng thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện. Cuộc sống của nhiều người dân vùng đệm rất khó khăn, ý thức bảo tồn động vật nói chung của không ít người dân nơi đây vẫn còn nặng thói quen: “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn”…

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết: “Động vật quý hiếm ở đây hiện còn rùa đá, chồn đèn, chồn mướp, rái cá lông mũi, một số loài rắn, chim, heo rừng,… Do diện tích khu bảo tồn rất lớn, nên công tác bảo tồn rất cam go. Hiện còn có 1.200 hộ dân đang sinh sống trong rừng, các lâm trường trước đây hiện vẫn còn khai thác. Vì vậy, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cam go, khốc liệt hơn bao giờ hết.

Chia tay Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, chúng tôi cảm thấy lo ngại khi nơi đây đang đối mặt với tình trạng săn bắt thú rừng ngày càng phức tạp; tài nguyên rừng ngày một cạn kiệt, trong khi lâm tặc lại ngày càng gia tăng về số lượng, số vụ vận chuyển lâm sản trái phép và cả sự hung hãn bất chấp pháp luật.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều